Thứ 3, Ngày 23/04/2024 -

Kon Plông: Phát triển du lịch từ tiềm năng, lợi thế
Ngày đăng: 29/06/2022  09:34
Mặc định Cỡ chữ
Huyện Kon Plông nằm trên độ cao trung bình 1.200 - 1.500m so với mực nước biển; khí hậu quanh năm mát mẻ (nhiệt độ trung bình trong năm từ 18 -24 độ); nguồn tài nguyên rừng với hệ sinh thái phong phú; có nhiều danh lam thắng cảnh; nhiều sông, suối, hồ, thác; có nhiều hệ động, thực vật quý hiếm sinh sống; cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử và các giá trị văn hóa truyền thống còn nguyên vẹn... Đây là những tiềm năng, lợi thế vô cùng lớn để huyện Kon Plông phát triển du lịch mang tầm cấp Quốc gia.
Trung tâm thị trấn Măng Đen nhìn từ trên cao

 

Với tiềm năng và thế mạnh riêng có về phát triển du lịch, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 298/QĐ-TTg, ngày 05/02/2013 phê duyệt Quy hoạch xây dựng Vùng du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen thành Vùng du lịch sinh thái Quốc gia và Quy hoạch chung đô thị Kon Plông đến năm 2030. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1237/QĐ-UBND, ngày 4/12/2015 phê duyệt Đề án “đầu tư xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen, huyện Kon Plông”.

 

Nhằm phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế về du lịch, trong những năm qua huyện đã tập trung triển khai đồng bộ những nhiệm vụ và giải pháp để xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen đến năm 2025 theo mục tiêu của Nghị quyết như: Quy hoạch chi tiết các phân khu chức năng đã được thực hiện đồng bộ; tích cực kêu gọi, xúc tiến thu hút đầu tư và phát triển các loại hình du lịch; tập trung nhiều nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng; hạ tầng kết nối các điểm du lịch từng bước đầu tư đồng bộ; khai trương, đưa vào sử dụng Làng Văn hóa du lịch Kon Pring, điểm du lịch hồ Đăk Ke, thác Pa Sỹ, khu câu cá giải trí hồ ĐamBri, Ê Ban farm, Thiện Mỹ farm...

 

Hệ thống nhà hàng, dịch vụ lưu trú đa dạng đáp ứng được nhu cầu lưu trú của du khách đến với Măng Đen với gần 47 cơ sở lưu trú đang hoạt động, khoảng 560 phòng và công suất tối đa đáp ứng được 1.600 lượt khách lưu trú; công suất sử dụng các phòng đạt trên 70 -75% trở lên. Số lượng khách du lịch đến Măng Đen năm sau cao hơn năm trước (tăng trung bình khoảng 26,4%/năm).

 

Bên cạnh đó, hoạt động quảng bá, xúc tiến, hợp tác phát triển du lịch đang được các cấp, các ngành quan tâm, đẩy mạnh; thu hút được nhiều dự án đầu tư kinh doanh du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, phát triển các sản phẩm nông nghiệp phù hợp với tiềm năng thế mạnh của huyện; đã phát triển được một số sản phẩm du lịch (sinh thái, tham quan dã ngoại, du lịch văn hóa, cộng đồng..) và một số sản phẩm đặc trưng của huyện, bổ trợ cho phát triển du lịch (cá tầm, rau, hoa, quả xứ lạnh, rượu vang sim, sâm dây, gạo đỏ, tiêu rừng…).

 

Kon Plông là địa phương đi đầu về phát triển nông nghiệp

ứng dụng công nghệ cao của tỉnh

 

Để đẩy mạnh phát triển vùng du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen, huyện Kon Plông xác định tiếp tục phát triển du lịch trên địa bàn theo đúng tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị "về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn"; Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh; Nghị quyết số 12-NQ/TU, ngày18-05-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

 

Ngoài ra, tiếp tục quán triệt tinh thần chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 298/QĐ-TTg, ngày 05/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen và Quy hoạch chung đô thị Kon Plông, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đến năm 2030.

 

Thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; vận dụng cơ chế chính sách; huy động hiệu quả nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các Sở ngành của tỉnh, của các Bộ ngành Trung ương điều chỉnh quy hoạch vùng du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen và Quy hoạch chung đô thị Kon Plông đảm bảo tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển trong dài hạn.

