Thứ sáu, Ngày 13/09/2024 -
Về quản lý biên chế và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC: Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện việc tinh giản biên chế có trọng tâm, trọng điểm, không cào bằng và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, cơ quan, đơn vị. Giai đoạn 2022-2026 cơ bản không tăng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước và thực hiện giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021.
Không thành lập mới các cơ quan, tổ chức hành chính không có trong quy định hoặc chưa cần thiết, trường hợp phải thành lập mới thì các cơ quan, đơn vị tự cân đối biên chế công chức để bố trí; các đơn vị sự nghiệp công lập chỉ thành lập mới khi thật sự cần thiết và phải tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư (trừ trường hợp phải thành lập mới để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu). Gắn tinh giản biên chế với đổi mới tổ chức bộ máy, cải cách chế độ tiền lương, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC, thu hút người có đức, có tài vào làm việc trong bộ máy nhà nước.
Hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của các tổ chức, cơ quan, đơn vị trên cơ sở căn cứ Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương.
Hoàn thành việc xây dựng vị trí việc làm; quản lý biên chế và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị theo vị trí việc làm.
Sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập và đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hóa trong cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.
Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý; quản lý biên chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hóa trong việc cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công, nâng cao năng lực quản trị của đơn vị sự nghiệp công lập; hoàn thiện cơ chế tài chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.
Đến năm 2025, giảm tối thiểu 10% số lượng các đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021; Tiếp tục chuyển đổi mạnh các đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ tài chính, phấn đấu đến năm 2025 có tối thiểu khoảng 05% đến 10% đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và tiếp tục giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2016 - 2021.
Tiếp tục thực hiện rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý theo Chương trình số 53-CTr/TU ngày 21/2/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XV.
Trước mắt trong năm 2022, hoàn thành việc sắp xếp các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp tỉnh theo hướng sau khi tổ chức lại còn 02 Ban quản lý chuyên ngành; trong giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2025-2030 tiếp tục sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh theo nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 3732/KH-UBND ngày 18/10/2021 của UBND tỉnh.
Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố rà soát trình độ đào tạo, năng lực của CC,VC thuộc quyền quản lý để có kế hoạch sắp xếp, bố trí sử dụng phù hợp với vị trí việc làm và yêu cầu nhiệm vụ. Tiếp tục triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 16/8/2018; Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy BCH Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với CBCCVC, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp./.
Vũ Huệ - Minh Tuấn
Tin tức liên quan