Thứ 5, Ngày 29/05/2025 -

Những hạn chế và phương hướng trong thực hiện các chế độ phụ cấp lương hiện hành đối với cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh
Ngày đăng: 25/09/2014  02:51
Mặc định Cỡ chữ
Trong thời gian qua, tỉnh Kon Tum đã tổ chức triển khai thực hiện chế độ phụ cấp lương theo đúng quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang và các văn bản hướng dẫn của Trung ương. Các đơn vị, địa phương thường xuyên tổ chức tuyên truyền, rà soát và thực hiện các chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức đúng quy định.

 

Ảnh minh họa

Các loại chế độ phụ cấp đang được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh gồm có: Phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp kiêm nhiệm chức vụ lãnh đạo; Phụ cấp khu vực; Phụ cấp thâm niên vượt khung; Phụ cấp công vụ; Phụ cấp thu hút; Phụ cấp độc hại, nguy hiểm; Phụ cấp tráchnhiệm vàphụ cấp trách nhiệm theo nghề; Phụ cấp công tác tại vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; Phụ cấp ưu đãi nghề và phụ cấp thâm niên nghề; Phụ cấp đặc biệt; Phụ cấp lưu động.

Nguồn kinh phí đảm bảo tiền lưong, phụ cấp lương bao gồm: Nguồn đảm bảo tiền lương của cơ quan hành chính là nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương (chủ yếu cân đối từ Ngân sách Trung ương); Nguồn đảm bảo tiền lương đối với các đơn vị sự nghiệp công lập là nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương (chủ yếu cân đối từ Ngân sách Trung ương) và các nguồn thu hợp pháp.
 
Việc thực hiện chế độ phụ cấp thời gian qua đã kịp thời hỗ trợ một phần thu nhập ngoài lương đối với cán bộ, công chức, viên chức; khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc; tạo sự yên tâm, phấn khởi làm việc; thể hiện sự đãi ngộ thỏa đáng trong một sổ ngành, nghề, khu vực đặc thù.
 
Tuy nhiên, các quy định hiện hành về phụ cấp lương chưa đầy đủ, chưa đảm bảo công bằng và hợp lý giữa các ngành nghề, hay giữa cán bộ, công chức giữa các khối cơ quan, đơn vị, cụ thể:
 
Phụ cấp công vụ: Theo quy định hiện hành thì công chức được luân chuyên giữ chức vụ tại tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp cấp huyện thì chưa được xác định là công chức nên không được hưởng phụ cấp công vụ, dẫn đến việc thực hiện chính sách này còn nhiều bất cập.
 
Phụ cấp ưu đãi nghề đối với người làm việc chuyên môn y tế: Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập thì công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập được hưởng phụ cấp từ 30% đến 70% lương ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Trong khi đó, viên chức làm công tác chuyên môn y tế tại các cơ sở giáo dục, chăm sóc sức khỏe (Trung tâm Bảo trợ xã hội) không được hưởng phụ cấp này.
 
Để đảm bảo thực hiện chế độ phụ cấp lương đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian tới, cần phải rà soát, xây dựng hệ thống các chế độ phụ cấp đảm bảo sự thống nhất, và công bằng giữa các đối tượng thụ hưởng (cán bộ, công chức và viên chức). Xác định lại các loại phụ cấp theo nghề và phụ cấp thâm niên nghề (trách nhiệm, ưu đãi...), thực hiện thống nhất và đảm bảo tương quan giữa các ngành, nghề trong hệ thống các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.
 
Rà soát để thống nhất ban hành và áp dụng chính sách phụ cấp lương đối với các vùng đặc biệt khó khăn (hiện nay có rất nhiều chính sách của nhiều ngành ban hành, tuy nhiên theo quy định chỉ được hưởng một loại với mức cao nhất). Bên cạnh đó, rà soát xác định lại mức phụ cấp khu vực phù hợp với thực tế tình hình kinh tế - xã hội của từng địa phương.
 
Xác định là công chức đối với các trường hợp công chức được luân chuyển giữ chức vụ tại tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp cấp huyện làm cơ sở chi trả chế độ phụ cấp công vụ theo quy định. Sửa đổi các quy định liên quan (xác định lại đối tượng thụ hưởng và xem xét, điều chỉnh mức phụ cấp) đảm bảo các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức làm những công việc giống nhau hoặc có tính chất tương tự thì được hưởng phụ cấp như nhau./.
 

Phi Cường

  • Diện tích tỉnh Kon Tum

    9.690,5 km2
  • Dân số tỉnh Kon Tum (2023)

    591.266 người
  • GRDP tỉnh Kon Tum (2023)

    34.539,87 tỷ VNĐ
Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng tỉnh Kon Tum
Theo bạn nội dung cung cấp trên cổng thông tin điện tử như thế nào?