Thứ 5, Ngày 12/09/2024 -
Quang cảnh buổi làm việc |
Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường; Ban Dân tộc tỉnh; Văn phòng điều phối Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh; lãnh đạo UBND và các cơ quan liên quan của huyện Sa Thầy.
Theo báo cáo của huyện về tình hình xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn huyện có 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 05 xã đạt 12 đến 14/19 tiêu chí; bình quân đạt 16 tiêu chí/xã; 01 xã (Sa Nhơn) được công nhận xã nông thôn mới nâng cao; có 04 thôn được công nhận đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu; 16 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; huyện cơ bản đạt 04/09 tiêu chí huyện nông thôn mới
Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đã hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ chuyển đổi nghề, triển khai thực hiện dự án Xây dựng giếng khoan, hệ thống cấp nước và hạng mục phụ trợ, sắp xếp, ổn định dân cư, hỗ trợ cây giống và vật tư thiết yếu cho Nhân dân, đầu tư xây dựng công trình các loại, đầu tư xây dựng các công trình trường học, tổ chức các lớp xóa mù chữ cho người dân tại các điểm trường vùng đồng bào dân tộc thiểu số, mở các lớp đào tạo nghề lao động nông thôn, tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em
Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, huyện đã thẩm định xong 01 dự án trồng cây sầu riêng và 01 dự án trồng cây Mắc ca tại xã Rờ Kơi; tổ chức được 02 lớp tập huấn thực hiện nội dung “Cải thiện dinh dưỡng” cho trẻ em dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; tổ chức được 11 hội nghị thông tin truyền thông phổ biến thị trường lao động tại các xã, thị trấn.
Tổng kế hoạch vốn được UBND tỉnh giao để thực hiện các Chương trình năm 2024 là 5.773 triệu đồng, đến ngày 31/7/2024 đã giải ngân 156,9 triệu đồng.
Tại buổi làm việc, UBND huyện đã nêu những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Chương trình, như: Diện tích đất đủ điều kiện hỗ trợ của Chương trình ngày càng giảm dần nên khó khăn trong công tác giải ngân hết nguồn vốn được giao; chưa hướng dẫn hỗ trợ chi phí đối với giáo viên tham gia giảng dạy ở các lớp xóa mù chữ; công tác chuyển đổi số trên địa bàn...
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh kết luận buổi làm việc |
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị địa phương tăng cường công tác tuyên truyền cho bà con về xây dựng nông thôn mới, cải tạo vườn tạp có hiệu quả để cải thiện đời sống, cải tạo khuôn viên xung quanh nhà sạch sẽ. Quan tâm đến vấn đề an sinh, xã hội trên địa bàn, ngoài vấn đề hỗ trợ bò, cần hỗ trợ hướng dẫn bà con trồng cỏ nuôi bò để tránh tình trạng thả rông.
Thời gian tới, đề nghị huyện tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện các chương trình MTQG triển khai thực hiện từng chương trình, từng dự án. Tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình, dự án; quan tâm đến công tác chuyển đổi số với mục tiêu cao nhất là tất cả người dân được hưởng lợi từ chương trình.
Tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn vay vốn, phát triển kinh tế gia đình để giảm nghèo bền vững; chú ý phát huy hệ thống loa phát thanh trong việc tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện tốt các chương trình, chính sách của nhà nước và địa phương; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền làm thay đổi nếp nghĩ cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, chung tay xóa nghèo để không ai bị bỏ lại phía sau, chung tay xóa nhà tạm.
Đồng chí lưu ý, đối với các xã đã đạt tiêu chí nông thôn mới, rà soát lại các tiêu chí, nỗ lực giữ vững các tiêu chí đã đạt được và tiếp tục nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới; tăng cường phối hợp với sở, ngành để tăng cường công tác thực hiện nhằm tháo gỡ vướng mắc; hướng dẫn kiểm tra đôn đốc thực hiện giải ngân của các đơn vị đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng công trình./.
Lê Hằng
Tin tức liên quan