Thứ 5, Ngày 18/04/2024 -

Thường trực Tỉnh ủy làm việc trực tuyến với Ban Thường vụ Huyện ủy Tu Mơ Rông
Ngày đăng: 24/05/2022  22:06
Mặc định Cỡ chữ
Ngày 24/5, Thường trực Tỉnh ủy đã làm việc trực tuyến với Ban Thường vụ Huyện ủy Tu Mơ Rông về tình hình thực hiện Kết luận số 28-KL/TU, ngày 06-4-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy "về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị năm 2020", dưới sự chủ trì của đồng chí Dương Văn Trang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh.
Quang cảnh buổi làm việc

 

Dự buổi làm việc tại điểm cầu tỉnh có các đồng chí: A Pớt - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy; Lê Ngọc Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; thành viên Tổ cấp ủy phụ trách địa bàn huyện Tu Mơ Rông; đại diện lãnh đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy và các sở, ngành liên quan của tỉnh.

 

Theo báo cáo của Huyện ủy Tu Mơ Rông tại buổi làm việc, thực hiện Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Tu Mơ Rông (Kết luận số 28-KL/TU, ngày 06-4-2021), Ban Thường vụ Huyện ủy Tu Mơ Rông đã chỉ đạo cụ thể hóa các chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Kết luận số 28-KL/TU, ngày 06-4-2021 để triển khai thực hiện. Trong đó, đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách chỉ đạo triển khai thực hiện trên từng lĩnh vực kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị và đạt được một số kết quả trong năm 2021.

 

Cụ thể, tổng diện tích cây trồng các loại đạt gần 8.330ha (đạt 98,7% kế hoạch năm 2021). Tổng đàn gia súc, gia cầm gần 71.370 con (đạt 93,55% kế hoạch năm 2021). Trồng mới được 348,65 ha rừng (đạt 174,32% kế hoạch năm 2021). Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 60,269 tỷ đồng (đạt 149,12% dự toán năm 2021). Thu nhập bình quân đầu người từ 27,3 triệu đồng năm 2020 lên 29 triệu đồng năm 2021 (đạt 100% kế hoạch năm 2021). Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 103,155 tỷ đồng (đạt 99% kế hoạch năm 2021).

 

Xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo thực hiện; hiện có 05 xã đạt 15 tiêu chí, 04 xã đạt 13 tiêu chí, 02 xã đạt 12 tiêu chí, không còn xã dưới 10 tiêu chí (đạt 90,96% kế hoạch năm 2021). Thành lập mới 01 hợp tác xã, nâng tổng số hợp tác xã trên địa bàn huyện lên 23 hợp tác xã với 286 thành viên. Chương trình mỗi xã một sản phẩm được thực hiện hiệu quả, có thêm 05 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh.

 

Chất lượng đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất trường, lớp học chuyển biến tích cực. Có 100% Trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 100% kế hoạch. Tỷ lệ giảm nghèo giảm đạt trên 8,14%, hiện tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 32,69% (đạt 101,75 kế hoạch năm 2021). Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn cơ bản ổn định.

 

Tuy nhiên, chỉ tiêu phát triển dược liệu chưa đạt kế hoạch; Tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp vẫn xảy ra; Xây dựng nông thôn mới chưa đạt chỉ tiêu; Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư còn hạn chế; Một số HTX, tổ hợp tác hoạt động chưa hiệu quả, chưa thành lập được HTX nuôi ong rừng; Đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn chậm; Phát triển đảng viên và tỷ lệ bí thư chi bộ kiêm thôn trưởng chưa đạt chỉ tiêu; Việc triển khai Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững" ở một số địa phương chưa sát với thực tế... 

 

Huyện ủy Tu Mơ Rông đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành chủ trương về nguồn giống và công nhận nguồn giống sâm Ngọc Linh Kon Tum để địa phương xây dựng kế hoạch bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum; Chỉ đạo các sở, ban, ngành của tỉnh hướng dẫn phương thức bảo vệ nguồn giống và công nhận nguồn giống sâm Ngọc Linh Kon Tum; Chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải tham mưu xây mới 3 cầu bê tông để kết nối liên vùng khai thác du lịch và phát triển kinh tế giữa huyện Tu Mơ Rông và huyện Kon Plông (trên tuyến đường Ngọc Hoàng-Măng Bút-Tu Mơ Rông- Ngọc Linh); cho chủ trương ban hành Nghị quyết chuyên đề hỗ trợ huyện Tu Mơ Rông trở thành vùng trọng điểm phát triển dược liệu của tỉnh...

