Thứ sáu, Ngày 31/03/2023 -

Kết quả tổng rà soát, kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ
Ngày đăng: 15/03/2023  14:59
Mặc định Cỡ chữ
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị công tác phòng cháy, chữa cháy và sơ kết 05 năm thực hiện Nghị định số 83/NĐ-CP về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy; Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch số 513/KH-BCA-C07 ngày 07/10/2022 chỉ đạo Công an các địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tổng rà soát, kiểm tra đối với 100% các cơ sở thuộc diện quan lý về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH).

 

Theo thống kê, toàn quốc hiện có 1.182.722 cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC và CNCH, trong đó: Có 220.924 cơ sở thuộc danh mục do cơ quan Công an quản lý, chiếm 18,68% tổng số cơ sở, (87.002 cơ sở có nguy hiểm về cháy, nỗ); Có 961.798 cơ sở thuộc danh mục do Chủ tịch UBND cấp xã quản lý, chiếm 81,32% tổng số cơ sở.

 

Về phân cấp quản lý: Cơ quan Công an quản lý 221.443 cơ sở (Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH quản lý 62.858 cơ sở; Công an cấp huyện quản lý 158.585 cơ sở); UBND cấp xã quản lý: 961.279 cơ sở.

 

Về phân loại cơ sở theo lĩnh vực, có 486.118 cơ sở thuộc lĩnh vực nhà ở, văn phòng, đa năng; 52.629 cơ sở thuộc lĩnh vực giáo dục; 28.908 cơ sở thuộc lĩnh vực y tế; 145.918 cơ sở thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch; 179.016 cơ sở thuộc lĩnh vực thường mại, dịch vụ; 5.589 cơ sở thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông; 7.754 cơ sở thuộc lĩnh vực tải chính, ngân hàng; 24.192 cơ sở thuộc lĩnh vực giao thông vận tải; 45.413 cơ sở thuộc lĩnh vực xăng dầu, dầu khí; 5.947 cơ sở thuộc lĩnh vực năng lượng; 5.774 cơ sở thuộc lĩnh vực hóa chất; 57.931 cơ sở thuộc lĩnh vực công nghiệp nhẹ; 2.823 cơ sở thuộc lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản; sản xuất vật liệu xây dựng; 8.827 cơ sở thuộc lĩnh vực luyện kim và cơ khí chế tạo và 1.993 cơ sở thuộc các lĩnh vực khác.

 

Kết quả kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH

 

Qua kết quả kiểm tra, đã phát hiện 306.708 thiếu sót, vi phạm về PCCC và CNCH, xử phạt đối với 40.238 trường hợp vi phạm (tổng 100.496 hành vi vi phạm quy định tại Nghị định số 144/2021/NĐ-CP), với tổng số tiền phạt 323.575.920.000 đồng (Ba trăm hai mươi ba tỷ, năm trăm bẩy lăm triệu, chín trăm hai mươi nghìn đồng). Tồn tại vi phạm chủ yếu tập trung tại các đối tượng là: Cơ sở, hạ tầng kỹ thuật của các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công poli nghệ cao, cụm công nghiệp đã đưa vào khai thác, sử dụng trong thời gian dài, khu dân cư, làng nghề hiện hữu; cơ sở xây dựng không phép, trái phép trên đất dự án, đất nông nghiệp, hành lang bảo vệ rừng, đê, lưới điện, đất xen kẹt; cơ sở sản xuất, kinh doanh được chuyển đổi công năng sử dụng từ nhà ở hộ gia đình; cơ sở đã được nghiệm thu về PCCC nhưng sau đó cho thuê mặt bằng, dẫn đến cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng mà không thực hiện thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC; cơ sở đưa vào hoạt động nhưng chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC; cơ sở không thuộc điện thẩm duyệt thiết kế về PCCC. 

 

Trong tổng số cơ sở vi phạm về PCCC và CNCH có: 5.029 cơ sở đang bị tạm đình chỉ hoạt động (trong đó, 347 trường hợp theo điểm a, 940 trường hợp theo điểm b và 3.742 trường hợp theo điểm c khoản 1, Điều 17 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP); 2.715 cơ sở dang bị đình chỉ hoạt động; 47.719 cơ sở ngừng hoạt động để khắc phục tồn tại, vi phạm; 3.058 cơ sở hoạt động kinh doanh có điều kiện đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện ANTT (cơ sở bị đình chỉ hoạt động: 6.26 trường hợp, chiếm 20,47%; không đảm bảo an toàn về PCCC nhưng không thuộc trường hợp tạm đình chỉ, đinh hoạt động: 292 trường hợp, chiếm 9,55%; không đảm bảo ANTT: 110 trường hợp, chiếm 3,6%; cơ sở tự nộp: 2.030 trường họp, chiếm 66,38%).

