Thứ 5, Ngày 28/03/2024 -

Văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 4-2019
Ngày đăng: 17/05/2019  08:05
Mặc định Cỡ chữ
Trong tháng 4 năm 2019, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 08 văn bản quy phạm pháp luật (gồm 06 Nghị định của Chính phủ và 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ), cụ thể:

 

1. Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo.

 

Nghị định gồm 04 chương, 25 điều, quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo, cụ thể: (1) Thời hạn giải quyết tố cáo; rút tố cáo; người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp giải quyết vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền của cơ quan, tổ chức cấp dưới trong trường hợp quá thời hạn quy định mà chưa được giải quyết; công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo; (2) Bảo vệ người tố cáo; (3) Trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo; (4) Xử lý thông tin có nội dung tố cáo và tố cáo do cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển đến; (5) Xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm...

 

Nghị định này áp dụng đối với cá nhân tố cáo; cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi bị tố cáo; cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong việc giải quyết tố cáo, bảo vệ người tố cáo.

 

Ban hành kèm theo Nghị định này Phụ lục các biểu mẫu, cụ thể: Quyết định gia hạn giải quyết tố cáo; Đơn rút tố cáo; Biên bản ghi nhận việc rút tố cáo; Quyết định thụ lý tố cáo; Thông báo việc thụ lý tố cáo; Thông báo về nội dung tố cáo; Quyết định thành lập Đoàn (Tổ) xác minh nội dung tố cáo; Biên bản; Trưng cầu giám định; Báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo của Đoàn (Tổ) xác minh; Báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo của cơ quan được giao xác minh nội dung tố cáo; Kết luận nội dung tố cáo.

 

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 28 tháng 5 năm 2019. Nghị định số 76/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tố cáo hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

 

2. Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.

 

Nghị định gồm 05 chương, 30 điều, quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên, cụ thể: (1) Quy định chung về: Nguồn kinh phí thực hiện cung ứng sản phẩm, dịch vụ công; Danh mục sản phẩm, dịch vụ công; Phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công; Thẩm quyền quyết định phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công; Phương pháp và thẩm quyền quyết định giá, đơn giá, mức trợ giá sản phẩm, dịch vụ công; (2) Giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước; (3) Đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước; (4) Đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước; (5) Đặt hàng sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích; (6) Đấu thầu sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích; (7) Quản lý ngân sách nhà nước về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công... Ban hành kèm theo Nghị định này 02 Phụ lục, cụ thể: Dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu; Danh mục sản phẩm, dịch vụ công ích thực hiện đặt hàng hoặc đấu thầu.

 

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 6 năm 2019 và áp dụng từ năm ngân sách 2019. Nghị định này thay thế Nghị định số 130/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích và Quyết định số 39/2008/QĐ-TTg ngày 14/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước.

 

3. Nghị định số 33/2019/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

 

Nghị định gồm 03 chương, 30 điều, quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do nhà nước đầu tư quản lý, cụ thể: Nguyên tắc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Hồ sơ quản lý, kế toán tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Xử lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Chế độ báo cáo và cơ sở dữ liệu về tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ...

 

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước về giao thông đường bộ; Cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp được giao sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Các đối tượng khác liên quan đến việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

 

Ban hành kèm theo Nghị định này Phụ lục các biểu mẫu, cụ thể: Biên bản bàn giao, tiếp nhận tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Báo cáo kê khai tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Báo cáo tình hình quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Báo cáo tình hình xử lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Báo cáo tình hình khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Danh mục tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đề nghị xử lý; Đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

 

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 17 tháng 6 năm 2019; bãi bỏ Nghị định số 10/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

 

4. Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.

 

Nghị định gồm 04 điều, sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, cụ thể:

 

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ về công chức xã, phường, thị trấn, cụ thể: Tiêu chuẩn cụ thể; Ưu tiên trong tuyển dụng; Hội đồng tuyển dụng; Nội dung, hình thức và thời gian thi tuyển; Xác định người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển; Nội dung và hình thức xét tuyển; Xác định người trúng tuyển trong kỳ xét tuyển công chức; Thông báo tuyển dụng và tiếp nhận Phiếu đăng ký dự tuyển; Tổ chức tuyển dụng; Thông báo kết quả tuyển dụng; Thời hạn ra quyết định tuyển dụng và nhận việc; Trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng.

 

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, cụ thể: Số lượng cán bộ, công chức cấp xã; Xếp lương; Phụ cấp kiêm nhiệm chức danh; Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được bố trí theo Quyết định phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn; Phụ cấp và khoán kinh phí đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; Chế độ đào tạo, bồi dưỡng và bảo hiểm xã hội đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; Điều khoản chuyển tiếp; Nguồn kinh phí để thực hiện chế độ, chính sách.

