Thứ 5, Ngày 12/09/2024 -
Ảnh minh họa |
Thực hiện quy định về tiêu chuẩn đối với cán bộ, công chức cấp xã
Tại Công văn số 2771/UBND-NC ngày 05/8, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố rà soát chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn, trên cơ sở đó đối chiếu với tiêu chuẩn của cán bộ, công chức cấp xã quy định tại Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ và Quyết định số 13/2024/QĐ-UBND ngày 19/02/2024 của UBND tỉnh để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đối với các trường hợp cán bộ, công chức cấp xã chưa đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định.
Thực hiện việc quy hoạch, tạo nguồn đối với cán bộ, công chức cấp xã đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định. Việc bầu, tuyển dụng, bổ nhiệm mới đối với cán bộ, công chức cấp xã phải triển khai thực hiện theo hướng đáp ứng tiêu chuẩn chuyên môn theo chức vụ, chức danh quy định. Bảo đảm đúng tiêu chuẩn về chức danh, chức vụ, không bố trí cán bộ, tuyển dụng công chức cấp xã không đạt chuẩn về chuyên môn.
Đối với các trường hợp cán bộ, công chức đã bầu, tuyển dụng trước ngày 01/8/2023 mà chưa đạt đủ tiêu chuẩn, đến ngày 01/8/2028 phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định; quá thời hạn trên, không đáp ứng đủ tiêu chuẩn, phải thực hiện chế độ nghỉ hưu (nếu đủ điều kiện) hoặc tinh giản biên chế theo quy định.
Tổ chức Tết Trung thu năm 2024 cho trẻ em trên địa bàn tỉnh
Để tạo điều kiện cho tất cả trẻ em trên địa bàn tỉnh được đón Tết Trung thu 2024 vui vẻ, ý nghĩa và an toàn, tại Công văn số 2772/UBND-KGVX ngày 05/8, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức các hoạt động vui Tết Trung thu cho trẻ em tại đơn vị, địa phương bảo đảm an toàn, lành mạnh, thiết thực, hiệu quả; trong đó, quan tâm tổ chức vui chơi, giải trí lành mạnh, bổ ích, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp, cổ truyền, đặc sắc của dân tộc phù hợp với điều kiện của đơn vị, địa phương.
Bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước; huy động các nguồn lực của tổ chức, cá nhân để thăm, tặng quà Trung thu cho trẻ em, đảm bảo tất cả trẻ em trên địa bàn tỉnh được đón Tết Trung thu vui vẻ, ý nghĩa; trong đó quan tâm đến trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, trẻ em mồ côi và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh.
Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc chăm lo cho trẻ em; chú trọng bảo vệ sức khỏe trẻ em nhất là vấn đề an toàn, vệ sinh thực phẩm. Tập hợp thu hút và định hướng trẻ em tham gia vào các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, bổ ích; bảo vệ trẻ em khỏi ảnh hưởng bởi những sản phẩm, đồ chơi, trò chơi có tính bạo lực, phản giáo dục, kém chất lượng, độc hại, nguy hiểm, không phù hợp với trẻ em.
Tăng cường các biện pháp phòng chống cháy nổ, đảm bảo an toàn cho các hoạt động đón Tết Trung thu; ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em (nếu có).
Tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính
Triển khai ý kiến của Bộ Tư pháp về tiếp tục quan tâm phối hợp, chỉ đạo công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính; tại Công văn số 2775/UBND-NC ngày 05/8, UBND tỉnh giao yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính; chỉ đạo tổ chức thi hành dứt điểm các bản án, quyết định về vụ án hành chính của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; xem xét, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có hành vi chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án.
Giao Sở Tư pháp theo dõi, đôn đốc thực hiện việc tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính trên địa bàn tỉnh; Chủ trì, phối hợp Cục Thi hành án dân sự tỉnh và các đơn vị có liên quan thống kê, báo cáo kết quả công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính trên địa bàn tỉnh.
