Thứ 7, Ngày 20/04/2024 -

Những nhiệm vụ, giải pháp phát triển nông nghiệp hiệu quả cao và cây dược liệu trên địa bàn tỉnh
Ngày đăng: 03/07/2022  18:37
Mặc định Cỡ chữ
Là một tỉnh có diện tích đất nông nghiệp chiếm hơn 93% diện tích đất tự nhiên (trên 902.000 ha), trong đó: Diện tích đất sản xuất nông nghiệp gần 300.000 ha, đất lâm nghiệp có rừng trên 602.000 ha, đất nuôi trồng thuỷ sản khoảng 1.200 ha... Cùng với điều kiện tự nhiên thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng, thảm thực vật nhiệt đới phong phú, tỉnh Kon Tum có tiềm năng rất lớn về phát triển nông nghiệp và dược liệu.

 

Ảnh minh họa

 

Kết quả đạt được

 

Xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hướng đi chủ đạo, phù hợp với tiềm năng của tỉnh và xu thế phát triển, với mục tiêu phát triển nông nghiệp toàn diện, hiện đại trên cơ sở quy hoạch sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lại các ngành sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng phát huy các lợi thế so sánh của hai vùng Đông và Tây Trường Sơn tỉnh Kon Tum, Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 30/6/2016 về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến trên địa bàn tỉnh.

 

UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt công tác quy hoạch sử dụng đất; rà soát toàn bộ diện tích đất đã quy hoạch phát triển nông nghiệp và dự kiến các vùng có điều kiện thuận lợi cho nông nghiệp để đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016 - 2020, nhằm phục vụ phát triển nông nghiệp, ứng dụng khoa học - công nghệ và cơ giới vào sản xuất; tổ chức thực hiện kế hoạch tích tụ, dồn đổi đất đai để xây dựng “cánh đồng lớn” phục vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

 

Để thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trên cả nước, tỉnh Kon Tum đã ban hành nhiều chính sách như: Khuyến khích và ưu tiên bố trí quỹ đất cho các doanh nghiệp có dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; miễn tiền thuê hạ tầng trong ba năm và giảm 50% tiền thuê cho hai năm tiếp theo đối với Nhà đầu tư có hoạt động đầu tư, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại một số khu vực; doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được ngân sách địa phương hỗ trợ lãi suất vay thương mại sau khi dự án hoàn thành; hỗ trợ khởi nghiệp các nhà đầu tư có sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hệ thống nhà kính, nhà lưới, hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt...

 

Từ việc tập trung thực hiện chủ trương về phát triển nông nghiệp, đến nay, tỉnh Kon Tum đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

 

Về phát triển nông nghiệp, tổng diện tích gieo trồng các loại cây trồng chính đến năm 2021 đạt trên 189.000 ha, trong đó có khoảng gần 8.000 ha sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Chăn nuôi có sự chuyển dịch lớn từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi công nghiệp và bán công nghiệp theo hình thức trang trại. Diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt 788 ha, trong đó, diện tích nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghệ cao đạt khoảng 40 ha. Công tác trồng rừng, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững được chú trọng, tỷ lệ độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 63,1%.

 

Trên địa bàn tỉnh hiện có 29 cơ sở chế biến các sản phẩm nông nghiệp có quy mô vừa; xây dựng được 23 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông sản... Bên cạnh đó, đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn, uy tín đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó, nhiều dự án có tổng mức đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

 

Về phát triển dược liệu, toàn tỉnh đã trồng khoảng 3.820 ha dược liệu; trong đó, Sâm Ngọc Linh đã đạt diện tích là 1.241 ha, Hồng Đẳng Sâm là 629 ha; Đương quy là 57,5 ha... Bước đầu đã hình thành được một số vùng trồng dược liệu tập trung như: Vùng trồng Sâm Ngọc Linh tại các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei; vùng trồng Hồng Đẳng Sâm tại các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Kon Plông; vùng trồng Sa Nhân tím tại huyện Sa Thầy, huyện Ngọc Hồi và thành phố Kon Tum... đã hình thành được chuỗi liên kết từ trồng, thu hoạch, chế biến và phân phối sản phẩm dược liệu.

