Thứ sáu, Ngày 13/09/2024 -
Cùng dự có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Lê Thành Long; đại diện lãnh đạo các bộ ngành, thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và thành viên Tổ Công tác Đề án 06. Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm cầu của Chính phủ tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Kon Tum |
Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh.
Theo báo cáo, trong giai đoạn 2021-2024, chuyển đổi số được đẩy mạnh theo hướng toàn dân, toàn diện, có kết quả thiết thực, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Công tác chỉ đạo, điều hành đã có kinh nghiệm hơn, bám sát thực tiễn hơn. Công tác tổ chức thực hiện từ Trung ương đến cơ sở được triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn. Kết quả mang lại thiết thực hơn, tích cực hơn. Người dân, doanh nghiệp ủng hộ, đồng hành, tham gia tích cực hơn. Chuyển đổi số đã đến “từng ngõ, từng nhà, từng người”. Niềm tin của người dân và doanh nghiệp được củng cố, nâng lên, góp phần truyền cảm hứng và tạo động lực phát triển mới. Chuyển đổi số rất phù hợp với phẩm chất, năng lực người Việt Nam là cần cù, ham học hỏi, linh hoạt và sáng tạo.
Về giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp, nếu năm 2019 mới chỉ đạt gần 11% thì từ năm 2020 đến nay có bước tăng trưởng đột phá, đến nay đạt 55%, tăng gấp 5 lần so với cả giai đoạn trước 2020; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến ở năm 2019 chỉ khoảng 5%, thời điểm hiện tại, tỷ lệ này đạt 43% (tăng hơn 8 lần).
Số lượng doanh nghiệp công nghệ thông tin đang hoạt động ước đạt khoảng 45.500 doanh nghiệp, về cơ bản không đổi so với năm 2022. Năm 2023, Việt Nam có hơn hơn 1,5 nghìn doanh nghiệp công nghệ số, Việt Nam có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng hơn 7% so với năm 2022; tổng doanh thu từ thị trường nước ngoài ước đạt 7,5 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2022.
Về phát triển kinh tế số, ước tính tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5% và đến tháng 6/2024 là 18,5%... Về phát triển xã hội số, giai đoạn 2022 - 2024 có những chuyển biến tích cực, trong đó tỷ lệ người dân ở độ tuổi trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử tăng từ mức 3% lên 13,5% (tăng gần gấp 4 lần); tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 87,08%.
Hạ tầng số, nền tảng số được quan tâm đầu tư và có bước phát triển. 100% xã, phường, thị trấn kết nối Internet cáp quang. Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá về kết quả chuyển đổi số của Việt Nam trong đó chỉ số Chính phủ điện tử năm 2022 xếp hạng 86/193; Chỉ số Đổi mới sáng tạo luôn duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu từ năm 2018 đến nay; năm 2023 xếp hạng 46/132; Chỉ số Bưu chính năm 2023 đạt cấp độ 6/10, xếp hạng 47/172.
Về xã hội số giai đoạn 2022 - 2024 có những chuyển biến tích cực, trong đó tỷ lệ người dân ở độ tuổi trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử tăng từ mức 3% lên 13,5% (tăng gần gấp 4 lần); tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 87,08% (tăng thêm 20% từ mức tỷ lệ của năm 2020). Về phát triển công dân số, đến tháng 12/2023, Bộ Công an đã cấp trên 84,7 triệu thẻ CCCD gắn chip; đã kích hoạt 45,4 triệu tài khoản định danh (đạt 67,5% so với tổng hồ sơ tiếp nhận). Có 34 địa phương đã hoàn thành cấp tài khoản định danh điện tử và có tỉ lệ kích hoạt định danh điện tử cao nhất cả nước. Ứng dụng VNeID đã được tích hợp thêm các tiện ích: Sổ sức khỏe điện tử; giấy phép lái xe; ví điện tử; kê khai, đăng ký, nộp thuế; thông tin sổ bảo hiểm xã hội và nhiều tiện ích khác…
Tại hội nghị, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương đã thảo luận phân tích, chia sẻ những cách làm hay, mô hình sáng tạo trong quá trình thực hiện chuyển đổi số; đồng thời đánh giá những kết quả đạt được cũng như nêu những khó khăn, giải pháp thực hiện để xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số, phục vụ phát triển kinh tế số trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số đã và đang trở thành yếu tố then chốt trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội; chuyển đổi số đã trở thành phong trào, là xu thế; chuyển đổi số được đẩy mạnh theo hướng toàn dân, toàn diện, xuyên suốt... Người dân và doanh nghiệp đã bắt đầu thói quen sử dụng chuyển đổi số và đã đạt được một số kết quả khả quan.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, theo Thủ tướng Chính phủ điều quan trọng nhất có tính quyết định nhất, mang tính chiến lược, lâu dài, cơ bản là các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải tiên phong, gương mẫu để thức đẩy chuyển đổi số trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của mình về quản lý với quyết tâm cao nhất.
Đồng thời tập trung phát triển nhân lực số, công dân số, kỹ năng số và tài năng số; Ưu tiên nguồn lực để phát triển cho chuyển đổi số, cho kinh tế số, con người số, xã hội số; Phát triển hạ tầng số toàn diện, phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả; Quản lý điều hành phải số hóa và sử dụng trí tuệ thông minh.
Khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách, thể chế cho chuyển đổi số theo hướng tăng cường phân cấp phân quyền, phát huy sáng tạo của các cấp, các ngành. Tăng cường phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi cho cấp dưới. Đẩy mạnh việc giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; xóa bỏ cơ chế xin cho và chống tiêu cực tham nhũng trong chuyển đổi số. Trong quá trình thực hiện phải mạnh dạn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội; tăng tốc bức phá với khí thế tiến công mạnh mẽ với tinh thần “5 đẩy mạnh, 5 đảm bảo gắn với 5 không”, cụ thể:
5 đẩy mạnh, gồm: Đẩy mạnh thống nhất nhận thức và hành động; đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách; đẩy mạnh đầu tư cho hạ tầng số quốc gia thông suốt, phù hợp, hiệu quả; đẩy mạnh an ninh an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu; đẩy mạnh xây dựng văn hóa số, con người số, kỹ năng số và nhân lực số.
5 đảm bảo gồm: Đảm bảo triển khai chuyển đổi số, Đề án 06 đồng bộ hiệu quả; đảm bảo nguồn lực cho chuyển đổi số quốc gia; đảm bảo 100% dịch vụ công trực tuyến, thiết yếu cho người dân tiếp cận dễ dàng, an toàn, thuận tiện; đảm bảo nhân lực cho chuyển đổi số và các nhân lực các ngành kinh tế số mới nổi; bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và nhà nước, nhà đầu tư.
5 không gồm: Không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm, không bàn lùi chỉ bàn làm; không để ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia; không dùng tiến mặt, hướng tới mọi giao dịch điện tử; không giấy tờ hướng tới số hóa quản lý; không để người dân, doanh nghiệp mất nhiều thời gian, công sức, kinh phí…/.
Lê Thiện
Tin tức liên quan