Thứ 7, Ngày 27/04/2024 -

Những điểm đáng chú ý trong Nghị định 159/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí
Ngày đăng: 27/05/2014  09:04
Mặc định Cỡ chữ
Nghị định 159/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 12/11/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong hoạt động báo chí, xuất bản (sau đây gọi tắt là Nghị định 159), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014, thay thế Nghị định số 02/2011/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị định 02).

 

Nghị định 159 có 4 Chương, 38 Điều.
Chương I Những quy định chung có 4 điều.
Chương II Hành vi vi phạm trong hoạt động báo chí,xuất bản, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả (có 3 Mục, 26 Điều)
Mục 1 Vi phạm trong hoạt động báo chí, có 13 Điều (từ Điều 5 đến Điều 17).
Mục 2 Vi phạm trong hoạt động xuất bản,có 12 Điều (từ Điều 18 đến Điều 29).
Mục 3 Vi phạm hành chính về chế độ báo cáo, có 1 Điều (Điều 30)
Chương III Thẩm quyền lập biên bản VPHC và xử phạt VPHC,có 6 Điều (từ Điều 31 dến Điều 35).
Chương IV Điều khoản thi hành, có 3 Điều (từ Điều 36 đến Điều 38).
 
Những nội dung mới về xử phạt VPHC trong hoạt động báo chí trong Nghị định 159.
 
Về khung phạt
 
Khung phạt tiền tăng hơn so với Nghị định 02 để phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, bảo đảm tính chất răn đe đối với hành vi cố tình vi phạm của cá nhân, tổ chức.
 
Nghị định 02 quy định mức phạt chung đối với một hành vi vi phạm của tổ chức và cá nhân. Tuy nhiên, theo quy định của Luật xử lý VPHC thì mức phạt tiền cùng một hành vi vi phạm đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt đối với cá nhân. Do đó mức phạt quy định tại Chương 2 Nghị định 159 là áp dụng đối với cá nhân vi phạm. Đối với tổ chức vi phạm, mức phạt bằng 2 lần mức phạt quy định tại Chương 2 Nghị định 159.
 
Điểm mới ở Chương I Những quy định chung:
 
Điều 1 đã bỏ quy định hành vi vi phạm về Quảng cáo. Các vi phạm về quảng cáo trong hoạt động báo chí, xuất bản, thanh tra Thông tin và truyền thông thực hiện theo quy định tại Nghị định 158/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.
 
Những quy định mới về hành vi vi phạm (Chương II)
 
Vi phạm quy định về giấy phép (Điều 5): Bổ sung vào khoản 1 hành vi “Hoạt động thông tin báo chí khi giấy phép đã hết hạn sử dụng”; Bỏ hành vi “Ra phụ trương, phụ bản chuyên quảng cáo mà không có giấy phép”; Bổ sung vào khoản 3 hành vi “Thêm chuyên trang đối với báo điện tử không có giấy phép” và “Thực hiện không đúng tôn chỉ,mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí”; Chỉnh sửa các hành vi quy định về hoạt động thông tin báo chí nước ngoài phù hợp với quan điểm của Bộ ngoại giao; Tăng mức tiền phạt đến mức cao nhất và bổ sung vào khoản 5 hành vi “Sử dụng giấy phép giả để hoạt động báo chí
 
Vi phạm quy định về hoạt động nghề nghiệp, xử dụng Thẻ nhà báo (Điều 6): Bỏ hình thức xử phạt cảnh cáo và bổ sung vào khoản 1 quy định về sử dụng Thẻ nhà báo đã hết hạn sử dụng vào hoạt động báo chí; Nâng mức phạt tiền và bổ sung đối tượng phóng viên vào quy định tại khoản 2, khoản 3; Quy định rõ việc tước quyền sử dụng Thẻ nhà báo đối với biện pháp khắc phục hậu quả.
 
Hành vi cản trở trái pháp hoạt động báo chí (Điều 7):
 
Không chỉ ban hành các quy định xử phạt hành chính để đảm bảo các cơ quan báo chí, nhà báo thực hiện đúng pháp luật, Chính phủ còn quy định các biện pháp xử phạt để tạo điều kiện cho báo chí phát triển. Nghị định 159 có một số quy định nhằm đảm bảo quyền tự do báo chí như: “Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của Nhà báo, phóng viên”(khoản 1 Điều 7); đảm bảo quyền của Nhà báo, phóng viên như “Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp”, hay phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi uy hiếp tính mạng nhà báo, phóng viên; hủy hoại, có ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên; thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên (khoản 2 Điều 7). Nghị định còn quy định buộc xin lỗi đối với hành vi quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 7 và buộc trả lại phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí đối với việc thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên.
 