 

Đối với cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường

 

Theo thống kê, toàn quốc hiện có 15.163 cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường, trong đó: "Có 6.281 cơ sở do cơ quan Công an quản lý (trong đó có 505 cơ sở nguy hiểm cháy, nổ thuộc; có 8.882 cơ sở thuộc do UBND cấp xã quản lý.

 

Đã kiểm tra 100% lượt cơ sở, phát hiện 6.223 lỗi vi phạm về PCCC và CNCH, xử phạt 3.963 trường hợp vi phạm với số tiền 28.826.430.000 đồng (Hai mươi tám tỷ, tâm trăm hai mươi sáu triệu, bốn trăm ba mươi nghìn đồng). Qua kiểm tra, 10.482 cơ sở karaoke đã bị đình chỉ hoạt động và ngừng hoạt động (chiếm 60,5% tổng số cơ sở). Trong đó, tạm đình chỉ hoạt động 1.361 cơ sở; đình chỉ hoạt động 1.311 cơ sở; 9.171 cơ sở ngừng hoạt động để khắc phục tồn tại, vi phạm (trong đó, cơ sở tự ngùng hoạt động: 5.045 trường hợp; ngừng hoạt động theo kiến nghị của các cơ quan quản lý nhà nước về PCCC 4.126 trường hợp). Một số tồn tại, vi phạm chủ yếu là: lắp đặt biển quảng cáo không đúng quy định che kín toàn bộ mặt phía trước của nhà không bão đảm cho xe chữa cháy, xe thang tiếp cận triển khai hoạt động; lắp đặt, sử dụng vật liệu trang trí nội thất, vật liệu cách âm trên đường, lối thoát nạn, trong phòng hát là loại dễ cháy; thiếu lối thoát nạn hoặc đường, lối thoát nạn không bảo đảm quy định (cầu thang hở, hàng lang, cầu thang không đủ chiều rộng...); không trang bị hoặc trang bị không đủ hệ thống, phương tiện PCCC; lắp đặt, sử dụng hệ thống, thiết bị điện không bảo đảm an toàn PCCC..

 

Đã thu hồi 2.775 Giấy chứng nhận đủ điều kiện ANTT, chiếm 26,47% số cơ sở ngừng hoạt động và bị đình chỉ hoạt động. Trong đó: Thu hồi đối với 888 cơ sở bị đình chỉ hoạt động, ngừng hoạt động do không đảm bảo an toàn PCCC, cơ sở không đảm bảo ANTT, chiếm 22% và 1.887 cơ sở tự nộp, chiếm 68%. Công an 23/63 địa phương đã đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Uỷ ban nhân dân cấp huyện thu hồi Giấy phép kinh doanh đối với cơ sở bị đình chỉ hoạt động, ngừng hoạt động, không bảo đảm điều kiện an toàn PCCC.

 

Hiện còn 5,992 cơ sở đang hoạt động, trong đó: 4.792 cơ sở bảo đảm điều kiện an toàn về PCCC (tập trung tại các cơ sở có quy mô 01 tầng có từ 01 đến 5 phòng hát); 1.200 cơ sở còn một số tồn tại, vi phạm không thuộc trường hợp phải tạm đình chỉ, ngừng hoạt động.

 

Quá trình thực hiện tổng kiểm tra an toàn PCCC và CNCH, lực lượng Công an đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các bộ, ngành, cấp ủy, UBND các cấp, sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân và chấp hành nghiêm túc của hầu hết chủ cơ sở; đặc biệt UBND cấp xã đã thực hiện đúng trách nhiệm quản lý nhà nước về PCCC và CNCH, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an hoàn thành đợt tổng rà soát, kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH đúng tiến độ.

 

Cục Cảnh sát PCCC và CNCH và Công an các địa phương đã phát huy tốt vai trò nòng cốt, ban hành kế hoạch và tập trung, quyết liệt trong thực hiện và hoàn thành kiểm tra 100% cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC; kiên quyết xử lý vi phạm về PCCC và CNCH, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện ANTT (điển hình: Công an Hà Nội, Bắc Ninh, Bình Dương, Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An...); nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo, hiệu quả, công tác kiểm tra, rà soát đạt chất lượng cao (điển hình: Công an Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, Hải Phòng, Quảng Nam, Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa); nhiều cán bộ, chiến sỹ đã nỗ lực, cố gắng làm đêm, làm ngoài giờ để hoàn thành tổng kiểm tra đối với hơn 1 triệu cơ sở trong 68 ngày.

