Thứ sáu, Ngày 19/04/2024 -

Công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum
Ngày đăng: 23/05/2022  16:24
Mặc định Cỡ chữ
Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh là nhiệm vụ quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng môi trường làm việc, đảm bảo sức khỏe cho người lao động, từ đó góp phần nâng cao năng xuất lao động và chất lượng sản phẩm...
Ảnh minh họa

 

Nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm về đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cho chủ sử dụng lao động và người lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho hơn 1.072 cán bộ, người sử dụng lao động và người lao động tại các doanh nghiệp; thường xuyên nhắc nhở các doanh nghiệp, cơ sở thực hiện theo quy định pháp luật về kiểm định kỹ thuật an toàn và các quy định pháp luật về sử dụng, xử lý sự cố an toàn tại nơi làm việc. Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về Chiến dịch thanh tra tại các công trình xây dựng. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các sở, ngành tổ chức kiểm tra tại 03 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; đã xử phạt hành chính với số tiền 7,5 triệu đồng.

 

Theo đánh giá của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về AT, VSLĐ được tăng cường; việc chấp hành pháp luật về AT, VSLĐ của người sử dụng lao động và người lao động ngày càng được quan tâm. Các chế độ, chính sách đối với người lao động được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện, góp phần xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh.

 

Đồng thời, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện các quy định về chế độ, chính sách về AT, VSLĐ đối với người lao động, trong đó, có 1.808 đơn vị tham gia đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 38.240 đối tượng lao động. Các hoạt động tuyên truyền, chỉ đạo đoàn viên, người lao động về nâng cao nhận thức, hiểu biết và thực hiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19 được các cấp công đoàn thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cao trên địa bàn tỉnh. Kết hợp tốt giữa tuyên truyền và huy động các nguồn lực xã hội chung tay hỗ trợ đoàn viên, người lao động; các đơn vị tuyến đầu chống dịch với số tiền 496,37 triệu đồng; đóng góp kinh phí vào Quỹ Vacxin và phòng chống COVID-19 của tỉnh với số tiền 5.021 triệu đồng; tham gia vào các hoạt động phòng chống dịch đã góp phần quan trọng vào việc kiểm soát, khoanh vùng, dập dịch của tỉnh đạt hiệu quả cao.

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số hạn chế như: Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng dẫn đến chưa triển khai việc tập huấn, huấn luyện an toàn cho người lao động; tỷ lệ doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động còn cao; công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp có liên quan có lúc chưa được chặt chẽ, đồng bộ; công tác kiểm tra, thanh tra chưa được quan tâm đúng mức, việc áp dụng chế tài đối với hành vi vi phạm pháp luật về AT, VSLĐ của Thanh tra lao động chưa nghiêm...

 

Thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, người sử dụng lao động và người lao động về chính sách, pháp luật AT, VSLĐ; tập huấn, huấn luyện AT, VSLĐ cho người sử dụng lao động và người lao động. Quan tâm đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp tư nhân, các làng nghề và trong sản xuất nông nghiệp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật AT, VSLĐ nhất là người lao động làm việc không theo hợp đồng và tình hình chấp hành chế độ báo cáo của cơ sở sản xuất, kinh doanh./.

 

                                                                                          Lê Hằng