 

Rà soát, lập mới quy hoạch các khu, điểm du lịch, khu nghỉ dưỡng, gắn với tiềm năng, lợi thế của huyện, nhất là hệ sinh thái rừng, mặt nước, đặc trưng khí hậu, cảnh quan, địa hình và bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số; quy hoạch các khu vui chơi giải trí, mua sắm thương mại đa chức năng; kết nối các tour, tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh với Măng Đen.

 

Vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch. Đồng thời tập trung hỗ trợ, khuyến khích các làng dân tộc thiểu số bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống, đặc biệt là di sản văn hóa cồng chiêng; hỗ trợ khôi phục nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện để tạo ra sản phẩm phong phú, phục vụ nhu cầu tham quan, mua sắm của khách du lịch.

 

Về huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và dịch vụ du lịch: Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 01-NQ/HU Nghị quyết Ban Chấp hành đảng bộ huyện khóa XIX về định hướng kêu gọi và xác định các dự án đầu tư giai đoạn 2021-2025.

 

Khuyến khích thu hút các nhà đầu tư chiến lược, doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm đầu tư xây dựng các khu dịch vụ du lịch phức hợp, du lịch sinh thái, cơ sở vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng cao cấp phù hợp với nhu cầu và xu hướng du lịch mới. Khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch, dịch vụ kinh doanh du lịch phù hợp tiềm năng, lợi thế và thế mạnh của huyện.

 

Tăng cường xã hội hóa và hợp tác công - tư theo đúng quy định của pháp luật để huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội trong việc quy hoạch các khu du lịch tiềm năng, trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa trọng điểm...

 

Quan tâm đầu tư hạ tầng viễn thông, dịch vụ tài chính, hệ thống điện, nước, bảo vệ cảnh quan môi trường; tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối các khu, điểm du lịch trong và ngoài huyện, nhất là tập trung nguồn lực ưu tiên mở rộng, nâng cấp các tuyến giao thông huyết mạch kết nối trên đại bàn huyện.

 

Nâng cao chất lượng và phát triển sản phẩm du lịch, ưu tiên các sản phẩm du lịch đặc trưng, có bản sắc riêng. Kết hợp tiềm năng, lợi thế với xu thế, thị hiếu của thị trường du lịch để xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mới, đặc trưng riêng, trong tâm là sản phẩm du lịch tham quan, nghiêm cứu văn hóa, lịch sử, tâm linh; du lịch thể thao mạo hiểm; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, gắn với tìm hiểu, trải nghiệm các giá trị văn hóa, đời sống của cộng đồng dân cư; xây dựng các điểm hoạt động "kinh tế ban đêm", khu công viên văn hóa Măng Đen. Từng bước định vị thương hiệu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen thông qua các sản phẩm du lịch dựa trên lợi thế so sánh về tài nguyên du lịch sinh thái và văn hóa đặc trưng của huyện.

 

Phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban ngành của tỉnh, các địa phương trong khu vực để tổ chức các sự kiện du lịch, lễ hội, văn hóa. Tiếp tục đăng cai các hoạt động văn hóa, thể thao lớn tại địa bàn huyện. Phát huy vai trò của cộng đồng Nhân dân trong việc tham gia các loại hình du lịch, nhất là phát triển các nghề truyền thống, quà lưu niệm, đặc sản ẩm thực và truyền tải các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc đến du khách.

 

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ; đổi mới và nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch; tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch theo hướng xây dựng hệ thống du lịch thông minh, nhất là các ứng dụng trong phát triển sản phẩm du lịch và công tác bảo tồn, quản lý di sản, di tích văn hóa trên địa bàn; xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên du lịch, thông tin về di sản văn hóaphi vật thể để quảng bá, xúc tiến, thu hút đầu tư du lịch.

 

Phát huy sức mạnh công nghệ thông tin, truyền thông và mạng xã hội trong tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, thế mạnh và sản phẩm du lịch bảo đảm chuyên nghiệp, tạo hiệu ứng, lan tỏa sâu rộng hơn nữa hình ảnh du lịch của tỉnh với cả nước và quốc tế.

 

Cuối cùng là chủ động phối hợp liên kết các ngành, địa phương trong và ngoài tỉnh có tiềm năng du lịch. Tổ chức thực hiện tốt các chương trình liên kết, hợp tác, kết nối tour du lịch; trong đó chú trọng kết nối tour du lịch và thị trường khách du lịch theo hướng coi trọng khai thác khách du lịch nội địa, từng bước đẩy mạnh khai thác thị trường khác Quốc tế trong Khu vực ASEAN...

 

Dương Nương