Kon Plông: Mảnh đất tiềm năng phát triển dược liệu
11/09/2018  12:00 9634 Lượt xem
14 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và hộ gia đình trên địa bàn huyện Kon Plông đã mang đến Triển lãm Sâm Ngọc Linh Kon Tum và các dược liệu khác 32 loại dược liệu chế biến, 21 loại dược liệu khô, 12 loại dược liệu tươi đã làm cho gian hàng của địa phương đã trở thành 1 trong những gian hàng đa dạng, phong phú các mặt hàng dược liệu nhất, thu hút nhiều khách ghé tham quan và mua sắm.

 

Gian hàng của huyện Kon Plông 
 
Chị Trương Thị Bích Thuận - Nhân viên Tổ Xúc tiến đầu tư huyện Kon Plông cho biết: Với lợi thế khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương nên tham gia Triển lãm này, huỵên Kon Plông đã mang đến nhiều loại dược liệu khác nhau, đặc biệt là đa dạng các sản phẩm được chế biến từ dược liệu. Một số mặt hàng đặc sản của địa phương phải kể đến là Rượu sim, nước ép sim, sâm dây, chuối rừng, giảo cổ lam, chè dây, đương quy…Những sản phẩm này rất hút khách, khách tới tham quan cũng đông và khách có nhu cầu mua về dùng cũng nhiều. Tại Triển lãm đã có một số cơ sở sản xuất thuốc đông y tìm hiểu và mong muốn mua 1 số sản phẩm dược liệu về bào chế.
 
Ngay từ những năm 2016-2017, Huyện ủy đã chỉ đạo đưa vào trồng thử nghiệm một số loại cây dược liệu như: cây Đương Quy, Đảng Sâm, Lan Kim tuyến, cây Đinh Lăng, cây Cà gai leo, cây Xạ đen, cây Nghệ đỏ, Sa nhân… Kết quả cho thấy một số cây phù hợp điều kiện tự nhiên của địa phương, qua phân tích cho kết quả dược tính cao như: Đương Quy, Đảng Sâm, Nghệ đỏ, Lan Kim tuyến…
 
Năm 2018, huyện tiếp tục chỉ đạo chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng; nâng cao diện tích trồng cây dược liệu theo cơ cấu từng tiểu vùng: Tiểu vùng khí hậu nóng phát triển cây Đinh Lăng, Sa Nhân, Cây Nghệ đỏ; Tiểu vùng khí hậu lạnh phát triển cây Đảng Sâm, Đương Quy, Lan Kim tuyến.  Hiện huyện phát triển trồng mới khoảng 70ha, tập trung các loại cây Đảng Sâm, Đương Quy, Nghệ đỏ, Đinh Lăng, Sa Nhân,... Đồng thời kêu gọi, thu hút các Doanh nghiệp đầu tư trồng một số cây thử nghiệm, hiện nay đang phát triển tốt như: Lan Kim tuyến, Ba kích tím, Hà thủ ô đỏ,…
 
Cùng với phát triển các dược liệu, huyện chú trọng khai thác, bảo tồn các loại dược liệu sẵn có ngoài tự nhiên như: Cây chè dây, Giảo cổ lam, Cốt toái bổ, tiêu rừng, Sơn tra (Táo mèo), Chuối rừng, Ngũ vị tử, các loại nấm… Hiện nay đã thực hiện khoanh vùng, bảo tồn một số loại cây như: Chuối rừng, Sim rừng, Sơn tra; đang triển khai khoanh vùng bảo tồn cây: Chè dây, Cốt toái bổ, ngũ vị tử, Lan kim tuyến,...
 
Rượu sim, nước ép sim, nước chiết sâm dây, nâm lim xanh…được trưng bày tại Triển lãm 
 
Hiện nay, huyện đã thiết kế logo, nhãn hiệu, bao bì và đăng ký chứng nhận sở hữu trí tuệ một số sản phẩm dược liệu trên địa bàn như: Sâm dây Măng Đen, Đương Quy Măng Đen, Chuối rừng Măng Đen, Chè dây Măng Đen, Sơn tra Măng Bút, Trà Sâm dây Măng Đen, Gạo đỏ Măng Bút... và chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng.
 
Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Sài Gòn thành lập Phân viện nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Tây Nguyên tại Măng Đen chuyên nghiên cứu, bảo tồn phát triển và chế biến các loại cây dược liệu.
 
Liên kết với PGS TS Phan Phước Hiền - Viện trưởng viện nghiên cứu và phát triển dược liệu TP. Hồ Chí Minh nghiên cứu chế biến một số sản phẩm từ cây dược liệu như: Quy trình chế biến và mô tả tác dụng của sản phẩm cao Đảng Sâm (dạng đặc, dạng lỏng); kẹo viên Đảng Sâm, keo viên Đảng Sâm- Mật ong rừng Măng Bút; gói hoà tan từ Đảng Sâm; gói hoà tan Đảng Sâm phối vị với Mật ong rừng Măng Búk; bột gạo đỏ Măng Búk - GABA.
 
Bước đầu đã cho sản phẩm, hiện nay đang tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện và chuyển giao quy trình sản xuất. Sau khi hoàn thiện quy trình chế biến, UBND huyện chuyển giao quy trình nghiên cứu, chế biến sản phẩm cho các Tổ hợp tác, Hợp tác xã và Doanh nghiệp có nhu cầu chế biến và đưa sản phẩm cung ứng rộng rãi ra thị trường trong và ngoài tỉnh.Một số Doanh nghiệp cũng đã chế biến một số sản phẩm từ cây dược liệu như rượu, nước ép… và đã có sản phẩm bán ra thị trường.
 
Huyện Kon Plông đã kêu gọi một số Doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn, liên kết một số Doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi và bao tiêu sản phẩm cho người dân.
 
Hiện nay một số sản phẩm đã được liên kết sản xuất và bao tiêu như: Cây Đảng Sâm, Đương Quy, Đinh Lăng, Ba Kích, Sa Nhân,… Các Doanh nghiệp ký kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm dược liệu trồng và dược liệu khai thác ngoài tự nhiên như: Công ty dược liệu Thái Hòa, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp An Bình, Hợp tác xã nông nghiệp Công bằng Măng Đen...
 
Huyện định hướng phát triển đến năm 2020, nhân rộng và phát triển 355 ha 5 nhóm cây dược liệu: Đẳng sâm, Sa Nhân, Sâm Đương quy, Nghệ, Lan Kim tuyến, Đinh Lăng; Bảo tồn và phát triển 615 ha 5 nhóm cây: Sơn tra, Cốt toái bổ, Ngũ vị tử, Chuối rừng, Chè dây
 
Cụ thể, phát triển khoảng 100 ha vùng nuôi trồng dược liệu tập trung đối với một số loài dược liệu có giá trị kinh tế và sức tiêu thụ mạnh trên thị trường (trong đó có ít nhất 50 ha Đảng sâm, Đương quy). Hình thành ít nhất 01 cơ sở sản xuất các loại giống dược liệu (cung ứng giống các loại cây dược liệu thế mạnh của địa phương); Thu hút đầu tư ít nhất 01 cơ sở sản xuất, chế biến dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu địa phương theo chuỗi liên kết phục vụ nhu cầu trong, ngoài tỉnh và định hướng xuất khẩu.
 
Đến năm 2030 nâng tổng diện tích vùng nuôi trồng dược liệu đạt khoảng 2.460 ha (trong đó tập trung phát triển các loại dược liệu chính như: Đảng sâm, Ngũ vị tử, Sa nhân tím, Kim cương, Đương quy, Nấm dược liệu và các loại dược liệu khác). Hình thành ít nhất 03 cơ sở sản xuất giống dược liệu trên địa bàn huyện; trong đó có 01 cơ sở nghiên cứu, bảo tồn, nhân giống gen các loại cây dược liệu tự nhiên. Khai thác và bảo tồn, phát triển 250 ha các loại cây dược liệu. Bảo tồn, chăm sóc diện tích các loại cây chuối rừng, cây Sim với diện tích 500 ha.
 
Bài, ảnh: Dương Nương