Thứ 7, Ngày 20/04/2024 -

Dự án VnSAT hỗ trợ nông dân phát triển cà phê
Ngày đăng: 26/05/2022  14:54
Mặc định Cỡ chữ
Triển khai trên địa bàn 3 huyện: Đăk Hà, Đăk Glei và Kon Plông, đến nay sau gần 6 năm, Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (viết tắt là VnSAT) do Ngân hàng thế giới tài trợ đã mang lại hiệu quả cho người trồng cà phê của tỉnh trong Hợp phần "Phát triển cà phê bền vững" trên diện tích 2.785 ha.
Nông dân huyện Đăk Hà thu hái cà phê niên vụ 2021 - 2022

 

Dự án được triển khai từ năm 2015 và kết thúc vào cuối tháng 6 năm 2022. Định hướng chiến lược của dự án là hỗ trợ triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Chính phủ thông qua tăng cường năng lực thể chế của ngành; đổi mới phương thức canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị cho hai ngành hàng lúa gạo và cà phê tại hai vùng sản xuất hàng hóa chủ lực của Việt Nam là đồng bằng sông Cửa long và Tây Nguyên, với tổng vốn đầu tư khoảng 301 triệu USD.

 

Dự án gồm 4 Hợp phần chính: Tăng cường thể chế để hỗ trợ chuyển đổi nông nghiệp; Hỗ trợ phát triển lúa gạo bền vững; Phát triển cà phê bền vững; Quản lý, giám sát và đánh giá dự án.

 

Đối với Hợp phần "Phát triển cà phê bền vững" tại khu vực Tây Nguyên, mục tiêu của Dự án đặt ra là có 69.000 ha cà phê của 63.000 hộ nông dân canh tác bền vững, áp dụng công nghệ tiên tiến, lợi nhuận của nông dân trên mỗi ha có thể tăng khoảng 15 triệu đồng/ha so với cà phê không áp dụng canh tác bền vững hoặc không tái canh (tăng thu nhập khoảng 20%); tổng giá trị tăng thêm cho toàn vùng khoảng 48-50 triệu USD/năm (242 – 250 triệu USD cho 5 năm). Lợi nhuận này sẽ kéo dài trong suốt chu kỳ kinh doanh của cà phê (20-25 năm); Giảm tác động tiêu cực tới môi trường thông qua việc giảm lượng nước tưới, giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác cà phê.

 

Tại tỉnh Kon Tum, Dự án đã đầu tư 167,869 tỷ đồng để triển khai thực hiện Hợp phần Phát triển cà phê bền vững; trong đó, vốn IDA trên 117 tỷ đồng; vốn đối ứng tỉnh trên 34,6 tỷ và vốn tư nhân 16,238 tỷ đồng.

 

Để triển khai thực hiện hiệu quả, Ban Quản lý Dự án tỉnh đã phối hợp các đơn vị chuyên môn như Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Viện Khoa học - Kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên,Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống Tây Nguyên, Chi cục phát triển Nông thôn triển khai các hoạt động hỗ trợ bà con nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc cà phê.

 

Sau gần 6 năm triển khai, đến nay tại 3 huyện: Đăk Hà, Đăk Glei và Kon Plông đã có 17 tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất cà phê bền vững tham gia dự án, trong đó có 13 tổ hợp tác (huyện Đăk Glei 01 Tổ hợp tác, huyện Kon Plông 01 Tổ hợp tác và huyện Đăk Hà 11 Tổ hợp tác) và có 4 hợp tác xã (huyện Đăk Hà có 3 hợp tác xã là hợp tác xã Công bằng Pô Kô, hợp tác xã Sáu Nhung, hợp tác xã Thế hệ mới Đăk Mar và 1 hợp tác xã ở Kon P lông là hợp tác xã Công bằng Măng Đen).

 

Dự án đã tổ chức 3 lớp tập huấn cho 78 lượt người và 17 tổ chức nông dân về vai trò người đứng đầu của các tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm tăng cường năng lực tổ chức quản lý. Hàng năm các tổ chức nông dân còn được liên kết bao tiêu hàng ngàn tấn cà phê với các doanh nghiệp, cơ sở chế biến cà phê trên địa bàn trong và ngoài tỉnh.

 

Ngoài ra, Dự án còn thực hiện 3 tiểu dự án hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho 3 tổ hợp tác sản xuất cà phê của huyện Đăk Hà: Tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững Quyết Thắng, xã Hà Mòn; tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững thôn 7, xã Ngọc Vang và tổ hợp tác liên kết sản xuất cà phê xã Đăk Long và nâng cấp 4,37 km đường sản xuất, 2.000m2  sân phơi, 450m2 nhà kho.

 

Đồng thời, triển khai lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước phun mưa tại gốc cho cà phê quy mô hộ gia đình cho 65 hộ nông dân huyện Đăk Hà với diện tích 89,4 ha (hợp tác xã Nông nghiệp Công bằng Pô Kô 3,2 ha/2 hộ; hợp tác xã Sáu Nhung 32,8 ha/23 hộ; tổ hợp tác Bình Minh 39,3 ha/30 hộ; tổ hợp tác liên kết Đăk Long 14,1 ha/10 hộ). Hệ thống tưới tiết kiệm nước cho cà phê đã tiết kiệm chi phí tưới như tiết kiệm nhiên liệu và giảm chi phí nhân công khoảng 20% so với cách tưới truyền thống trước đây.

 

Dự án đã hỗ trợ cho hợp tác xã Nông nghiệp Công bằng Pô Kô hệ thống sơ chế quả cà phê tươi, công suất 5-6 tấn/giờ; hệ thống tách hạt cà phê nhân khô qua sàng, công suất 5-7 tấn/giờ; Hỗ trợ Tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững Đăk Mar hệ thống sơ chế quả cà phê tươi, công suất 2-3 tấn/giờ.

 

Hiện Dự án đang thực hiện hai tiểu dự án đầu tư công: "Tiểu dự án nâng cấp hệ thống giao thông phục vụ sản xuất cà phê bền vững liên kết xã Đăk La - Ngọc Wang - Đăk Ui - Đăk Long, huyện Đăk Hà" và "Tiểu dự án nâng cấp hệ thống đường giao thông phục vụ sản xuất cà phê bền vững liên kết xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà" với quy mô nâng cấp 41,45 km đường đất lên đường bê tông xi măng tạo kết nối phục vụ sản xuất vùng cà phê dự án với tổng kinh phó gần 70,8 tỷ đồng (vốn IDA gần 65 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng ngân sách tỉnh). Ngoài ra, nâng cấp cơ sở thiết yếu vườn sản xuất hạt giống lai TRS1 tại huyện Đăk Tô gần 1,6 tỷ đồng (trong đó, vốn nước ngoài trên 1,459 tỷ đồng, vốn đối ứng 128,316 triệu đồng).

 

Hiện nay, tiến độ thực hiện 2 tiểu dự án đầu tư công trên cơ bản đạt tiến độ đề ra và sẽ hoàn thành trước ngày 30/6/2022. Sau ngày 30/6/2022, Dự án VnSAT Kon Tum kết thúc./.

 

 Dương Nương