 

Giám đốc Sở NN&PTNT tham gia thảo luận tại cuộc họp

 

Tại buổi làm việc, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành đã tham gia ý kiến, phân tích những tiềm năng, thế mạnh; hạn chế và nguyên nhân trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy Tu Mơ Rông; đồng thời đề nghị huyện Tu Mơ Rông cần có những giải pháp khắc phục nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhanh và bền vững.   

 

Bí thư Tỉnh ủy kết luận buổi làm việc

 

Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ với những khó khăn của huyện; đồng thời cũng nêu lên những thuận lợi, tiềm năng, thế mạnh của địa phương như về phát triển dược liệu (nhất là sâm Ngọc Linh), chăn nuôi (trâu, bò) và phát triển kinh tế rừng. Vì vậy, đồng chí đề nghị tập thể Huyện ủy Tu Mơ Rông cần đổi mới tư duy, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển tiềm năng, lợi thế, vận động người dân khơi dậy khát vọng phát triển kinh tế - xã hội huyện nhà.

 

Đồng chí yêu cầu Ban Thường vụ Huyện ủy Tu Mơ Rông nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo Nhân dân phát huy tính tự lực, tự cường tập trung xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững"; thực hiện tốt Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 18/02/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy "về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp đối với việc xây dựng thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh".

 

Phấn đấu đến năm 2025 có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới; năm 2022 giảm 8% tỷ lệ  hộ nghèo và từ năm 2023 đến năm 2025, giảm thêm 9% hộ nghèo/năm; trồng vượt chỉ tiêu về trồng rừng, sâm Ngọc Linh, sâm dây trong năm 2022; lấy sâm Ngọc Linh, sâm dây và cà phê xứ lạnh và trâu, bò là các loại cây, con trọng điểm trong phát triển kinh tế; riêng trong chăn nuôi phải hướng tới chăn nuôi tập trung, có chuồng trại, phấn đấu, hàng năm mỗi hộ gia đình nuôi thêm 5% số lượng đàn trâu, bò hiện có/năm; phấn đấu mỗi xã xây dựng được 01 HTX kiểu mới; Khẩn trương rà soát, bổ sung quy hoạch trung tâm thị trấn Đăk Hà (là xã Đăk Hà hiện nay).

 

Ngoài ra, vận động bà con cải tạo vườn tạp; cán bộ, đảng viên phải "đi trước" làm trước, để người dân học tập làm theo; Phải làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, không để tình trạng phá rừng làm rẫy, nếu để xảy ra, lãnh đạo huyện, xã, ngành chức năng chịu trách nhiệm trước tỉnh. Cán bộ huyện, xã phải đi thực tế, thực hiện 3 cùng "cùng ăn, cùng ở, cùng hướng dẫn cho dân"; quan tâm đến công tác giáo dục đào tạo cho đồng bào DTTS để nâng cao dân trí phát triển sản xuất, kinh doanh; Vận động bà con tăng cường trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc, tăng diện tích rừng theo từng năm; giữ nguyên diện tích trồng mỳ, bởi tăng diện tích sẽ dẫn đến tình trạng phá rừng.

 

Đồng chí đề nghị các ngành liên quan của tỉnh, quan tâm bố trí nguồn vốn, sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường từ huyện Tu Mơ Rông nối với các địa bàn khác của huyện Đăk Glei, Kon Plông để giúp Tu Mơ Rông phát triển; đồng thời thống nhất vào dịp Kỷ niệm 110 năm thành lập tỉnh sẽ tổ chức Phiên chợ sâm Ngọc Linh lần thứ 2 tại huyện Tu Mơ Rông và phấn đấu mỗi năm tổ chức 2 lần tại huyện nhằm quảng bá sản phẩm và động viên bà con trồng sâm./.

 

Dương Nương