Chủ nhật, Ngày 13/10/2024 -
Học sinh được học tập và vui chơi dưới mái trường xanh - sạch - đẹp |
Toàn tỉnh hiện có 350 trường mầm non và phổ thông, gồm 133 trường mầm non (trong đó có 110 trường công lập và 23 trường ngoài công lập), 84 trường tiểu học, 61 trường tiểu học và trung học cơ sở 47 trường trung học cơ sở (THCS) và 25 trường trung học phổ thông (THPT). So với năm học 2022-2023 giảm 07 trường tiểu học, tăng 05 trường Tiểu học – THCS, giảm 05 trường THCS và giảm 01 trường THPT. Ngoài ra, còn 706 điểm trường lẻ (giảm 47 điểm so với năm học 2022-2023).
Ngoài ra còn có 11 cơ sở đào tạo, gồm: Trường Cao đẳng Kon Tum, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum, Trung tâm GDTX tỉnh, 08 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện và 102 trung tâm học tập cộng đồng.
Năm học mới 2023 - 2024, toàn tỉnh có 168.325 trẻ em, học sinh (96.168 trẻ em, học sinh người DTTS), xếp thành 5.813 lớp; trong đó, mầm non có 39.830 trẻ (DTTS 23.814 trẻ), xếp thành 1.609 lớp; tiểu học có 65.382 học sinh (DTTS 39.512 học sinh), xếp thành 2.465 lớp; THCS có 46.256 học sinh (DTTS 26.528 học sinh), xếp thành 1.262 lớp; THPT có 15.537 học sinh (DTTS 5.503 học sinh), xếp thành 483 lớp; GDTX có 1.320 học viên (DTTS 811 học viên), xếp thành 31 lớp.
Để hoàn thành tốt nhất mục tiêu đề ra, ngay từ đầu năm học, Sở GD-ĐT tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị triển khai rà soát, kiểm tra, đôn đốc các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, nhất là các điều kiện an toàn vệ sinh trường phòng học, đảm bảo đủ số phòng học/lớp, đảm bảo công trình vệ sinh, nhà ở, nhà bếp trước thềm năm học mới; đồng thời khẩn trương triển khai các dự án, chương trình, kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Toàn tỉnh hiện có 5.949 phòng học, trong đó được đầu tư xây mới bổ sung 106 phòng (cấp mầm non 32 phòng; cấp tiểu học 28 phòng; cấp THCS 40 phòng; cấp THPT 06 phòng); số phòng học được cải tạo, sửa chữa, kiên cố hóa là 320 phòng (cấp mầm non 60 phòng; cấp tiểu học 92 phòng; cấp THCS 96 phòng; cấp THPT 72 phòng), đảm bảo bố trí 01 phòng/lớp; số phòng học bộ môn, thư viện, nhà vệ sinh được đầu tư mới, nâng cấp, cải tạo là 123 phòng.
Tổng số kinh phí đã đầu tư cho năm học 2023-2024 là 194 tỷ 429 triệu đồng (tăng 25 tỷ đồng so với năm học 2022-2023); trong đó vốn chương trình mục tiêu 85 tỷ 441 triệu đồng, ngân sách địa phương 106 tỷ 72 triệu đồng, các nguồn vốn khác 2 tỷ 945 triệu đồng.
Cơ sở vật chất, phòng học, phòng học bộ môn, phòng chức năng và trang thiết bị dạy học, sân chơi, bãi tập cơ bản đáp ứng cho việc triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024.
Thực hiện Thông tư 37,38,39 của Bộ GD-ĐT về việc mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu, ngành GD-ĐT đã mua sắm 3.906 bộ cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 và mua sắm ngoài danh mục tối thiểu 662 bộ thiết bị dạy học.
Ngành GD-ĐT tỉnh đang triển khai mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 6 bằng nguồn ngân sách địa phương với tổng kinh phí 25,526 tỷ đồng (gồm 31 phòng máy, 110 máy vi tính, 112 ti vi).
