Chủ nhật, Ngày 13/10/2024 -
Ảnh minh họa |
Tăng cường thực hiện công tác phát triển kinh tế số và xã hội số
Ngày 14/11, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3948/UBND-KGVX chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả các kế hoạch, chỉ đạo của UBND tỉnh về phát triển kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh.
Thường xuyên rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật nhằm góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển kinh tế số và xã hội số; đẩy mạnh các giải pháp phát triển hạ tầng số đồng bộ, thông suốt, an toàn phục vụ phát triển kinh tế số và xã hội số, nhất là hạ tầng viễn thông băng rộng, hạ tầng điện toán đám mây và các cơ sở dữ liệu dùng chung.
Tăng cường hợp tác quốc tế trong thu hút nguồn lực, chuyên gia, công nghệ để nắm bắt thời cơ phát triển, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật tiên tiến. Hỗ trợ triển khai các sáng kiến, chương trình hợp tác đào tạo trường đại học, viên nghiên cứu với doanh nghiệp địa phương trong đào tạo nhân lực chuyển đổi số nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, gắn kết các hoạt động nghiên cứu với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Triển khai đào tạo kiến thức cơ bản, hướng dẫn người lao động sử dụng thành thạo các phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác tại cơ quan, đơn vị.
Tăng cường thực hiện công tác phòng cháy và chữa cháy (PCCC)
Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tại Công văn số 3933/UBND-NC ngày 14/11, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác PCCC và cứu hộ, cứu nạn (CNCH).
Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn việc áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân về công tác PCCC; nội dung tuyên truyền cụ thể, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện, nhất là việc phổ biến các kỹ năng PCCC và thoát nạn cho người dân khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kết hợp hướng dẫn việc triển khai thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế tối đa xảy ra cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra, bảo đảm an toàn, tài sản, sức khỏe, tính mạng của Nhân dân. Tổ chức kiểm tra định kỳ điều kiện bảo đảm an toàn PCCC và CNCH tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke; kiên quyết xử lý và thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động của các cơ sở không đủ điều kiện theo đúng quy định.
Tổ chức tập huấn, diễn tập phương án PCCC nhằm nâng cao nghiệp vụ về PCCC và CNCH cho các cán bộ, công chức và người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chữa cháy nhằm sẵn sàng ứng phó với các tình huống cháy, nổ xảy ra trên địa bàn.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước
Tại Công văn số 3972/UBND-KTTH ngày 15/11, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành, đơn vị thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài chính công, tài sản công; thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, tài chính công, tài sản công và việc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán.
Tăng cường vai trò, trách nhiệm của Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra tại các Báo cáo kết luận kiểm toán chuyên đề, hằng năm của Kiểm toán Nhà nước; thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện, có giải pháp quyết liệt để chỉ đạo thực hiện triệt để các nội dung kiến nghị còn tồn đọng, chưa thực hiện; trường hợp chưa thực hiện kịp tiến độ thì nêu rõ lý do, thời gian cam kết hoàn thành kiến nghị.
Phân loại, xác định lộ trình cụ thể và có các giải pháp tổ chức quyết liệt để giải quyết dứt điểm các kết luận, kiến nghị kiểm toán còn tồn đọng kéo dài nhiều năm; Làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân không thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị kiểm toán; đặc biệt các trường hợp gây thất thoát, mất vốn ngân sách và tài sản Nhà nước, kể cả trong các trường hợp cơ quan, đơn vị phá sản, giải thể hoặc cá nhân đã chết, mất năng lực hành vi dân sự.
Tiếp tục tăng cường công khai, minh bạch trong việc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán; tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan Nhà nước, đoàn thể, tổ chức xã hội và Nhân dân kiểm tra, giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, tài chính công, tài sản công góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, tiêu cực, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật.
