Thứ 5, Ngày 25/04/2024 -

Kết quả thực hiện Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022
Ngày đăng: 02/07/2022  16:10
Mặc định Cỡ chữ
Với quan điểm, lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm, động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; thúc đẩy, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tham gia hoạt động kinh doanh; giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, người dân, trong 6 tháng đầu năm 2022, các bộ, ngành, địa phương đã tiếp tục nổ lực triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thể hiện trên các mặt:

Về cải cách quy định kinh doanh:

 

Văn phòng Chính phủ đã chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, cơ quan xây dựng và từng bước đưa vào vận hành Cổng tham vấn và tra cứu quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh (gọi tắt là Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh). Đây là công cụ phục vụ hoạt động cải cách với những chức năng cơ bản như: (i) quản lý quy định kinh doanh hiện hành và dự kiến ban hành; (ii) cập nhật, công khai, rà soát, tính chi phí tuân thủ quy định kinh doanh; (iii) tạo kênh tương tác trực tuyến giữa các bộ, ngành với cộng đồng doanh nghiệp trong tham vấn chính sách, quy định; (iv) quản lý việc thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh; (v) theo dõi, đánh giá nỗ lực cải cách của các bộ, ngành theo thời gian thực, dựa trên dữ liệu; (vi) tra cứu quy định kinh doanh. Đồng thời, hiện nay, Văn phòng Chính phủ đã hoàn thành việc lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội doanh nghiệp về dự thảo Quyết định quy định về Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh tạo hành lang pháp lý cho việc vận hành công cụ cải cách này và bảo đảm duy trì tính bền vững của công tác cải cách thể chế, tập trung vào các quy định kinh doanh; dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7 năm 2022.

 

Các bộ, cơ quan đã thực hiện cập nhật, công khai quy định kinh doanh vào Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh. Tính đến ngày 15 tháng 06 năm 2022, tổng số quy định hiện hành đã được cập nhật là 12.451 quy định, trong đó, đã duyệt công khai 9.440 quy định; đồng thời, các bộ, ngành cũng đã cập nhật được 352 quy định dự kiến ban hành trong 09 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) và 591 phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh để tham vấn các hiệp hội, doanh nghiệp (trước khi trình Thủ tướng Chính phủ) hoặc theo dõi quá trình thực thi, sửa đổi VBQPPL (sau khi phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).

 

Nhiều bộ đã quan tâm đến việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh ngay trong quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản có quy định kinh doanh. Tổng số quy định kinh doanh đã được cắt giảm, đơn giản hóa trong 6 tháng đầu năm 2022 là 641 quy định, gồm: 174 thủ tục hành chính; 26 yêu cầu, điều kiện; 15 chế độ báo cáo; 426 sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành tại 56 VBQPPL (gồm: 4 Luật, 17 Nghị định, 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 29 Thông tư, Thông tư liên tịch và 04 văn bản khác). Bên cạnh đó, tổng số VBQPPL được ban hành cũng đã giảm 54 văn bản so với kế hoạch ban hành VBQPPL của các Bộ trong năm 2022, gồm: 12 Nghị định; 03 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 39 Thông tư, Thông tư liên tịch.

 

Các bộ, cơ quan sử dụng công cụ rà soát, tính chi phí tuân thủ để thực hiện rà soát, xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh. Trong 6 tháng đầu năm, Văn phòng Chính phủ cho ý kiến đối với phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh thuộc chức năng quản lý của 05 Bộ; thẩm tra, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của 02 Bộ. Trong đó, phương án của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 721/QĐ-TTg ngày 16/6/2022 kiến nghị bãi bỏ 02 thủ tục hành chính và đơn giản hóa 80 thủ tục hành chính; dự kiến đưa vào sửa đổi, bổ sung 17 VBQPPL gồm: 02 Luật, 09 Nghị định, 06 Thông tư; Phương án của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự kiến bãi bỏ, sửa đổi 101 quy định kinh doanh tại 03 VBQPPL.

