Thứ 5, Ngày 12/09/2024 -

Sử dụng cát nhiễm mặn làm vật liệu đắp nền đường
Ngày đăng: 15/07/2024  10:36
Mặc định Cỡ chữ
Vừa qua, Bộ Giao thông vận tải có Văn bản số 7311/BGTVT-CQLXD ngày 09/7/2024 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc sử dụng cát nhiễm mặn làm vật liệu đắp nền đường

 

Theo đó, triển khai kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Thông báo số 225/TB-VPCP ngày 16/5/2024 và Thông báo số 283/TB-VPCP ngày 26/6/2024 của Văn phòng Chính phủ; tiếp theo Văn bản số 2499/BGTVT-KHCN&MT ngày 11/3/2024 của Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) về việc thông báo một số kết quả, nội dung chính việc thí điểm sử dụng cát biển làm nền đường giao thông, Bộ GTVT gửi đến Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương một số nội dung liên quan đến việc sử dụng cát nhiễm mặn làm vật liệu đắp nền đường tại các công trình, dự án giao thông như sau:

 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Văn bản số 2841/BNN-KL ngày 19/4/2024 công bố các tiêu chuẩn, quy chuẩn về độ nhiễm mặn của đất nông nghiệp, mặt nước nuôi trồng thủy sản làm cơ sở cho việc sử dụng cát biển cho các dự án giao thông (TCVN 13656:2023 về nước nuôi trồng thủy sản - Chất lượng nước nuôi thâm canh tôm sú, tôm thẻ chân trắng; TCVN 13952:2024 Nước nuôi trồng thủy sản - Nước ngọt - Yêu cầu chất lượng; TCCS 01:2024/LN Cây trồng nông nghiệp - Ngưỡng chịu mặn của một số loài cây trồng), đề nghị các địa phương căn cứ để áp dụng khi sử dụng cát nhiễm mặn.

 

Trên cơ sở kết quả thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường tại đoạn tuyến hoàn trả ĐT.978, dự án thành phần đoạn Hậu Giang – Cà Mau thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (Dự án), căn cứ vào kết quả thí nghiệm cát khai thác tại mỏ khu vực tỉnh Sóc Trăng cho thấy, cát nhiễm mặn đáp ứng các tiêu chuẩn về vật liệu (theo Tiêu chuẩn TCVN 9436:2012) để thi công tại các dự án, khu vực có môi trường đã nhiễm mặn và sử dụng cho khu vực hạ âm, nền đắp có độ chặt K≤ 95, phạm vi nền đường nằm dưới khu vực chịu tác động của hoạt tải. Hiện nay, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư Dự án) đang tiếp tục tổ chức thí điểm mở rộng trên đoạn tuyến chính của Dự án từ Km81+000 - Km126+223 (đi qua địa bàn các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau) và đoạn tuyến nối từ Km 6+522 (nút giao đường Võ Văn Kiệt) đến Km16+510 (Nút giao với QL1) thuộc Dự án; đây là khu vực có môi trường đã nhiễm mặn cao hơn độ mặn của cát nhiễm mặn khi đưa về công trình.

 

Đối với các khu vực có điều kiện môi trường khác, trên cơ sở điều kiện canh tác, sản xuất tại khu vực thi công dự kiến sử dụng cát nhiễm mặn, các quy định hiện hành về môi trường, các Tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tiêu chuẩn Việt Nam do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố, Bộ GTVT đề nghị các chủ đầu tư căn cứ vào kết quả thí nghiệm của cát nhiễm mặn tại mỏ dự kiến khai thác, cần có biện pháp xử lý cát nhiệm mặn (nếu cần thiết) để giảm độ mặn (qua các lần hút thổi, sang mạn cát từ tàu hút cát sang xà lan vận chuyển, bơm lên bãi tập kết và các giải pháp khác,…), căn cứ độ mặn sau khi xử lý để xác định phạm vi sử dụng cát nhiễm mặn, xây dựng phương án, chỉ dẫn kỹ thuật thi công trước khi triển khai thi công.

 

Trong quá trình triển khai, các chủ đầu tư cần: (i) tổ chức khảo sát, xác định và quyết định phạm vi thi công sử dụng cát nhiễm mặn; phê duyệt đề cương quan trắc môi trường và lựa chọn đơn vị tư vấn đủ năng lực thực hiện; phê duyệt chỉ dẫn kỹ thuật thi công - nghiệm thu, tổ chức xác định dự toán và khảo sát định mức; (ii) phải kiểm soát chặt chẽ độ mặn trước và trong suốt quá trình thi công, bố trí hệ thống thoát nước để dẫn nước từ bãi tập kết, phạm vi thi công nền đường về khu vực phù hợp; (iii) thực hiện đầy đủ, đáp ứng các yêu cầu của các tiêu chuẩn hiện hành về thi công, nghiệm thu./.

 

                                                                                                Trịnh Minh