Thứ 5, Ngày 12/12/2024 -

Hội nghị toàn quốc về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp
Ngày đăng: 15/09/2022  14:28
Mặc định Cỡ chữ
Sáng ngày 15/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Chính phủ có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan trung ương và các cơ quan liên quan.

 

Tại điểm cầu tỉnh Kon Tum, đồng chí Lê Ngọc Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị; đại diện lãnh đạo các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh, Viễn thông Kon Tum và Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

 

Tại điểm cầu các huyện, thành phố có đại diện Lãnh đạo UBND các huyện, thành phố; các phòng, ban và đơn vị có liên quan.

 

Quang cảnh đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Kon Tum

 

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe Văn phòng Chính phủ Báo cáo tình hình công tác cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp từ năm 2021 đến nay và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giai đoạn 2022-2025; xem video giới thiệu một số công cụ thúc đẩy cải cách, giám sát việc thực thi và phục vụ chỉ đạo, điều hành.

 

Theo báo cáo, từ năm 2021 đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.758 quy định kinh doanh tại 143 văn bản quy phạm pháp luật. Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh được đưa vào vận hành. Đây là công cụ kỹ thuật số hỗ trợ cải cách, nơi tập trung thông tin, dữ liệu các quy định kinh doanh, phương án cắt giảm, đơn giản hóa đáp ứng nhu cầu tra cứu, tìm kiếm, theo dõi, đánh giá và là kênh tương tương tác trực tuyến giữa các bộ, ngành với các hiệp hội, doanh nghiệp, người dân trong tham vấn chính sách, quy định.

 

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án phân cấp thẩm quyền giải quyết đối với 699 TTHC, để thực hiện việc phân cấp, các bộ, ngành sẽ phải trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung 232 văn bản pháp luật.

 

Hiện nay, cả nước có tổng số 11.700 Bộ phận Một cửa các cấp  để tiếp nhận, giải quyết TTHC, trong đó có 56 Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh. Số TTHC đưa ra thực hiện tại Bộ phận Một cửa các cấp đạt trung bình 96,9 %.

 

Cổng Dịch vụ công quốc gia được khai trương và đưa vào vận hành, đến nay đã cung cấp 3.805 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; đã có hơn 2,8 triệu tài khoản đăng ký; hơn 4,78 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng Dịch vụ công quốc gia.

 

Các nền tảng, hệ thống thông tin quan trọng Chính phủ điện tử phục vụ chỉ đạo, điềuhành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục được vận hành, phát triển góp phần đổi mới mạnh mẽ phương thức làm việc, chuyển đổi số và phục vụ chỉ đạo, điều hành.

 

Đối với tỉnh Kon Tum được ghi nhận, biểu dương đối với 02 nội dung tại Báo cáo của Hội nghị gồm: Việc tích cực triển khai, vận hành hiệu quả Cổng Dịch vụ công quốc gia và việc xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử. Đến nay,  tỉnh Kon Tum đã cung cấp trên Cổng dịch vụ công của tỉnh 1.339 dịch vụ công mức độ 3, 4; cung cấp, tích hợp trên Cổng Dịch công quốc gia 1.166 dịch vụ công, là một trong những tỉnh có tỷ lệ cung cấp, tích hợp dịch vụ công đạt tỷ lệ cao.

 

Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương và các hiệp hội doanh nghiệp đã thảo luận, tham luận chuyên đề về đẩy mạnh cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp.

 

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận kết quả đã đạt được trong công tác cải cách TTHC thời gian qua, góp phần tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh TTHC trên nhiều lĩnh vực còn nhiều rào cản, quy định chồng chéo, phân cấp, phân quyền chưa đầy đủ, rõ ràng, gây bức xúc trong xã hội.

 

Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh: Phát huy tinh thần chủ động, tính sáng tạo; huy động mọi nguồn lực, sự tham gia xây dựng và phát triển của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, người dân; với với phương châm "Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực" và "lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp để đánh giá hiệu quả thực hiện".

 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị

(Nguồn: https://baochinhphu.vn)

 

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để giảm tầng nấc, khâu trung gian, đơn giản hóa quy trình, TTHC nội bộ, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC của cơ quan hành chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn.

 

Tập trung thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 và Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

 

Rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; cập nhật đầy đủ, chính xác và công khai kịp thời quy định kinh doanh, chi phí tuân thủ, phương án cải cách trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh. Thực hiện việc tham vấn người dân, doanh nghiệp về quy định, vướng mắc, khó khăn và phương án cải cách trên hệ thống này.

 

Các bộ, ngành, địa phương phấn đấu nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền các cấp trong thực hiện TTHC, trong đó đến năm 2023 đạt trên 80%, năm 2025 đạt trên 90% mức độ hài lòng. Đến cuối năm 2023, tỉ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến phải đạt 50%.

 

Cùng với đó, đẩy mạnh kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành với Cổng Dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng,.../.

 

Vũ Huệ