Thứ 5, Ngày 15/05/2025 -

Vì sao vẫn còn khó khăn trong công tác thu gom, vận chuyển bưu gửi, báo chí công ích?
Ngày đăng: 29/10/2013  03:58
Mặc định Cỡ chữ
Trong thời gian vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành các cuộc kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ bưu chính trên phạm vi toàn quốc. Kết quả cho thấy thời gian thu gom, vận chuyển bưu gửi, báo chí công ích của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) trên nhiều địa phương chưa đảm bảo đúng quy định. Nguyên nhân một phần là do xe ô tô chuyên ngành bưu chính của VNPost bị cấm hoặc hạn chế không được hoạt động, dừng đỗ trên các tuyến nội thành, nội thị.

 

Ảnh minh họa
Trên thực tế, các địa phương trên địa bàn toàn quốc đã có các quy định phân luồng giao thông ưu tiên cho phép xe ô tô bưu chính được đi, đến, đỗ trong đô thị để cung ứng dịch vụ bưu chính công ích theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc cấp giấy phép cho xe bưu chính được hoạt động, dừng, đỗ trên các tuyến phố nội thành, nội thị còn bị hạn chế nhiều về thời gian, số lượng, tải trọng xe (chỉ cho phép xe có tải trọng nhẹ) và tuyến đường lưu thông. Vì vậy, quá trình thu gom, vận chuyển bưu gửi và báo chí công ích gặp nhiều khó khăn như xe thư tải trọng lớn hơn mức cho phép phải nằm chờ hết giờ cấm mới về được điểm phục vụ, đặc biệt khi lưu lượng lớn phải tổ chức nhiều chuyến xe làm kéo dài thời gian, tốn kém chi phí…
 
Chính vì vậy mà ở mỗi địa phương có một quy định riêng trong công tác quản lý giao thông đường bộ tại tỉnh sao cho phù hợp với tình hình địa phương mình.
 
Tại tỉnh Kon Tum, tình hình giao thông đường bộ không phức tạp như một số tỉnh thành khác, lưu lượng xe lưu hành trong khu vực đô thị không nhiều, hiện tượng ùn tắc giao thông không có. Nhưng để chấp hành tốt các quy định trong hoạt động vận tải đường bộ của địa phương mà vẫn thực hiện tốt việc cung ứng các dịch vụ bưu chính công ích và các nhiệm vụ công ích khác mà Nhà nước giao thì vẫn còn một vài khó khăn cho xe Bưu chính khi lưu thông, dừng, đỗ trên địa bàn tỉnh. Hiện nay có 24 xe ô tô bưu chính chuyên ngành của Bưu điện thành phố Đà Nẵng thực hiện giao – nhận túi, gói thư, báo tại Bưu điện tỉnh Kon Tum có trọng tải từ 3,5 tấn đến 08 tấn. Trong khi đó, theo quy định thì những xe có trọng tải lớn không được phép lưu thông trong thành phố. Ngoài ra, dọc tuyến đường Hồ Chí Minh (QL14) xe Bưu chính đi qua để thực hiện giao- nhận chuyến thư tại các Bưu điện huyện Đắk Glei, Ngọc Hồi, Đắk Tô và Đắk Hà cũng cần được phép dừng đỗ bên lề đường trước các Bưu điện huyện để giao nhận nhằm đảm bảo hành trình chuyến thư được nhanh chóng và đúng thời gian quy định. Bên cạnh đó, còn có các tuyến đường xe ô tô chuyên ngành bưu chính vận chuyển công văn hỏa tốc, công văn hệ I, báo chí công ích…để phát và thu gom từ các thùng thư, bưu cục khu vực về trung tâm Bưu điện tỉnh.
 
Luật giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008 đã quy định “Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh công bố về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ do địa phương quản lý; Hệ thống đường tỉnh, đường đô thị do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định sau khi thỏa thuận với Bộ Giao thông vận tải (đối với đường tỉnh) và thỏa thuận với Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng (đối với đường đô thị); Hệ thống đường huyện, đường xã do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định sau khi được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đồng ý”.
 
Về vấn đề này, UBND tỉnh Kon Tum cũng đã có chỉ đạo tại văn bản số 1869/UBND-KTN ngày 29/8/2013 yêu cầu “UBND các huyện, thành phố Kon Tum tạo điều kiện, ưu tiên cấp phép khi có đề nghị của Sở Thông tin và Truyền thông theo đúng quy định hiện hành”. Hiện UBND các huyện, thành phố cũng đã có những phương án riêng để giải quyết, nhưng một khó khăn đặt ra là hiện chưa có văn bản nào quy định đơn vị được cấp phép và hướng dẫn thủ tục cấp phép. Vì vậy, một số đơn vị đang lúng túng chưa biết nên giải quyết thế nào cho thỏa đáng. Tuy nhiên, căn cứ Quyết định số 39/2010/QĐ-UBND ngày 09/11/2010 của UBND tỉnh Kon Tum Ban hành Quy định về hoạt động vận tải đường bộ trong đô thị và tỷ lệ phương tiện vận tải hành khách đáp ứng nhu cầu đi lại của người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Kon Tum, trong đó quy định trách nhiệm của “UBND các huyện, thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông – Vận tải tổ chức khảo sát, xác định vị trí cho phép dừng, đỗ xe trong khu vực đô thị cho tất cả các loại xe và tham mưu cho UBND tỉnh quy hoạch các vị trí làm bãi đậu đỗ xe công cộng tại địa phương; lắp đặt biển báo hiệu giao thông đường bộ cho phù hợp với quy định này đối với các tuyến đường thuộc thẩm quyền quản lý” thì UBND các huyện, thành phố không cần “cấp phép” mà linh hoạt ban hành văn bản “cho phép” các xe bưu chính hoạt động theo quy định, đồng thời lắp đặt biển báo hiệu giao thông đường bộ ưu tiên cho loại xe này được lưu thông, dừng, đỗ để thuận lợi cho công việc mà không trái với quy định của Luật giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008.
 
Như vậy, trong thời gian tới hoạt động của mạng bưu chính công cộng do Nhà nước đầu tư  sẽ phát huy hơn nữa hiệu quả, đảm bảo chất lượng các dịch vụ bưu chính công ích nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội và sự chỉ đạo điều hành của các cơ quan Đảng, Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp.
 
Minh Nguyệt
  • Diện tích tỉnh Kon Tum

    9.690,5 km2
  • Dân số tỉnh Kon Tum (2023)

    591.266 người
  • GRDP tỉnh Kon Tum (2023)

    34.539,87 tỷ VNĐ
Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng tỉnh Kon Tum
Theo bạn nội dung cung cấp trên cổng thông tin điện tử như thế nào?