Thứ sáu, Ngày 29/03/2024 -

9 tháng đầu năm, số ca mắc sốt xuất huyết Dengue tăng so với cùng kỳ năm 2021
Ngày đăng: 01/10/2022  12:53
Mặc định Cỡ chữ
Theo báo cáo của Sở Y tế, trong 9 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã ghi nhận 661 ca mắc sốt xuất huyết Dengue (SXHD), không có ca tử vong; tăng 104 ca so với cùng kỳ năm 2021.

 

Biểu đồ tình hình mắc SXHD tại khu vực Tây Nguyên 9 tháng đầu năm 2022

 

So với số ca mắc SXHD tại các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên, tỉnh Kon Tum có số ca mắc chiếm 4,5%; tỷ lệ mắc bệnh/100.000 dân của tỉnh là 114,2, đang ở mức cho phép (chỉ tiêu là <120/100.000 dân) và thấp hơn các tỉnh trong khu vực từ 2,1 - 3,6 lần.

 

Toàn tỉnh có 59/102 xã, phường, thị trấn thuộc 10 huyện, thành phố phát sinh ca mắc SXHD. Ngành Y tế đã giám sát, phát hiện và xử lý 178 ổ dịch SXHD; qua giám sát đánh giá chỉ số lăng quăng, bọ gậy (LQBG), mật độ muỗi tại 27/51 điểm có chỉ số LQBG, mật độ muỗi vượt mức cho phép (nhiều điểm ở mức nguy cơ cao, nguy cơ bùng phát dịch), số ca mắc trung bình/01 ổ dịch là 3,71 ca, cho thấy công tác diệt LQBG khống chế ổ dịch chưa hiệu quả.

 

Biểu đồ tình hình mắc, tỷ lệ mắc/100.000 dân theo địa bàn 9 tháng năm 2022

 

Trong 10/10 địa phương của tỉnh có ca bệnh, gần 1/3 (chiếm 31,5%) số mắc SXHD tập trung tại huyện Ngọc Hồi (208 ca) với tỷ lệ mắc/100.000 dân là 342,6; 4 địa phương có tỷ lệ mắc/100.000 dân không đạt chỉ tiêu (tỷ lệ mắc <120/100.00 dân) gồm các huyện Ngọc Hồi (342,6), Đăk Hà (174,4), Ia H’Drai (154,4) và Kon Rẫy (124,6).

 

Theo phân tích của Sở Y tế, từ năm 1998 đến 2019, tỉnh Kon Tum có chu kỳ 03 năm bùng phát dịch SXHD 01 lần, theo chu kỳ thì năm 2022 sẽ là năm bùng phát dịch. Tuy nhiên, năm 2019 là năm thuộc chu kỳ bùng phát dịch nhưng số mắc lại thấp hơn năm 2020 (năm 2019 là 1.725 ca, năm 2020 là 2.250 ca). Sự thay đổi này, có thể dẫn đến sự thay đổi chu kỳ SXHD của tỉnh trong năm 2022 và 2023.

 

Biểu đồ tình hình mắc bệnh SXHD theo tháng qua các năm bùng phát dịch trên địa bàn tỉnh

 

Cũng theo báo cáo, số mắc SXHD trong 9 tháng đầu năm 2022 cũng như trong các năm bùng phát dịch trước đây (2016, 2019) đều có điểm chung là số mắc bắt đầu tăng từ tháng 4, 5 và đạt đỉnh vào tháng 8.

 

Để công tác phòng, chống dịch bệnh SXHD trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả hơn nữa, các địa phương cần tiếp tục triển khai quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp theo chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của ngành Y tế; xác định công tác phòng, chống dịch bệnh là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm ổn định và phục hồi, phát triển KTXH; khẩn trương, tích cực, chủ động chỉ đạo và tổ chức triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXHD với phương châm “Không có lăng quăng/bọ gậy, không có sốt xuất huyết”, diệt lăng quăng/bọ gậy là biện pháp ưu tiên hàng đầu, ít tốn kém và hiệu quả nhất để chủ động ngăn chặn, phòng chống SXHD bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng động, quyết tâm không để xảy ra dịch chồng dịch...

 

Thái Ninh