Thứ 5, Ngày 01/05/2025 -

Kỷ niệm 67 năm Cách mạng Tháng Tám 19/8/1945 : Cách mạng Việt - Lào và những ngày tháng Tám năm ấy
Ngày đăng: 13/08/2012  02:22
Mặc định Cỡ chữ
Ngày 23/8/1945, một cuộc mít tinh lớn diễn ra tại khu vực chợ Mới (Lào) có đông đảo nhân dân Lào và Việt kiều tham gia. Cuộc mít tinh đánh dấu cuộc khởi nghĩa Viêng Chăn giành thắng lợi, thúc đẩy và tạo điều kiện cho các địa phương khác trên đất Lào đứng lên khởi nghĩa thắng lợi.

 

Ảnh minh họa

Tháng 10/1930, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam quyết nghị đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Hội nghị đã xác định đường lối cách mạng của ba nước Đông Dương và khẳng định ba nước Đông Dương cần phải đoàn kết chống ách thống trị của bọn thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc.

Sau Hội nghị, một số đảng viên của Đảng đã sang Lào hoạt động xây dựng cơ sở. Tháng 9/1934, Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời Ai Lao được thành lập, chịu trách nhiệm lãnh đạo phong trào cách mạng Lào. Sự ra đời của Xứ uỷ Ai Lao là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử đấu tranh yêu nước của nhân dân các bộ tộc Lào, khẳng định trên thực tế vai trò lãnh đạo của Đảng bộ Lào đối với cách mạng Lào. Kể từ đó, cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân hai nước ngày càng phát triển, tạo nên sức mạnh chung để cùng tiến hành cách mạng, giành độc lập cho nhân dân.
 
Tháng 5/1941, dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị Trung ương 8 (khóa I) của Đảng Cộng sản Đông Dương phân tích và nhận định: “Nếu cuộc đế quốc chiến tranh lần trước đã đẻ ra Liên Xô, một nước xã hội chủ nghĩa thì cuộc đế quốc chiến tranh lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, sẽ do đó mà cách mạng nhiều nước thành công”. Hội nghị khẳng định: “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được...”. Hội nghị quyết định đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng trước tiên của cách mạng Đông Dươnggiải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ từng nước và thành lập ở mỗi nước một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi. Hội nghị khẳng định, sau khi đánh đuổi Pháp - Nhật thì sự tự do độc lập của các dân tộc sẽ được thừa nhận và coi trọng. Những chủ trương đúng đắn đó đã dẫn đường cho nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào phát huy mạnh mẽ tinh thần độc lập, tự chủ, phát huy sức mạnh của mỗi dân tộc, đồng thời tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa nhân dân hai nước trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập.
 
Ngày 9/3/1945, phát xít Nhật tiến hành cuộc đảo chính lật Pháp, độc chiếm Đông Dương, khiến tình hình chính trị rối ren. Dưới ánh sáng của Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, không khí cách mạng dâng lên khắp nơi, cao trào kháng Nhật cứu nước phát triển rất mạnh mẽ ở Việt Nam đã tác động và hỗ trợ tích cực, mạnh mẽ các lực lượng yêu nước Lào đấu tranh giành độc lập.
 
Tại Lào, phát xít Nhật vẫn duy trì bộ máy thống trị cũ, chỉ thay thế vị trí các quan chức người Pháp trước đây bằng các võ quan Nhật. Chúng kích động tinh thần dân tộc hẹp hòi, tuyên truyền thuyết Đại Đông Á của Nhật để chia rẽ nhân dân Lào với nhân dân các nước Đông Dương. Chúng tiến hành vơ vét sức người, sức của ở Lào để phục vụ việc kéo dài chiến tranh xâm lược. Các tầng lớp nhân dân Lào ngày càng nhận rõ bộ mặt thật của phát xít Nhật, muốn vùng lên đánh đổ chúng, giành lại độc lập dân tộc.
 
Sau nửa tháng tấn công sấm sét của Hồng quân Liên Xô, ngày 02/5/1945, Béc lanh, sào huyệt cuối cùng của phát xít Hítle thất thủ. Ngày 09/5/1945, đại diện phát xít Đức là Câyten - Thống chế Tổng tư lệnh quân đội Đức đã phải ký vào văn kiện đầu hàng không điều kiện. Quân Đồng Minh giành thắng lợi.
 
Ngày 09-8-1945, sau khi chiến thắng hoàn toàn quân Đức, Hồng quân Liên Xô bắt đầu tiến công quân phát xít Nhật. Trong vòng không đầy một tuần lễ, quân đội Liên Xô đánh tan gần một triệu quân phát xít Nhật tại Mãn Châu (Trung Quốc), buộc Nhật đầu hàng Liên Xô và Đồng minh không điều kiện. Ở Đông Dương quân đội Nhật hoảng loạn.
 
Ngày 14 và 15/8/1945, Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương họp xác định“Những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương như đã chín muồi”, cơ hội rất tốt cho giành quyền độc lập đã tới. Ở Việt Nam, cuộc Tổng khởi nghĩa ngày 19/8/1945 tại Hà Nội giành thắng lợi và tiến đến thắng lợi trong cả nước. Ngày 02/9/1945, Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân, Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
 
Dưới sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời và khôn khéo của Xứ ủy Ai Lao, ngày 23/8/1945, một cuộc mít tinh lớn diễn ra tại khu vực chợ Mới có đông đảo nhân dân Lào và Việt kiều tham gia. Cuộc mít tinh đánh dấu cuộc khởi nghĩa Viêng Chăn giành thắng lợi, đã thúc đẩy và tạo điều kiện cho các địa phương khác trên đất Lào đứng lên khởi nghĩa thắng lợi. Sáng ngày 12/10/1945, Chính phủ Lào Ítxalạ vừa được thành lập đã làm lễ ra mắt và trịnh trọng tuyên bố trước toàn thể nhân dân nền độc lập của quốc gia Lào.
 
Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám - 1945 ở Việt Nam và khởi nghĩa giành chính quyền ở Lào diễn ra gần như đồng thời, giành thắng lợi và ít đổ máu, khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời, sáng tạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, thể hiện tính hiệu quả của tình đoàn kết đấu tranh của nhân dân Việt Nam và nhân dân các bộ tộc Lào, mở ra kỷ nguyên mới về quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.
 
Mối tình keo sơn của hai nước, hai dân tộc Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam không chỉ là mối tình của hai nước láng giềng, hữu nghị, cùng đồng cam cộng khổ giúp đỡ nhau giành độc lập, mà đó còn là mối quan hệ nhân hòa, nảy sinh từ đời sống thích ứng với tự nhiên và dựng xây xã hội của biết bao thế hệ người Việt Nam và người Lào. Dưới sự lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước, trong những năm qua Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum đã cùng với các tỉnh Nam Lào luôn một lòng đoàn kết, hợp tác, hữu nghị toàn diện trên các lĩnh vực, góp phần giữ trọn tình nghĩa thủy chung, son sắt như câu thơ mà Bác Hồ đã viết:
 
“Việt - Lào hai nước chúng ta
Tình sâu hơn nước Hồng Hà - Cửu Long”.
 
Quang Thới