Quy định chi tiết tiêu chuẩn và việc xét tặng danh hiệu "Gia đình văn hóa", "Thôn, Tổ dân phố văn hóa", "Xã, phường, thị trấn tiêu biểu"
Ngày 05/8, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 42/2024/QĐ-UBND Quy định chi tiết tiêu chuẩn và việc xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, Tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa” có 3 nhóm tiêu chuẩn với 15 khung tiêu chuẩn; điều kiện để xem xét, công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” phải đạt 100% nội dung chi tiết tiêu chuẩn xét tặng; Tiêu chuẩn danh hiệu “Thôn, Tổ dân phố văn hóa” có 5 nhóm tiêu chuẩn với 22 khung tiêu chuẩn; điều kiện để xem xét, công nhận danh hiệu “Thôn, Tổ dân phố văn hóa” phải đạt 100% nội dung chi tiết tiêu chuẩn xét tặng; Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” có 5 nhóm tiêu chuẩn với 19 khung tiêu chuẩn; Điều kiện để xem xét, công nhận danh hiệu “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” phải đạt 100% nội dung chi tiết tiêu chuẩn xét tặng.
Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2024 và thay thế Quyết định số 42/2022/QĐ-UBND ngày 12/12/2022 của UBND tỉnh.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả công việc
Tại Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 05/8, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả công việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị...
Phát huy sức mạnh tập thể, đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, nói đi đôi với làm; chấn chỉnh thái độ, trách nhiệm, văn hóa ứng xử chưa chuẩn mực của công chức, viên chức trực tiếp thụ lý giải quyết các thủ tục hành chính; thực hiện nghiêm quy chế làm việc của các cơ quan, đơn vị, địa phương và các văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh về đẩy mạnh CCHC, đạo đức công vụ, trách nhiệm nêu gương,... gắn kết quả thực hiện Chỉ thị với công tác đánh giá chất lượng, bình xét thi đua, khen thưởng, kịp thời khen thưởng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có thành tích xuất sắc; có hình thức kỷ luật nghiêm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Nghiêm cấm trường hợp cán bộ, công chức, viên chức né tránh, đùn đẩy, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, của cơ quan, tổ chức hoặc nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao mà không có lý do chính đáng; không chấp hành quyết định điều động, phân công công tác của cấp có thẩm quyền; gây mất đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Chủ động, rà soát các nhiệm vụ, công việc của đơn vị, địa phương để kịp thời giải quyết theo thẩm quyền và theo lĩnh vực được phân cấp; Quyết tâm, quyết liệt giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của cơ quan, đơn vị đảm bảo kịp thời, hiệu quả, công khai và minh bạch; phát hiện, xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị, người đứng đầu cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức để xảy ra tình trạng chậm trễ, phiền hà, nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực.
Chỉ thị nêu rõ: Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về mọi mặt hoạt động thực hiện công tác cải cách hành chính tại cơ quan, đơn vị, địa phương; ý thức trách nhiệm, kỷ cương, năng lực chuyên môn, chuẩn mực đạo đức, lối sống,...
Bảo đảm thuốc, vật tư y tế, thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh
Tại Công văn số 2809/UBND-KGVX ngày 07/8, UBND tỉnh giao Sở Y tế chỉ đạo người đứng đầu các cơ sở y tế thuộc phạm vi quản lý thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người có thẩm quyền, trách nhiệm của chủ đầu tư, bên mời thầu trong hoạt động lựa chọn nhà thầu, bảo đảm đủ thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế và các dịch vụ liên quan khác phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh; đẩy mạnh và quản lý chặt chẽ việc tổ chức mua sắm, đấu thầu, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, tránh lãng phí; chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế và các dịch vụ liên quan tại các cơ sở y tế thuộc quyền quản lý.