Công bố Danh mục địa điểm được tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại trên địa bàn tỉnh năm 2024
Tại Quyết định số 665/QĐ-UBND ngày 15/11, UBND tỉnh phê duyệt và công bố 14 địa điểm được tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại (huyện Đăk Hà có 3 địa điểm; huyện Sa Thầy và TP. Kon Tum có 2; các huyện còn lại, mỗi địa bàn có 1 địa điểm);
6 lĩnh vực được ưu tiên tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại trên địa bàn tỉnh năm 2024, gồm: (1) Hàng tiêu dùng, gia dụng, dân dụng, quần áo, giày dép, thủ công mỹ nghệ, nông sản, vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, sản phẩm OCOP; (2) Giới thiệu, xúc tiến thương mại các sản phẩm hình thành từ: Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm, các sản phẩm nông sản phát triển liên kết theo chuỗi giá trị, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp của địa phương; (3) Giới thiệu, quảng bá du lịch, ẩm thực và sản phẩm đặc sản, chủ lực của địa phương như rượu và sâm Ngọc Linh, các loại dược liệu, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch; (4) Sản phẩm thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hàng gia dụng, thời trang, điện tử, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn; (5) Giới thiệu, quảng bá du lịch, ẩm thực và sản phẩm đặc trưng, chủ lực của địa phương, các loại dược liệu, sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch; (6) Đồ gia dụng, may mặc, giày dép; các sản phẩm OCOP; máy móc, thiết bị ứng dụng công nghệ cao phục vụ sản xuất…
Triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh
Tại Công văn số 3979/UBND-NNTN ngày 16/11, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thành phố tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh trong các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024.
Kiên quyết ngăn chặn, chấm dứt tình trạng buôn bán, vận chuyển, nhập lậu gia cầm, lợn, trâu bò và các sản phẩm động vật tại các địa phương; Khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng định kỳ, tiêm bổ sung vắc xin phòng các bệnh nguy hiểm, nhất là tại các khu vực đã từng xảy ra ổ dịch, khu vực có nguy cơ cao, bảo đảm tiêm phòng đạt tối thiểu 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm.
Tổ chức triển khai giám sát chủ động để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới phát hiện ở phạm vi hẹp, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo dịch bệnh, bán chạy động vật nghi mắc bệnh làm lây lan dịch bệnh; thực hiện nghiêm báo cáo dịch bệnh động vật trên Hệ thống thông tin dịch bệnh động vật (VAHIS).
Tổ chức tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng để tiêu diệt các loại mầm bệnh lưu hành trong môi trường, nhất là tại các vùng dịch, ổ dịch cũ, cơ sở thu gom, buôn bán, giết mổ động vật,… Thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật theo đúng quy định; Tập trung, đẩy mạnh xây dựng các chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh động vật phục vụ tiêu dùng trong nước và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đặc biệt tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, chủ động phòng bệnh, không giấu dịch, không bán chạy, giết mổ, vứt xác động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh.
Tổ chức thanh tra, kiểm tra, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, cung ứng các loại thuốc, vắc xin thú y, hóa chất cần thiết cho công tác phòng, chống dịch bệnh động vật theo đúng quy định; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, công tác triển khai tiêm phòng vắc xin đợt 2/2023 cho đàn vật nuôi.
Bãi bỏ một số văn bản QPPL do UBND tỉnh ban hành
Tại Quyết định số 61/2023/QĐ-UBND ngày 17/11, UBND tỉnh bãi bỏ toàn bộ 46 văn bản QPPL và một phần trong 01 văn bản QPPL do UBND tỉnh Kon Tum ban hành do không còn phù hợp với quy định của pháp luật, điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.
UBND tỉnh giao Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ lĩnh vực quản lý nhà nước của cơ quan, đơn vị có trách nhiệm rà soát, bãi bỏ hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền bãi bỏ văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết thi hành các văn bản đã được bãi bỏ tại Quyết định này (nếu có).
Công nhận điểm du lịch "Làng du lịch cộng đồng Đắk Răng"
Tại Quyết định số 671/QĐ-UBND ngày 17/11, UBND tỉnh công nhận điểm du lịch: Làng du lịch cộng đồng Đắk Răng, xã Đắk Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum.
UBND tỉnh giao UBND huyện Ngọc Hồi thực hiện việc quản lý điểm du lịch theo quy định; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện; thực hiện chức năng quản lý nhà nước về du lịch đối với điểm du lịch được công nhận đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định.
Làng Đắk Răng nằm bên đường mòn Hồ Chí Minh, thuộc địa phận xã Đắk Dục, cách trung tâm huyện Ngọc Hồi 15km về phía Bắc, với 110 hộ, 348 nhân khẩu, trong đó 99% dân số là người Giẻ -Triêng sinh sống từ lâu đời. Làng còn gìn giữ được một số bản sắc văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng, hộ gia đình, như: Tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc; làm rượu cần; dệt thổ cẩm; chế tác các loại nhạc cụ độc đáo; các hoạt động văn hóa như: cồng chiêng, múa xoang và một số lễ hội truyền thống vẫn được duy trì như Lễ ăn trâu là lễ hội lớn của dân tộc Giẻ -Triêng...
Thái Ninh
Tin tức liên quan