Chủ nhật, Ngày 18/05/2025 -

Kết quả bước đầu nuôi cấy nấm Đông trùng hạ thảo
Ngày đăng: 15/10/2018  03:08
Mặc định Cỡ chữ
Dự án Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình nhân giống, sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo được Trung tâm Ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ (nay là Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và dịch vụ khoa học công nghệ) thuộc Sở Khoa học và Công nghệ triển khai trong giai đoạn từ tháng 5/2017 đến tháng 5/2019. Kết quả bước đầu nuôi cấy thành công nấm Đông trùng hạ thảo mở ra triển vọng sản xuất loại đông dược quý, thực phẩm có giá trị kinh tế cao tại địa bàn tỉnh.

 


Một công đoạn trong khâu nhân giống Đông trùng hạ thảo
 
Đông trùng hạ thảo (tên khoa học Cordyceps Militaris) là tên gọi chung một nhóm nấm ký sinh và gây bệnh trên côn trùng. Cuối mùa thu đầu đông, nấm ký sinh gây bệnh trên côn trùng. Mùa hạ, khi nhiệt độ tăng lên, chúng phát sinh thành quả, mọc thành dạng cây cỏ. Tên gọi “Đông trùng hạ thảo” xuất phát từ đặc tính của loại nấm mà mùa đông là ấu trùng (động vật), mùa hè là thảo mộc (thực vật) này. Đông trùng hạ thảo chứa 17 axit amin, trong đó có Adenosine, Selen là các khoáng chất vi lượng rất cần thiết cho cơ thể, có khả năng tăng cường hệ miễn dịch, giúp ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư. Vì vậy, Đông trùng hạ thảo là một trong những loại nấm thuốc quý hiếm.
 
Dự án Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình nhân giống, sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo tại tỉnh Kon Tum được đầu tư hơn 1,3 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp. Để triển khai dự án theo nội dung và tiến độ đề ra, thời gian qua, Trung tâm đã tiến hành sửa chữa, cải tạo phòng cấy giống, phòng nuôi sợi, phòng chuẩn bị môi trường và phòng nuôi quả thể nấm Đông trùng hạ thảo đảm bảo chất lượng chống thấm, thoát nước, điều kiện ánh sáng theo tiêu chuẩn. Riêng phòng thí nghiệm sau khi được sửa chữa cải tạo cũng đã phát huy hiệu quả sử dụng. Kinh phí của dự án được đầu tư mua sắm các nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị như tủ lạnh 365 lít để sử dụng trữ đông, trữ lạnh một số nguyên liệu như nước dừa, bột nhộng tằm, giống cấp 1, cấp 2; tủ cấy vi sinh được sử dụng để nhân giống, cấy giống vào bình phôi; nồi hấp sử dụng hấp môi trường cơ chất, môi trường nhân giống, dụng cụ; máy lạnh và hệ thống phun sương được lắp đặt tại phòng nuôi sợi và nuôi quả thể nhằm giảm nhiệt độ và tăng cường độ ẩm môi trường...
 
Sau hơn một năm triển khai, trên cơ sở hợp đồng với Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại HANA, cán bộ của Trung tâm đã được đào tạo chuyên môn, tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật ứng dụng vào thực tế. Đến nay, đã có 2.000 bình nuôi cấy giống trên giá thể gạo lứt được triển khai, đồng thời tổ chức 03 đợt sản xuất, thu gần 3,8 kg sản phẩm khô. Trung tâm cũng đã phân lập, chọn lọc 02 giống Cordyceps militaris khác nhau về hình thái quả thể để lưu giữ và sản xuất.
 

Nuôi trồng thành công nấm đông trùng hạ thảo
 
Kết quả mô hình nhân giống và sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo cho thấy Kon Tum có thể nuôi trồng và phát triển loại đông dược, thực phẩm quý hiếm này. Từ địa bàn thành phố Kon Tum, có thể mở rộng phạm vi ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nuôi trồng nấm Đông trùng hạ thảo đến những nơi có điều kiện tương tự như huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông. Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và dịch vụ khoa học công nghệ đã tiếp nhận chuyển giao công nghệ, bước đầu làm chủ quy trình nhân giống, sản xuất Đông trùng hạ thảo; song vấn đề đặt ra là phải tiếp tục nghiên cứu thêm các điều kiện về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng để hoàn chỉnh quy trình nhân giống Đông trùng hạ thảo tại địa bàn tỉnh. Mục tiêu hướng tới của dự án là từ kết quả xây dựng mô hình nhân giống và sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo, sẽ từng bước phát triển thành chuỗi sản xuất hàng hóa, cung ứng sản phẩm ra thị trường; góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư./.  
                                                                                      Bài, ảnh: Nghĩa Hà