Để đảm báo việc cung cấp thông tin cho báo chí, Nghị định 159 quy định “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 đến 500 ngàn đồng đối với hành vi cản trở tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin cho báo chí hoặc không thực hiện việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định”. Các quy định này đảm bảo các quyền của nhà báo, phóng viên - đối tượng không được nhắc đến trong các quy định của pháp luật trước đây.
 
Vi phạm quy định về nội dung thông tin (Điều 8):Giảm mức tiền phạt đối với quy định tại khoản 1; Quy định 3 mức độ của hành vi thông tin sai sự thật: Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với hành vi đăng, phát thông tin sai sự thật nhưng chưa gây ảnh hưởng nghiêm trọng; Phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với hành vi đăng, phát thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng; Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với hành vi đăng, phát thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Đây là mức phạt đối với cá nhân, đối với tổ chức, mức phạt bằng 2 lần mức phạt với cá nhân.
 
Vậy hiểu thế nào là “chưa gây ảnh hưởng nghiêm trọng”, “gây ảnh hưởng nghiêm trọng”, “gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng”?
 
Hoạt động báo chí thuộc lĩnh vực văn hóa tư tưởng, khó có thể định lượng một cách chính xác. Các Nghị định trước đậy, Chính phủ cũng đã quy định ở 2 mức độ: Thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng xấu hoặc thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Nghị định 159 đã cố gắng đưa ra quy định sát thực tế nhất, phân định các cấp độ của hành vi vi phạm chi tiết hơn,giúp cho việc đánh giá, xử lý được chính xác, khách quan nhất. Hơn nữa,việc đánh giá hậu quả của hành vi thông tin sai sự thật như “chưa gây ảnh hưởng nghiêm trọng”, “gây ảnh hưởng nghiêm trọng”, “gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng” còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình hình kinh tế - xã hội ở thời điểm thông tin; mức độ, phạm vi ảnh hưởng của tờ báo...
 
Trong thời gian gần đây, một số Nghị định xử phạt VPHC trong các lĩnh vực như thống kê, giáo dục, khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ, năng lượng nguyên tử, lao động, kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số, dạy nghề, y tế, hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...có quy định xử phạt VPHC đối với hành vi làm sai lệch nội dung Bản tin dự báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ do cơ quan có thẩm quyền cung cấp (Nghị định 173/2013/NĐ-CP); Bịa đặt, loan tin, đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường (Nghị định 109/2013/NĐ-CP); Phổ biến thông tin thống kê sai sự thật; làm sai lệch các thông tin thống kê đã được cơ quan có thẩm quyền công bố để phổ biến, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các ấn phẩm (Nghị định 79/2013/NĐ-CP); Thông tin sai sự thật về kỳ thi (Nghị định 138/2013/NĐ-CP); Đưa tin sai về số liệu, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm so với số liệu, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế đã công bố (Nghị định 176/2013/NĐ-CP); Đưa tin không đúng sự thật về sự cố hạt nhân (Nghị định 107/2013/NĐ-CP); Thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn về vị trí việc làm (Nghị định 95/2013/NĐ-CP)...với mức phạt rất khác nhau, thấp nhất là 3 đến 5 triệu đồng, cao nhất là 50 đến 100 triệu đồng, trong đó có đối tượng bị xử phạt là cơ quan báo chí. Về bản chất, các hành vi vi phạm nêu trên là hành vi thông tin sai sự thật đã được quy định cụ thể trong Nghị định 159/2013/NĐ-CP.
 
Chính vì vậy, việc quy định xử phạt VPHC về cùng một hành vi thông tin sai sự thật trong nhiều nghị định khác nhau với các mức phạt khác nhau đã gây nên sự chồng chéo giữa các bộ, ngành, khó triển khai trong thực tiễn, không phù hợp với quy định của pháp luật về báo chí và phá vỡ tính thống nhất về quản lý nhà nước đối với báo chí. Mặt khác, việc quy định thẩm quyền xử phạt VPHC đối với cơ quan báo chí cho nhiều lực lượng khác nhau có thể làm mất đi tính khách quan, hạn chế chức năng phản biện, thủ tiêu đấu tranh chống tiêu cực của báo chí.
 
