Thứ sáu, Ngày 29/03/2024 -

Chính sách ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh Kon Tum
Ngày đăng: 12/04/2019  07:54
Mặc định Cỡ chữ
Kon Tum là địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn nên được áp dụng và hưởng mức ưu đãi cao nhất theo quy định chung của Trung ương.

1. Ưu đãi về thuê đất, thuê mặt nước

 

- Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho cả thời hạn thuê đối với dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư (lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư được quy định tại Nghị định 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Đầu tư).

 

- Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong thời gian xây dựng cơ bản theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng tối đa không quá 03 (ba) năm kể từ ngày có quyết định cho thuê đất, thuê mặt nước. Tiếp đó doanh nghiệp được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 11 năm đối với mọi dự án, riêng dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư được miễn 15 năm.

 

2. Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp: thuế suất là 10% trong thời hạn 15 năm (trong đó được miễn 04 năm đầu và giảm 50% số thuế phải nộp cho 09 năm tiếp theo).

 

3. Ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu: miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện để thực hiện dự án đầu tư.

 

4. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn: được ngân sách địa phương hỗ trợ lãi suất vay thương mại sau khi dự án hoàn thành; hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường; Hỗ trợ đầu tư cơ sở: Bảo quản, chế biến nông sản; giết mổ gia súc, gia cầm; chế tạo thiết bị, linh kiện, máy nông nghiệp; sản xuất sản phẩm phụ trợ; hỗ trợ đầu tư cơ sở chăn nuôi bò sữa, bò thịt; hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công và đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Mức và hình thức hỗ trợ tham khảo theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

 

5. Chính sách hỗ trợ đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu của tỉnh Kon Tum

 

5.1. Chính sách hỗ trợ giống phát triển một số loài dược liệu chủ lực (sâm Ngọc Linh, Đảng sâm, Đương quy)

 

- Hỗ trợ chi phí sản xuất giống trồng sâm Ngọc Linh:

 

+ Nội dung và mức hỗ trợ: Hỗ trợ 01 phần chi phí cho doanh nghiệp sản xuất giống sâm Ngọc Linh để hỗ trợ giống và liên kết với các hộ gia đình trồng sâm Ngọc Linh. Mức hỗ trợ 50.000.000 đồng/ha sâm trồng liên kết; diện tích hỗ trợ không quá 10 ha/01 doanh nghiệp.

 

+ Đối tượng và điều kiện hỗ trợ: Hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp có vườn giống gốc trực tiếp sản xuất giống sâm Ngọc Linh để liên kết với các hộ gia đình trồng sâm Ngọc Linh; có hợp Hợp đồng liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Hộ gia đình tham gia liên kết là người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ sinh sống tại vùng quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh.

 

- Hỗ trợ giống trồng Đảng sâm, Đương quy:

 

+ Nội dung và mức hỗ trợ: Hỗ trợ hộ gia đình 50% chi phí mua cây giống trồng Đảng sâm và Đương quy cho chu kỳ đầu tiên, phần còn lại do hộ gia đình chi trả. Diện tích hỗ trợ mỗi hộ tối đa 1.000m2.

 

+ Đối tượng và điều kiện hỗ trợ: Đối tượng hỗ trợ là hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, sinh sống tại ba huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei và Kon Plông; có diện tích đăng ký trồng Đảng sâm hoặc Đương quy. Mỗi hộ gia đình chỉ được hỗ trợ chi phí mua giống trồng một trong hai loại dược liệu nêu trên.

 

5.2. Chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở sản xuất, chế biến dược liệu

 

- Hỗ trợ vay vốn từ Quỹ đầu tư phát triển tỉnh để đầu tư trồng và chế biến sản phẩm dược liệu

 

+ Nội dung và mức hỗ trợ: Nhà đầu tư có dự án đầu tư trồng và chế biến sản phẩm dược liệu chủ lực của tỉnh được vay vốn từ Quỹ đầu tư phát triển tỉnh để triển khai thực hiện dự án. Hạn mức, lãi suất, tổng dư nợ, thời gian vay thực hiện theo quy định của Quỹ đầu tư phát triển tỉnh và các quy định khác có liên quan.

