Thứ sáu, Ngày 01/12/2023 -

Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến về dự thảo Báo cáo Chính phủ về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
Ngày đăng: 21/09/2023  15:15
Mặc định Cỡ chữ
Sáng ngày 21/9, tại điểm cầu trụ sở Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang đồng chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ lấy ý kiến về dự thảo Báo cáo Chính phủ về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết 101/2023/QH 15 của Quốc hội khóa XV.

 

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum

 

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có đồng chí Nguyễn Ngọc Sâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan của tỉnh.

 

Thực hiện yêu cầu của Quốc hội về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ đã triển khai đến các cơ quan, các hiệp hội và doanh nghiệp trên cả nước.

 

Tổ công tác của Chính phủ đã tổng hợp, phân loại thành 24 nhóm lĩnh vực được yêu cầu rà soát, tổ chức thực hiện rà soát 397 văn bản, gồm 60 luật, nghị quyết của Quốc hội, 139 nghị định của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 198 văn bản khác do các cơ quan trung ương ban hành. Trong đó, tập trung vào 22 lĩnh vực, trọng tâm là pháp luật về đấu thầu, đấu giá, quy hoạch, đầu tư công, quản lý, sử dụng đất đai, tài chính công, môi trường, xây dựng, chứng khoán...

 

Việc phân loại, nghiên cứu, cho ý kiến độc lập và xử lý kết quả rà soát, tiếp thu phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp tại các bộ, ngành được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, bài bản. Nhiều nội dung vướng mắc, bất cập đã được cơ quan có thẩm quyền nhận diện, được sửa đổi, bổ sung theo đúng quy trình, quy định.

 

Hệ thống pháp luật nói chung và các lĩnh vực trọng tâm được rà soát đã cơ bản thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng trong từng lĩnh vực. Phần lớn các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, đóng góp tích cực vào quá trình đổi mới, xây dựng và phát triển nền kinh tế...

 

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành đã trao đổi, thảo luận, ý kiến kết quả rà soát còn khác nhau trong các văn bản pháp luật cụ thể, theo đó đề xuất cố gắng hạn chế một luật sửa nhiều luật; các bộ, ngành trung ương cần phải chủ động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực phụ trách để đảm bảo chất lượng và tính khả thi; tăng cường trách nhiệm phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong nghiên cứu, đề xuất bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật còn có mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập, vướng mắc...

 

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương để hoàn chỉnh báo cáo của Chính phủ trình kỳ họp Quốc hội theo đúng tiến độ.

 

Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, qua phát hiện vướng mắc trong các văn bản quy phạm pháp luật, cần tổng hợp đầy đủ theo các phụ lục và đề xuất trình cấp có thẩm quyền sửa đổi phù hợp với thực tế. Trong đó, tập trung vào những nội dung còn vướng mắc, bất cập cản trở sự phát triển và tạo sơ hở để tham nhũng, tiêu cực.

 

Đối với các văn bản dưới luật theo thẩm quyền của các bộ, ngành cần khẩn trương sửa đổi những vướng mắc, bất cập ngay trong quý 4/2023. Chủ động tuyên truyền, thông tin kịp thời, tạo đồng thuận xã hội để sửa đổi, tổ chức thực hiện tốt các văn bản quy phạm pháp luật.

 

Các bộ, ngành, cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật cần chủ động đề xuất những nội dung cần sửa đổi để đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.

 

Hữu Phương