Để đảm bảo tính minh bạch, thống nhất trong quá trình thực hiện pháp luật, ngày 28/02/2014, Bộ Tư pháp đã có công văn số 579/BTP/PLHSHC kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề nêu trên. Cụ thể, đối với các Nghị định xử phạt trong các lĩnh vực QLNN khác có quy định hành vi cung cấp, đưa tin, công bố thông tin sai sự thật, đề nghị sửa đổi, bổ sung các điều khoản trong các Nghị định để làm rõ phạt cá nhân, tổ chức vi phạm nhưng không bao gồm cơ quan báo chí và phóng viên. Đối với hành vi đăng, phát thông tin sai sự thật do cơ quan báo chí thực hiện, hành vi cung cấp thông tin sai sự thật do phóng viên thực hiện sẽ áp dụng xử phạt VPHC thống nhất theo Nghị định 159. Bộ Tư pháp cũng đề nghị Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng một Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Điều của các Nghị định 79, Nghị định 107, Nghị định 109, Nghị định 138, Nghị định 173, Nghị định 176 (đều ban hành năm 2013) theo thủ tục rút gọn để làm rõ việc xử phạt hành vi cung cấp, đưa tin, công bố thông tin sai sự thật theo các Nghị định này là phạt cá nhân, tổ chức vi phạm, không bao gồm cơ quan báo chí, phóng viên.
 
Chỉnh sửa thêm từ ngữ “đăng, phát” để thể hiện rõ chủ thể của hành vi.
 
Chỉnh sửa hành vi “Miêu tả tỷ mỷ hành động dâm ô, chém, giết, tai nạn rùng rợn”.
 
Chỉnh sửa không viện dẫn Điều 6 và Điều 10 Luật báo chí mà thể hiện quy định hành vi “Đăng, phát thông tin gây phương hại đến lợi ích quốc gia hoặc gây mất đoàn kết dân tộc”.
 
Bổ sung hành vi “Sử dụng bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia” vào khoản 3 và hành vi “Đăng, phát thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, uy tín của tổ chức, danh dự, uy tín, nhân phẩm của cá nhân” vào khoản 4.
 
Quy định cụ thể thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép đối với hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng giấy phép từ 1 đến 3 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều này.
 
Vi phạm quy định về cung cấp thông tin cho báo chí và sử dụng thông tin của cơ quan báo chí (Điều 9): Giảm mức tiền phạt đối với khoản 1; Chỉnh sửa hành vi “Không thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định”; Bổ sung vào khoản 2 hành vi “Cung cấp thông tin không trung thực, sai sự thật cho báo chí”.
 
Vi phạm quy định về cải chính trên báo chí (Điều 10): Giảm mức tiền phạt quy định tại khoản 1; Chuyền hành vi “Thực hiện không đúng quy định về đăng, phát lời phát biểu của tổ chức, cá nhân có liên quan đến báo chí” sang Điều 9.
 
Vi phạm quy định về họp báo (Điều 11): Giảm mức tiền phạt quy định tại khoản 1; Nâng mức tiền phạt đến mức cao nhất và chỉnh sửa không viện dẫn Điều 10 Luật báo chí đối với khoản 4.
 
Vi phạm quy định về trình bày sản phẩm báo chí (Điều 12) Giảm mức tiền phạt quy định tại khoản 1; Bổ sung hành vi “Thay đổi giao diện trang chủ đối với báo điện tử khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép”.
 
Vi phạm quy định về phát hành sản phẩm báo chí (Điều 13): Giảm mức tiền phạt quy định tại khoản 1; Bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thu hồi, tiêu hủy và Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp.
 
Vi phạm quy định về lưu chiểu sản phẩm báo chí (Điều 14):Giảm mức tiền phạt đối với khoản 1; Bỏ biện pháp khắc phục hậu quả.
 
Vi phạm quy định về xuất, nhập khảu báo chí (Điều 15):
 
Bỏ quy định về xuất khẩu, nhập khẩu phương tiện hoạt động báo chí; Nâng mức tiền phạt đến cao nhất và chỉnh sửa hành vi không viện dẫn Điều 10 Luật báo chí đối với hành vi quy định tại khoản 2; Bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tái xuất hoặc thu hồi hoặc tiêu hủy và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp; Bỏ hình thức xử phạt bổ sung./.
 
 T.B
  • Diện tích tỉnh Kon Tum

    9.690,5 km2
  • Dân số tỉnh Kon Tum (2022)

    579.914 người
  • GRDP tỉnh Kon Tum (2022)

    30.848,84 tỷ VNĐ
  • Xếp hạng PCI (2022)

    37 /63
Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Kon Tum lần thứ IX năm 2024
Theo bạn nội dung cung cấp trên cổng thông tin điện tử như thế nào?