 

Qua tổng kiểm tra, đã kịp thời phát hiện, hướng dẫn, yêu cầu chủ cơ sở khắc phục những thiếu sót, vi phạm an toàn PCCC và CNCH, qua đó hạn chế nguyên nhân, điều kiện phát sinh cháy nổ, đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân trong phòng ngừa cháy nổ, kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn khi có sự cố xảy ra. Qua đó, đã kiềm chế, kéo giảm hoặc không để xảy ra cháy, nổ trong thời gian thực hiện tổng rà soát, kiểm tra tại nhiều địa phương. Từ sau khi hoàn thành tổng kiểm tra an toàn PCCC và CNCH đến nay chưa xảy ra vụ cháy gây hậu quả chết người. 

 

Cũng qua kiểm tra cho thấy công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ còn nhiều tồn tại, đó là: Một bộ phận không nhỏ người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh, người dân chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo các quy định của pháp luật về PCCC và CNCH dẫn đến nhiều tồn tại, vi phạm như: Vi phạm PCCC trong đầu tư xây dựng theo Điều 38; Vi phạm quy định về thoát nạn trong PCCC; Vi phạm quy định về trang bị, bảo quản và sử dụng phương tiện PCCC; Vi phạm quy định về hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC và CNCH; Vi phạm quy định về tuyên truyền, phổ biến kiến thức và huấn luyện nghiệp vụ PCCC, CNCH; Vi phạm quy định trong việc ban hành, phổ biến nội quy, quy định, biển báo, biển cấm, sơ đồ chỉ dẫn về PCCC và CNCH; Vi phạm quy định về phương án chữa cháy và phương án CNCH; Vi phạm quy định trong quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt; việc lắp đặt, quản lý, sử dụng điện, chống sét…

 

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH trong thời gian tới, Bộ Công an đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo:

 

Giao Bộ Công an thông báo cụ thể những tồn tại, vi phạm về PCCC và CNCH tới UBND các tỉnh, thành phố để chỉ đạo giám sát, khắc phục. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tham mưu thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 01/CTTTg; chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện công tác kiểm tra, hướng dẫn, xử lý vi phạm về PCCC và CNCH đối với các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC định kỳ, đột xuất nghiêm túc theo đúng quy định của pháp luật.

 

Yêu cầu các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện nghiêm túc quyết liệt Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong trình hình mới và chỉ thị, nghị quyết, quyết định của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thu tướng Chính phủ về công tác PCCC và CNCH; ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt xảy ra cháy gây hậu quả đặt biệt nghiêm trọng, làm chết người do nguyên nhân chủ quan. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an trong thực hiện công tác PCCC và CNCH đặc biệt trong công tác kiểm tra, hướng dẫn, xử lý vi phạm các quy định theo lĩnh vực ngành và PCCC, CNCH.

 

Chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Chỉ đạo các Sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã tiếp tục quyết liệt giám sát, kiểm tra, bắt buộc các cơ sở khắc phục 100% hành vi vi phạm về PCCC và CNCH đã được phát hiện và kiến nghị trong đợt kiểm tra theo Kế hoạch số 513/KH-BCA-C07. Công khai các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về PCCC trên phương tiện thông tin đại chúng, thường xuyên cảnh báo cộng đồng dân cư xung quanh và xử lý nghiêm đối với các cá nhân, tổ chức cố tình đưa dự án, công trình, cơ sở vào sử dụng nhưng không bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC và CNCH gây hậu quả nghiêm trọng. Siết chặt quản lý đối với loại hình kinh doanh dịch vụ karaoke; không để cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke không đảm bảo điều kiện an toàn PCCC và CNCH hoạt động. Thực hiện nghiêm túc việc xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động khi chưa đảm bảo điều kiện an toàn PCCC và để xảy ra các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý của mình đối với công tác PCCC và CNCH, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 01/CT-TTg. Cân đối ngân sách địa phương và tuyên truyền, huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ thực hiện thực hiện mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Chi thị số 01/CT-TTg: phấn đấu trong năm 2023, trên toàn quốc mỗi hộ gia đình phải có ít nhất 01 người được tập huấn kỹ năng chữa cháy và CNCH; 100% người làm nhiệm vụ PCCC tại các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC phải được tổ chức tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ về PCCC và CNCH theo quy định của pháp luật. Vận động mỗi hộ gia đình trang bị tối thiểu 01 bình chữa cháy; 100% các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC phải bảo đảm đầy đủ các điều kiện an toàn PCCC và chuẩn bị các phương tiện cần thiết để sẵn sàng chữa cháy, CNCH tại chỗ, ngay từ cơ sở./.

 

                                                                                                          Trịnh Minh