Để bảo đảm sách giáo khoa cho học sinh và giáo viên, Sở GDĐT tỉnh đã làm việc với các nhà xuất bản, các đơn vị cung ứng sách trên địa bàn tỉnh để có thể cung ứng sách giáo khoa, dụng cụ học tập kịp thời khắc phục tình trạng thiếu sách cục bộ ở các bộ môn, khối lớp.
Toàn ngành đã huy động có hiệu quả các nguồn vận động tài trợ sách giáo khoa; đặc biệt là tiếp tục triển khai Chương trình “Sách cũ cho năm học mới”. Kết quả, toàn ngành đã huy động được 28.177 bộ sách giáo khoa cũ (trong đó, tiểu học 20.822 bộ, THCS 6.357 bộ, THPT 998 bộ).
Ngoài ra, tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình “Tủ sách dùng chung” và đẩy mạnh công tác xã hội hóa để trang bị tủ sách dùng chung cho các nhà trường, đảm bảo sách giáo khoa và các điều kiện học tập cần thiết cho học sinh.
Sở GD-ĐT đã phối hợp với Công ty cổ phần Sách và Thiết bị giáo dục Miền Trung thực hiện chương trình tặng, hỗ trợ 665 bộ sách giáo khoa và 08 tủ sách dùng chung; Công ty Cổ phần đầu tư xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng tặng 300 bộ sách giáo khoa nhằm hỗ trợ học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, các trường/điểm trường khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới đảm bảo sách để học tập.
Trên cơ sở quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 4, 8 và 11 của UBND tỉnh, Sở GDĐT đã hướng dẫn các đơn vị đăng kí số lượng sách giáo khoa gửi các nhà xuất bản để kịp thời cung ứng phục vụ năm học mới; đồng thời, đã phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức bồi dưỡng giáo viên sử dụng sách giáo khoa lớp 4, 8, 11 năm học 2023-2024.
Sở GD-ĐT đã triển khai đưa Tài liệu Giáo dục địa phương các lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 sử dụng trên toàn tỉnh. Hoàn thiện biên soạn Tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh Kon Tum lớp 4, 8, 11 tham mưu UBND tỉnh trình Bộ GDĐT phê duyệt. Tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung nội dung Chương trình giáo dục địa phương tỉnh Kon Tum cấp trung học; tích hợp biên soạn nội dung Lịch sử - Địa lý trong Chương trình môn Lịch sử và Địa lí lớp 4 để triển khai dạy học.
Ngoài ra, Sở GDĐT đang tổ chức biên soạn tài liệu bổ trợ ngôn ngữ cho học sinh DTTS cấp tiểu học năm 2023 nhằm bổ sung nguồn tài liệu gắn liền với văn hóa địa phương tỉnh; bảo đảm duy trì và phát triển năng lực ngôn ngữ tiếng Việt cho học sinh DTTS.
Năm học 2023 - 2024, toàn ngành có 9.476 CBQL, giáo viên. 100% CBQL, giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo; trong đó cấp THPT 1.027 giáo viên (168 thạc sỹ, 859 đại học); cấp THCS 2.528 giáo viên (10 thạc sỹ, 2.211 đại học, 306 cao đẳng, 01 trung cấp); cấp tiểu học 3.380 giáo viên (04 thạc sỹ, 2.608 đại học, 617 cao đẳng, 151 trung cấp); cấp mầm non 2.541 giáo viên (1.308 đại học, 855 cao đẳng, 378 trung cấp).
Các trường triển khai các nhiệm vụ ngay từ đầu năm học mới |
Năm học mới 2023 - 2024, ngành GD-ĐT tỉnh tiếp tục phấn đấu nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về giáo dục; tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục, quản trị nhà trường theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh tự chủ, bảo đảm vai trò kiến tạo để phát triển giáo dục, trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch; tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học và kiểm tra đánh giá; khuyến khích phát triển và khai thác dữ liệu lớn, giải pháp trí tuệ nhân tạo phù hợp trong giáo dục đào tạo; đẩy mạnh cải cách hành chính trong giáo dục và đào tạo.
Ngoài ra, thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đào tạo đảm bảo huy động học sinh ra lớp, nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực gắn với bố trí, phân bổ ngân sách nhà nước và huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục./.
Dương Nương
Tin tức liên quan