 

Nhiều sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu đã khẳng định được thương hiệu tại thị trường trong nước như: Sâm củ, sâm tươi, rượu sâm, trà sâm, thực phẩm chức năng từ Sâm Ngọc Linh, Hồng Đẳng Sâm...

 

Nhiệm vụ, giải pháp

 

Để tiếp tục phát triển nông nghiệp và dược liệu tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương, đưa tỉnh Kon Tum ngày càng có vị thế xứng đáng hơn trên bản đồ nông nghiệp Tây Nguyên và cả nước, Tỉnh ủy Kon Tum khóa XVI đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 25/11/2021 “về phát triển nông nghiệp hàng hoá đi vào chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030” và Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 19/5/2022 “về đầu tư phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến 2030”, với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp của tỉnh theo hướng hiện đại, có khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng cao; nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của Nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đưa tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025; khẳng định vị thế thương hiệu sản phẩm Sâm Ngọc Linh Kon Tum tại thị trường trong nước và quốc tế.

 

Nhằm thực hiện thắng lợi những mục tiêu đã đề ra, tỉnh đã và đang tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp như: Khẩn trương rà soát, đẩy mạnh dồn đổi, tích tụ đất đai để phát triển một số vùng, khu sản xuất nông nghiệp tập trung, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ; đầu tư hạ tầng tại các khu, vùng trọng điểm về phát triển nông nghiệp.

 

Xây dựng các chính sách đặc thù; tạo lập môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi để thu hút các nguồn lực, dự án đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

 

Tạo điều kiện cho các tổ chức, hộ dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư mở rộng quy mô, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất. Nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình kinh tế tập thể, đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, kết nối với chuỗi cung ứng trong khu vực và cả nước.

 

Hỗ trợ đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, mã số vùng trồng; xây dựng chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông nghiệp địa phương, đẩy mạnh tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp.

 

Nâng cao trình độ nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp; nhất là các khâu tạo giống, canh tác, chăm sóc, phòng trừ, kiểm soát dịch bệnh, bảo quản sau thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo các yêu cầu tiêu chuẩn, quy chuẩn của quốc gia, quốc tế.

 

Cùng với đó, tích cực tuyên truyền để thay đổi tư duy từ việc trồng dược liệu tự phát sang phát triển vùng dược liệu tập trung có quy mô lớn để sản xuất hàng hóa, tạo ra giá trị gia tăng cao.

 

Ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển các vùng trồng dược liệu đặc hữu, có giá trị cao và sức tiêu thụ mạnh trên thị trường (như Sâm Ngọc Linh; Đảng Sâm; Lan Kim Tuyến; Đinh Lăng; Nghệ vàng; Sa Nhân tím; Giảo cổ lam...). Thúc đẩy hình thành khu công nghiệp, cụm công nghiệp chế biến dược liệu tại các vùng trồng dược liệu trọng điểm và những nơi có lợi thế kết nối liên vùng.

 

Tăng cường quản lý, bảo vệ thương hiệu Sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác; nhất là nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại trong kinh doanh dược liệu. Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về nguồn giống và bảo tồn nguồn gen dược liệu, nhất là Sâm Ngọc Linh.

 

Tạo điều kiện để người dân và các mô hình hợp tác xã áp dụng khoa học kỹ thuật, hệ thống quản lý chất lượng trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản các loại dược liệu. Nâng cao chất lượng, số lượng các sản phẩm dược liệu đáp ứng các tiêu chuẩn của OCOP thứ hạng cao và tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm quốc gia.

 

Phối hợp các nhà khoa học, viện nghiên cứu để triển khai thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ về dược liệu; nghiên cứu chọn giống dược liệu mới có năng suất và chất lượng cao, đặc tính tốt, phù hợp với từng vùng sinh thái của tỉnh; ứng dụng công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong phát triển dược liệu./.

 

Thái Ninh