 

Tính đến nay, đã có 08 bộ, cơ quan được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa. Tổng số phương án được phê duyệt là 1.006 quy định, gồm: 681 thủ tục hành chính; 34 chế độ báo cáo; 103 yêu cầu, điều kiện; 137 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và 51 sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành. Theo đó, các bộ nêu trên phải ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung 187 VBQPPL (gồm 12 Luật, 6 Pháp lệnh, 71 Nghị định, 3 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 95 Thông tư, Thông tư liên tịch) để thực thi các phương án đã được phê duyệt.

 

Để thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm 2022, một số Bộ đã xây dựng dự thảo VBQPPL; ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành VBQPPL để thực thi phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó, các Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Y tế; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thông tin và Truyền thông; Xây dựng và Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã ban hành 15 VBQPPL để thực thi cắt giảm, đơn giản hóa 527quy định kinh doanh.

 

Việc tham vấn các hiệp hội, doanh nghiệp, đối tượng chịu tác động về phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh và quy định kinh doanh dự kiến ban hành trong dự án, dự thảo VBQPPL đã được thực hiện dưới nhiều hình thức, trong đó, một số Bộ đã thực hiện tham vấn trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh.

 

Về cải cách việc thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp:

 

Để hoàn thiện thể chế về việc thực hiện thủ tục hành chính, giúp công tác này được triển khai thông suốt tại các bộ, ngành, địa phương, Văn phòng Chính phủ đang dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP và Nghị định số 45/2020 ngày 08/4/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Đồng thời, dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1291/QĐ-TTg ngày 07/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh mục thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan trung ương được tổ chức theo ngành dọc đóng tại địa phương ra tiếp nhận tại Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp huyện, cấp xã nhằm đẩy mạnh triển khai việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức trong thực hiện thủ tục hành chính, dự kiến trình Thủ tướng ban hành trong Quý III năm 2022.

 

Đến nay, cả nước có 60 Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh; nhiều bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn hệ thống một cửa, một cửa liên thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; chất lượng giải quyết hồ sơ đã có sự cải thiện rõ rệt. Các bộ, ngành, địa phương đang đẩy mạnh triển khai Đề án đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng tăng cường giải quyết thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Nhiều các bộ, ngành, địa phương đều đã triển khai việc kiểm tra hạ tầng công nghệ thông tin để thực hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, phần mềm phục vụ giải quyết thủ tục hành chính với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin một cửa điện tử để phục vụ việc giải quyết thủ tục hành chính; đã thực hiện việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tái cấu trúc quy trình để thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4 giúp cải thiện chất lượng dịch vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính. Các bộ, ngành, địa phương đã tích hợp, cung cấp 3.675 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, chiếm 55% tổng số thủ tục hành chính (trong đó, có 1.947 dịch vụ công trực tuyến dành cho doanh nghiệp).

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 vẫn còn một những hạn chế đó là:

 

Việc đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh cũng như thực thi phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt còn chậm, thậm chí một số bộ, ngành vẫn chưa có phương án cắt giảm, đơn giản hóa trình Thủ tướng Chính phủ;

 

Còn nhiều phản ánh, kiến nghị, vướng mắc, đề xuất của các hiệp hội, doanh nghiệp về quy định kinh doanh chưa được các bộ, cơ quan chủ động theo dõi, tổng hợp, nghiên cứu, trao đổi, thảo luận giữa các bên liên quan, chưa quan tâm giải quyết dứt điểm hoặc giải trình trước ý kiến góp ý của hiệp hội, doanh nghiệp và người dân;

 

Một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm triển khai việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, chưa coi đây là một giải pháp để thực hiện mục tiêu kép nhất là đối với việc thực hiện các dịch vụ công thiết yếu theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/04/2022;

 

Việc triển khai số hóa tại các bộ, ngành, địa phương còn chậm, có nơi còn lúng túng và chưa triển khai tập huấn trong nội bộ của bộ, ngành, địa phương…

Trịnh Minh

(Nguồn: Văn phòng Chính phủ)