Cách đây không lâu, khoảng hơn 10 năm về trước, việc thông tin liên lạc chủ yếu bằng đường thư, hoặc điện thoại cố định, điện thoại thẻ nên việc thông tin liên lạc chậm. Còn việc sử dụng điện thoại di động thì chỉ là thứ “sa sỉ”, là niềm mơ ước không chỉ của người dân mà ngay cả đội ngũ cán bộ công chức. Thời ấy, việc sử dụng điện thoại di động rất ít, thường chỉ có cán bộ lãnh đạo (phục vụ cho việc chỉ đạo điều hành) hay những “đại gia” nhà giàu mới “dám” sắm điện thoại di động. Một phần nguyên nhân vì thời ấy, các mạng điện thoại di động chưa phát triển, chủ yếu dùng điện thoại cố định chủ yếu là của mạng Vinaphone. Mạng ít, mức phí cũng như giá cả cao, đời sống còn nghèo nên người dân cũng như cán bộ công chức bình thường đã gần như không đủ điều kiện để sắm điện thoại di động. Còn việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lao động sản xuất, làm việc thì càng hiếm.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, sự bùng nổ thông tin ngày càng mạnh, sự phát triển đa dạng các hãng dịch vụ viễn thông, internet như Vinaphone, Mobiphone, Viettel, Gphone, Sphone, VietnaMobile, Telecom… tạo sự cạnh tranh quyết liệt giữa các dịch vụ, các nhà mạng. Chính vì sự cạnh tranh quyết liệt đó nên giá cả điện thoại di động giảm mạnh, cước phí dịch vụ cũng giảm theo, đồng thời kèm theo đó là sự đua tranh phát triển và giữ khách hàng với liên tục hoạt động khuyến mãi. Vì vậy, người hưởng lợi chính là người dân. Trước đây, việc thấy người dân sở hữu một chiếc điện thoại khá hiếm nhưng hiện nay thì chiếc điện thoại di động là thứ vận dụng không thể thiểu của mỗi người. Ngay đến như một người dân nghèo, bán vé số cũng sử dụng điện thoại di động. Còn nhiều người khác thì không chỉ sử dụng một máy thậm chí còn sử dụng 2 đến 3 máy điện thoại di động của các mạng khác nhau. Nhu cầu về thông tin liên lạc hiện nay đối với người dân là không thể thiếu cũng giống như việc hàng ngày phải ăn. Các mạng di động giờ không phủ sóng ở những nơi thuận lợi, ở đô thị mà còn phủ sóng hầu hết đến các xã vùng sâu, vùng xa thuận lợi cho việc thông tin liên lạc. Các mạng truyền dẫn số hoá, băng thông rộng ngày càng phát triển. Ở tỉnh ta, mặc dù còn là một tỉnh nghèo nhưng các mạng viễn thông phát triển với đủ các mạng như các tỉnh thành khác trong cả nước. Minh chứng là theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông thì hiện tại thuê bao cố định (vô tuyến, hữu tuyến) có khoảng 23.910, đạt mật độ 5,1 thuê bao/100 dân. Tổng thuê bao di động ở các mạng có khoảng 380.000 thuê bao (trong đó thuê bao trả sau là 16.948, thuê bao trả trước là 363.537). Thuê bao Internet (xDSL, FTTH) toàn tỉnh hiện có khoảng trên 15.000 thuê bao, đạt mật độ 3,2 thuê bao/100 dân và gần 8.400 thuê bao internet 3G.
 |
Ứng dụng công nghệ thông thông tin trong giao ban trực tuyến |
Không chỉ hệ thống thông tin phát triển mà hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong làm việc cũng đã và đang phát triển mạnh mẽ trong các cơ quan nhà nước và nhân dân như hệ thống phần mềm, mạng LAN, thư điện tử, internet, giao ban trực tuyến, cổng thông tin điện tử, phần mềm văn phòng điện tử, cung cấp dịch vụ công điện tử…từng bước đáp ứng nhu cầu của nhân dân cũng như trong điều hành, làm việc của đội ngũ cán bộ công chức.