Chỉ đạo chủ đầu tư giải quyết các vấn đề trong quá trình lựa chọn nhà thầu theo đúng thẩm quyền, không đẩy trách nhiệm cho cơ quan cấp trên giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình lựa chọn nhà thầu thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư (như: xử lý tình huống, kiến nghị trong đấu thầu,...); tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, nâng cao năng lực cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đấu thầu...
Tăng cường phối hợp trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số
Thực hiện ý kiến của Bộ Tài chính, tại Công văn số 2813/UBND-KTTH ngày 08/8, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thành phố tích cực phối hợp cung cấp thông tin, chia sẻ dữ liệu với cơ quan thuế liên quan đến các tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, livestream bán hàng (cụ thể về đối tượng, thông tin giao dịch, thông tin thanh toán, thông tin vận chuyển...) để cơ quan thuế tổ chức, triển khai các giải pháp quản lý thuế kịp thời, hiệu quả và phù hợp với hoạt động của từng người nộp thuế.
Phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế trong rà soát, xác định và xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, livestream bán hàng trên địa bàn tỉnh...
Chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai
Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tại Công văn số 2818/UBND-NNTN ngày 08/8, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về công tác ứng phó mưa lũ, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh; tập trung chỉ đạo, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định.
Yêu cầu UBND các huyện, thành phố tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai mưa lớn, bão và các bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, bản tin dự báo thiên tai, dự báo tác động của thiên tai nhằm phục vụ tốt công tác chỉ đạo phòng, tránh, ứng phó, khắc phục hậu quả của thiên tai; tập trung tổ chức thực hiện công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo phương châm “bốn tại chỗ” với tinh thần chủ động, kịp thời, quyết liệt nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của Nhân dân và nhà nước.
Rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó đối với từng loại hình thiên tai để chủ động chỉ đạo triển khai phương án phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024, nhất là phương án ứng phó bão, lũ lụt, sạt lở đất, lũ quét, động đất; kiểm tra, xác định các khu vực trọng điểm xung yếu để xây dựng kịch bản bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xảy ra; chủ động tổ chức di dời người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, đối với nhũng nơi chưa có điều kiện để di dời ngay phải có phương án chủ động sơ tán khi có tình huống thiên tai để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Tuyên truyền, vận động người dân thực hiện gia cố, giằng chống đảm bảo an toàn nhà ở trước mùa mưa bão; các công trình sử dụng mái tôn, mái fibro xi măng, trần nhựa, cửa kính, công trình gắn panô, biển quảng cáo, bồn chứa nước trên cao phải được kiểm tra, rà soát và có biện pháp sửa chữa, gia cường; các công trình xây dựng tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất như bờ sông, bờ suối, lũ ống, lũ quét phải có đánh giá, cảnh báo và có kế hoạch sơ tán bảo đảm an toàn khi cần thiết...
Tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, động đất, tai nạn lao động
Tại Công văn số 2833/UBND-NNTN ngày 09/8, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về công tác phòng, chống, ứng phó thiên tai, động đất, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh; khẩn trương rà soát để bổ sung, hoàn thiện các kế hoạch, biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, động đất, tai nạn lao động; tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai, tai nạn lao động; kịp thời biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động dẫn đến các vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng theo thẩm quyền, quy định.
Yêu cầu UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức tập huấn, diễn tập nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống thiên tai, động đất, tai nạn lao động cho người dân để chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại; theo dõi, thực hiện kịp thời các chế độ, chính sách, các hoạt động hỗ trợ, động viên, giúp đỡ về vật chất và tinh thần đối với gia đình nạn nhân bị thiệt hại do thiên tai, động đất, tai nạn lao động, bảo đảm sớm ổn định cuộc sống trước mắt và lâu dài; linh hoạt và ưu tiên sử dụng các nguồn kinh phí để giải quyết ngay các yêu cầu cấp bách liên quan đến phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, động đất, tai nạn lao động, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, đúng đối tượng, không để thất thoát, tiêu cực...
Thái Ninh
Tin tức liên quan