Thứ 7, Ngày 23/11/2024 -
Quang cảnh buổi giám sát |
Tham dự buổi làm việc, có đồng chí Nguyễn Ngọc Sâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; thành viên Đoàn giám sát của HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan. Dự tại điểm cầu các địa phương, có lãnh đạo HĐND, UBND và các cơ quan chuyên môn của các huyện, thành phố.
Theo kết quả rà soát đầu năm 2022, toàn tỉnh có 626 hộ thiếu đất ở, 1.850 hộ có nhu cầu hỗ trợ nhà ở, gần 1.398 hộ thiếu đất sản xuất và trên 5.100 hộ có nhu cầu hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán. Đến nay, tổng số hộ được hỗ trợ đất ở là 139 hộ, 14 hộ đã được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, 487 hộ chưa có, còn thiếu đất ở; 915 hộ được hỗ trợ nhà ở, 17 hộ được hỗ trợ đồng thời hai nội dung đất ở và nhà ở, 1.035 hộ còn phải giải quyết nhà ở.
Hơn 1.000 hộ được hỗ trợ đất sản xuất, trên 5.100 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán và đã đầu tư xây dựng 35 công trình nước sinh hoạt tập trung cho 2.744 hộ dân hưởng lợi. Tổng kinh phí đã giao để thực hiện Dự án 1 và Dự án 5 là hơn 146 tỷ đồng; trong đó giải ngân trên 100 tỷ đồng, đạt tỷ lệ hơn 70%.
Qua triển khai các Dự án 1 Chương trình MTQG Phát triển kinh tế, xã hội vùng ĐBDTTS&MN, Dự án 5 Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững cho thấy, các tầng lớp Nhân dân, nhất là đồng bào DTTS rất phấn khởi và tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền.
Các dự án đã góp phần giải quyết căn bản tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ nghèo ĐBDTTS vùng khó khăn; giúp đối tượng thụ hưởng chính sách yên tâm phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước trong triển khai, theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện chính sách còn hạn chế; một số nơi chưa chủ động triển khai hỗ trợ sớm cho người dân mà thực hiện vào các tháng cuối năm 2024; công tác khảo sát, rà soát nội dung để triển khai Dự án 1 chưa chặt chẽ dẫn đến một số địa phương phải điều chuyển nội dung hỗ trợ đất ở sang nước sinh hoạt; nội dung hỗ trợ chưa đồng bộ; chưa phát huy hiệu quả của các công trình thuộc dự án sau đầu tư.
Chưa kịp thời và có giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho người dân trong việc hỗ trợ về đất ở, nhà ở nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ; kinh phí để đối ứng của các địa phương đối với Dự án 1 còn hạn chế; chậm ban hành quy định định mức đất ở, đất sản xuất làm cơ sở xác định hộ gia đình chưa có đất ở, không có hoặc thiếu đất sản xuất để thực hiện Chương trình MTQG DTTS làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các nội dung của Dự án 1.
Tại buổi giám sát, các thành viên Đoàn giám sát; lãnh đạo các cơ quan liên quan và các địa phương đã trao đổi, thảo luận về những thuận lợi, khó khăn, cũng như đề ra các biện pháp khắc phục trong thời gian tới, để triển khai hiệu quả trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước về giải quyết đất sản xuất cho người dân vùng đồng bào DTTS.
Đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi giám sát |
Phát biểu tại buổi giám sát, đồng chí Nguyễn Ngọc Sâm, Phó chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đơn vị, địa phương nhanh chóng có giải pháp, khắc phục tình trạng cấp đất ở, đất sản xuất không có giấy CNQSDĐ; tập trung huy động các nguồn lực xoá nhà tạm, nhà dột nát đảm bảo kế hoạch của tỉnh, của Trung ương.
Giao Ban Dân tộc tỉnh rà soát lại nội dung kinh phí đối ứng của các địa phương đối với Dự án 1 và tham mưu, đề xuất giải pháp cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét theo thẩm quyền…
Đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh kết luận buổi giám sát |
Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh đây là chính sách có tính nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của cả hệ thống chính trị đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và đồng bào DTTS nghèo. Đề nghị các cấp, các ngành phải quan tâm hơn nữa đến việc triển khai thực hiện các Dự án này, đảm bảo việc hỗ trợ được thực hiện trong thời gian sớm nhất, ngay sau khi cấp có thẩm quyền bố trí vốn.
Đồng chí đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các cấp cần sâu sát với cơ sở, nắm chắc địa bàn, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đối tượng thụ hưởng chính sách tổ chức sản xuất, sử dụng có hiệu quả nguồn lực chính sách, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên thoát nghèo bền vững; đồng thời không để tình trạng sử dụng sai mục đích nguồn hỗ trợ xảy ra trên địa bàn (chuyển nhượng, không sử dụng, sử dụng không đúng quy định…).
Đồng thời, chỉ đạo thực hiện quyết liệt việc giải quyết đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh, nhất là việc giải quyết nhà ở, đảm bảo góp phần đến năm 2025 cùng với cả nước xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành cần nắm rõ những chuyển biến trong đời sống đến từng hộ được thụ hưởng chính sách, trên cơ sở đó kịp thời đánh giá sự phù hợp của các nội dung đã được hỗ trợ, có giải pháp điều chỉnh nội dung, hình thức hỗ trợ nếu xét thấy cần thiết nhằm phát huy cao nhất mục đích của chính sách…
Minh Huệ
Tin tức liên quan