 

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25 tháng 6 năm 2019; bãi bỏ Điều 9, khoản 3 Điều 19 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ; bãi bỏ Nghị định số 29/2013/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

 

5. Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp.

 

Nghị định gồm 04 chương, 38 điều, quy định về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp, cụ thể: Mức phạt tiền; Hành vi vi phạm quy định về quản lý rừng, sử dụng rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản; Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Kiểm lâm, Chủ tịch UBND các cấp, thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực Lâm nghiệp, Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Quản lý thị trường, Hải quan.

 

Quy định chung về hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả; Đơn vị tính để xác định thiệt hại do hành vi vi phạm hành chính gây ra; Áp dụng xử phạt vi phạm hành chính; Vi phạm quy định về quản lý rừng, sử dụng rừng; Vi phạm quy định về phát triển rừng, bảo vệ rừng; Vi phạm quy định về quản lý lâm sản; Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

 

Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam; người có thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này.

 

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/6/2019. Nghị định này thay thế Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản và Điều 3 Nghị định số 41/2017/NĐ-CP ngày 05/4/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản; lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi; quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Đối với các hành vi vi phạm quy định về kinh doanh giống cây lâm nghiệp chính đồng thời được quy định tại Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 06/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật thì xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này.

 

6. Nghị định số 36/2019/NĐ-CP ngày 29 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thể dục, thể thao.

 

Nghị định gồm 05 chương, 26 điều, quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thể dục, thể thao, cụ thể: Chế độ, chính sách đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao; Điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao của câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp; Điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao của doanh nghiệp; Cấp, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao của doanh nghiệp; Điều khoản thi hành.

 

Ban hành kèm theo Nghị định này Phụ lục các biểu mẫu, gồm: Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao; Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao; Bản tóm tắt tình hình chuẩn bị các điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao; Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao.

 

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 14 tháng 6 năm 2019. Các văn bản quy phạm pháp luật sau đây hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực: (1) Điều 11 của Nghị định số 112/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thể dục, thể thao; (2) Nghị định số 106/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao; (3) Điều 4 của Nghị định số 142/2018/NĐ-CP ngày 09/10/2018 của Chính phủ sửa đổi một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; (4) Quyết định số 67/2008/QĐ-TTg ngày 26/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao; (5) Quyết định số 82/2013/QĐ-TTg ngày 31/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách đặc thù đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao xuất sắc.

 

7. Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg ngày 08 tháng 4 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số gói thầu, nội dung mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu.

 

Quyết định gồm 05 điều, quy định về một số gói thầu, nội dung mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu, cụ thể: Danh mục các gói thầu, nội dung mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt; Quy trình lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt.

 

Quyết định này áp dụng đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức khoa học và công nghệ công lập khi sử dụng vốn nhà nước để mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ nhằm duy trì hoạt động thường xuyên.

 

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 22 tháng 5 năm 2019.

 

8. Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.

 

Quyết định gồm 05 chương, 17 điều, quy định tiêu chí, hồ sơ, trình tự, thủ tục nhập khẩu và hoạt động giám định đối với máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng có mã hàng hóa (mã số HS) thuộc Chương 84 và Chương 85 quy định tại Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam, được nhập khẩu nhằm sử dụng cho hoạt động sản xuất tại Việt Nam mà không thuộc các danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định, các bộ, cơ quan ngang bộ công bố chi tiết theo quy định của Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương, cụ thể: Nguyên tắc quản lý việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng; Tiêu chí nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng; Hồ sơ, trình tự thủ tục nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng; Hoạt động giám định máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.

 

Ban hành kèm theo Quyết định này 02 Phụ lục, cụ thể: Quy định về tuổi thiết bị đối với máy móc, thiết bị thuộc một số lĩnh vực cụ thể; Văn bản đề nghị cho phép nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng.

 

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 6 năm 2019. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được viện dẫn tại Quyết định này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo các văn bản mới. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phản ánh về Bộ Khoa học và Công nghệ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.

 

Thái Ninh

  • Diện tích tỉnh Kon Tum

    9.690,5 km2
  • Dân số tỉnh Kon Tum (2022)

    579.914 người
  • GRDP tỉnh Kon Tum (2022)

    30.848,84 tỷ VNĐ
  • Xếp hạng PCI (2022)

    37 /63
Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Kon Tum lần thứ IX năm 2024
Theo bạn nội dung cung cấp trên cổng thông tin điện tử như thế nào?