Bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh Kon Tum
11/09/2018  12:00 11690 Lượt xem
Nỗ lực trong công tác bảo tồn và phát triển, Sâm Ngọc Linh Kon Tum đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận sản phẩm quốc gia, năm 2016 Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm củ.

 

Sâm Ngọc Linh Kon Tum phát triển dưới tán rừng
 
Và mới đây, ngày 30/7/2018, Cục Sở hữu trí tuệ đã có Quyết định mở rộng vùng chỉ dẫn địa lý cho 09 xã thuộc hai huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông với diện tích gần 17.000ha. Đây là động lực để tỉnh Kon Tum phấn đấu phát triển thành công sản phẩm Sâm Ngọc Linh trở thành sản phẩm quốc gia, sớm thương mại hoá sản phẩm và đưa thương hiệu Sâm Ngọc Linh Kon Tum ra thị trường trong nước và quốc tế.
 
Hoa Sâm Ngọc Linh Kon Tum
 
Trước khi có sự phát hiện của các nhà khoa học, từ xưa sâm Ngọc Linh đã được người dân tộc Xê Đăng sống trên vùng núi cao Ngọc Linh sử dụng để chữa nhiều loại bệnh và còn được gọi là cây thuốc "Giấu". Đến năm 1973, sâm Ngọc Linh được Dược sĩ Đào Kim Long và đoàn điều tra dược liệu Ban Dân y Quân khu 5 phát hiện ở độ cao 1.800m tại vùng Ngọc Linh tỉnh Kon Tum.
 
Theo kết quả nghiên cứu của nhiều nhà khoa học, Sâm Ngọc Linh là loài đặc hữu hẹp miền Trung Việt Nam, điều kiện sinh trưởng và phát triển tốt là dưới tán rừng tự nhiên có độ che phủ tối thiểu 70% và có độ cao từ 1.200m đến 2.500m.
 
Củ sâm Ngọc Linh Kon Tum
 
Theo kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của Bộ Y tế và các nhà khoa học, phần rễ và thân rễ cây Sâm Ngọc Linh thiên nhiên có 52 hợp chất saponin đã được chiết suất và xác định, trong đó có 26 chất đã được xác định là các saponin có cấu trúc mới lần đầu tiên được công bố. Ngoài ra trong phần lá có 19 hợp chất saponin, trong đó có 8 hợp chất saponin khác với saponin ở bộ phận rễ và thân rễ. Mặt khác, Sâm Ngọc Linh chứa một lượng rất cao saponin dammaran, một điều chưa có tiền lệ trước đây; những phát hiện về tính chống stress và tính chống khối u đã giúp cho Sâm Ngọc Linh trở thành một cây sâm đáng chú ý cho những công trình nghiên cứu tiếp theo nhằm đưa nó vào ứng dụng trong việc điều trị các bệnh chứng phổ biến và hiểm nghèo của nhân loại.
 
Đến giai đoạn 1995 - 1998, sâm Ngọc Linh đã bị khai thác quá mức và dẫn đến nguy cơ cạn kiệt, khan hiếm trong tự nhiên nên không đảm bảo sản lượng để sản xuất các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh.
 
Nhận thức được sự quan trọng của Sâm Ngọc Linh đối với ngành dược liệu và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngay từ những năm 1995 tỉnh Kon Tum đã tổ chức đánh giá về sâm Ngọc Linh và bắt đầu thực hiện công tác bảo tồn cây sâm Ngọc Linh Kon Tum tại huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei thuộc dãy núi Ngọc Linh từ năm 1997.
 
Giai đoạn 2004-2014, tỉnh đã triển khai dự án “Bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh có sự tham gia của cộng đồng”, cho đến nay dự án đã hoàn thành mục tiêu bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh, xây dựng thành công vườn sâm giống với diện tích khoảng 15 ha, dự kiến sản xuất khoảng 20 vạn cây giống/năm để phục vụ phát triển sản xuất.
 
Năm 2013, tỉnh Kon Tum đã phê duyệt Quy hoạch phát triển Sâm Ngọc giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025 với tổng diện tích quy hoạch phát triển Sâm Ngọc Linh 31.742 ha, trong đó vùng lõi trồng Sâm Ngọc Linh có độ cao từ 1.500m trở lên gần 17.000ha, vùng đệm bảo vệ vùng lõi, bảo vệ môi trường, sinh thái và ổn định khí hậu tạo điều kiện thích nghi để phát triển Sâm 14.754 ha (độ cao từ 1.200m - 1.500m).
 
Đến nay, tỉnh Kon Tum đã phát triển được khoảng 500 ha sâm Ngọc Linh (Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh 470 ha, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô 15 ha, Trung tâm ươm tạo và hỗ trợ doanh nghiệp khoa học và công nghệ 05 ha và một số diện tích do người dân trồng). Các doanh nghiệp trồng và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đều áp dụng mô hình liên kết với người dân tại chỗ, đặc biệt là mô hình liên kết với bà con đồng bào dân tộc thiểu số trồng sâm của Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum.
 
Diện tích Sâm Ngọc Linh hiện nay chủ yếu dùng để tiếp tục sản xuất giống phục vụ công tác nhân rộng diện tích theo quy hoạch, một số ít phục vụ cho công tác nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm các sản phẩm.
 
Tỉnh Kon Tum khẳng định Sâm Ngọc Linh Kon Tum hiện chưa được đưa ra thị trường để tiêu thụ, các doanh nghiệp đang trong giai đoạn đầu tư lắp đặt dây chuyền chế biến, để cho ra đời những sản phẩm sâm Ngọc Linh thương mại đầu tiên dạng viên ngậm, tinh sâm, trà sâm, sấy khô…việc tiêu thụ sâm Ngọc Linh dưới dạng sâm củ sẽ không tạo ra được giá trị gia tăng cao cho ngành dược liệu và khó có thể đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế mang thương hiệu quốc gia. 
 
Sâm Ngọc Linh Kon Tum ngâm rượu
 
Kon Tum là tỉnh có tiềm năng và lợi thế về dược liệu mà ít địa phương nào có được. Hy vọng trong giai đoạn tới, với sự quan tâm của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, sự vào cuộc của các nhà đầu tư, doanh nghiệp cộng với sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tin tưởng tỉnh Kon Tum sẽ trở thành vùng dược liệu trọng điểm của quốc gia. Sâm Ngọc Linh nói riêng và dược liệu nói chung sẽ góp phần tăng trưởng kinh tế, đồng thời bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường sinh thái./.
 
Bài, ảnh: Dương Nương