 |
Các nhà mạng viễn thông thường xuyên tổ chức các dịch vụ
chăm sóc, khuyến mãi nhằm thu hút khách hàng.
|
Việc ứng dụng công nghệ thông tin ở tỉnh ta được tỉnh quan tâm chỉ đạo, đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật về CNTT. Đến nay, hạ tầng kỹ thuật tại các sở ban ngành, UBND các huyện, thành phố có 27/29 đơn vị có hệ thống mạng nội bộ (LAN),đạt 93% (phấn đấu đến 2015 đạt 100%) đơn vị có mạng LAN, trung bình mỗi đơn vị có 1-2 máy chủ (Server) với tất cả hệ thống mạng nội bộ đều kết nối Internet với băng thông rộng. Hầu hết các sở ban ngành, UBND các huyện, thành phố đã được kéo đường truyền cáp quang mạng chuyên dụng. Hệ thống giao ban điện tử đa phương tiện của tỉnh trang bị cho 13 điểm cầu đã đưa vào hoạt động vào cuối năm 2011. Đến nay, hệ thống giao ban đã phục vụ có hiệu quả khoảng 60 cuộc họp giao ban giữa tỉnh và các huyện với các điểm cầu truyền hình, phục vụ kịp thời việc chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh đến các huyện, thành phố. Hiện tại, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các đơn vị xây dựng 20/20 sở ban ngành có trang thông tin điện tử; 6/9 huyện, thành phố có trang thông tin điện tử; 3 huyện đang xây dựng và sẽ đưa vào hoạt động vào năm 2013. Đến nay đã cung cấp 137 hộp thư công vụ cho các sở ban ngành, UBND các huyện thành phố và các đơn vị trực thuộc UBND các huyện, thành phố và 1.700 hộp thư cá nhân cán bộ, công chức, đạt tỷ lệ khoảng 70% trên tổng số cán bộ, công chức toàn tỉnh. Tỷ lệ vị sử dụng hộp thư điện tử công vụ để gửi văn bản khoảng 30%....
Đánh giá về sự phát triển hệ thống thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Văn Hiệp - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông nhận xét: Phải khẳng định rằng, mặc dù là tỉnh nghèo nhưng những năm qua hệ thống thông tin liên lạc trên địa bàn tỉnh ta có sự phát triển mạnh mẽ. Trong nước có các mạng viễn thông nào thì tỉnh ta cũng có mạng đó, đáp ứng được nhu cầu cuộc sống của nhân dân và cán bộ công chức. Còn về ứng dụng công nghệ thông tin, thì được sự quan tâm của tỉnh, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước cơ bản triển khai có hiệu quả vào hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khai thác các thông tin chỉ đạo điều hành, các quy định về thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, cũng theo ông Hiệp, do đặc điểm của tỉnh nghèo, dân cư phân bố rải rác, dân trí còn thấp, hiện trạng hạ tầng kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin ở mức độ thấp trong cả nước ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trên toàn tỉnh. Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn toàn tỉnh hiện cũng chỉ ở mức độ trung bình. Dịch vụ công cũng mới chỉ cung cấp ở mức độ 2 (tải về)…
“Để việc ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính phủ điện tử vào công việc một cách hiệu quả, ngoài sự quan tâm đầu tư, chỉ đạo của tỉnh, thì điều rất quan trọng chính là sự quan tâm của người đứng đầu các cơ quan để chúng ta từng bước ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp dịch vụ công ở mức độ 3 (nộp hồ sơ, thủ tục qua mạng), đáp ứng với nhu cầu ngày càng cao của nhân dân, doanh nghiệp và sự tiện ích của phát triển, bùng nổ công nghệ thông tin ngày càng mạnh hiện nay”- ông Hiệp cho biết thêm.
Bài, ảnh: Văn Phương