 

+ Đối tượng và điều kiện hỗ trợ: Nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư có dự án đầu tư trồng và chế biến sản phẩm dược liệu chủ lực (thuộc Đề án xây dựng, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025) được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư; có hồ sơ vay vốn đảm bảo theo quy định của Quỹ đầu tư phát triển tỉnh.

 

- Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng khu sản xuất, chế biến dược liệu tập trung

 

+ Nội dung và mức hỗ trợ: Hỗ trợ 01 lần chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng (giao thông, điện, nước, hệ thống xử lý nước thải ….) khu sản xuất dược liệu tập trung. Mức hỗ trợ tối đa 02 tỷ đồng/01 khu sản xuất.

 

+ Đối tượng và điều kiện hỗ trợ: Hỗ trợ trực tiếp cho Nhà đầu tư có dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khu sản xuất dược liệu tập trung được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Khu sản xuất dược liệu tập trung là khu sản xuất trong các Khu, cụm công nghiệp hoặc khu sản xuất dược liệu riêng biệt.

 

5.3. Chính sách hỗ trợ về đất đai

 

- Hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai:

 

+ Nội dung và mức hỗ trợ: Hỗ trợ 40% tiền thuê lại đất của hộ gia đình, cá nhân (ngoài mức hỗ trợ quy định tại điểm a khoản 2 Điều 8 Nghị định số 65/2017/NĐ-CP của Chính phủ) để trồng dược liệu trong 5 năm đầu kể từ khi dự án đi vào hoạt động. Mức hỗ trợ được tính theo giá thuê đất do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhưng không quá 3.000.000 đồng/ha/năm. diện tích hỗ trợ bằng diện tích tối thiểu theo tiêu chí cánh đồng lớn do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành.

 

+ Đối tượng và điều kiện hỗ trợ: Tổ chức kinh tế thuê lại đất của hộ gia đình, cá nhân để trồng các loại dược liệu với quy mô cánh đồng lớn do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định[1].

 

- Miễn lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân sử dụng vào mục đích trồng dược liệu trên địa bàn tỉnh (Áp dụng theo Điểm b, Khoản 2, Điều 8 và Khoản 5, Điều 14 Nghị định 65/2017/NĐ-CP).

 

6. Chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Kon Tum

 

* Khuyến khích xây dựng nhà ở cho lao động

 

Khuyến khích và ưu tiên bố trí quỹ đất cho các doanh nghiệp có dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xây dựng khu dân cư tập trung để bố trí nhà ở cho các hộ gia đình, cá nhân có hợp đồng lao động hợp pháp và được hưởng các ưu đãi cao nhất về đất đai, thuế theo quy định của pháp luật.

 

* Hỗ trợ khởi nghiệp doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

 

a) Nhà đầu tư có hoạt động đầu tư, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà kính, nhà lưới, hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt để hỗ trợ khởi nghiệp doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cụ thể như sau:

 

  • Đầu tư, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngoài các Khu nông nghiệp công nghệ cao: Được hỗ trợ kinh phí đầu tư nhà kính, nhà lưới với mức hỗ trợ 50.000 đồng/m2, diện tích hỗ trợ tối đa không quá 300m2/nhà đầu tư.

 

  • Đầu tư, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong Khu nông nghiệp công nghệ cao: Được miễn tiền thuê nhà kính, nhà lưới, hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt trong thời hạn 03 năm và giảm 50% tiền thuê cho 02 năm tiếp theo.

 

b) Nhà đầu tư có hoạt động đầu tư, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Trại thực nghiệm giống cây trồng Đăk La huyện Đăk Hà được miễn tiền thuê cơ sở hạ tầng trong thời hạn 03 năm và giảm 50% tiền thuê cho 02 năm tiếp theo.

 

[1] Theo Quyết định số 572/QĐ-UBND ngày 13/6/2017 của UBND tỉnh quy định tiêu chí cánh đồng lớn đối với sâm Ngọc Linh, Đảng Sâm, Đương Quy là 5 ha.

  • Diện tích tỉnh Kon Tum

    9.690,5 km2
  • Dân số tỉnh Kon Tum (2022)

    579.914 người
  • GRDP tỉnh Kon Tum (2022)

    30.848,84 tỷ VNĐ
  • Xếp hạng PCI (2022)

    37 /63
Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Kon Tum lần thứ IX năm 2024
Theo bạn nội dung cung cấp trên cổng thông tin điện tử như thế nào?