Thứ 7, Ngày 03/05/2025 -

Đoàn công tác của Hội đồng Dân tộc Quốc hội khảo sát tại Kon Tum
Ngày đăng: 18/10/2018  03:16
Mặc định Cỡ chữ
Sáng ngày 16/10, Đoàn công tác của Hội đồng Dân tộc Quốc hội do đồng chí Đinh Thị Phương Lan, Ủy viên Thường trực HĐDT Quốc hội làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo Sở GD-ĐT và Phòng GD-ĐT một số huyện có liên quan về tình hình giáo dục trẻ em DTTS và trẻ em DTTS rất ít người trên địa bàn tỉnh Kon Tum.



Quang cảnh buổi làm việc
 
Tại buổi làm việc, Sở GD-ĐT đã báo cáo khái quát về tình tình địa phương và quá trình triển khai thực hiện các chế độ chính sách về giáo dục trẻ em dân tộc thiểu số (DTTS), trẻ em dân tộc thiểu số rất ít người (DTTSRIN).
 
Tính đến nay, tỉnh Kon Tum có 09 huyện và 01 thành phố với 102 xã, phường thị trấn, trong đó có 25 xã, phường, thị trấn thuộc khu vực I; 28 xã khu vực II và 49 xã khu vực III; 54 xã và 66 thôn đặc biệt khó khăn ở xã khu vực I và II thuộc diện đầu tư của Chương trình 135. Toàn tỉnh có khoảng 520 nghìn người với 28 dân tộc cùng chung sống, trong đó có 7 dân tộc tại chỗ, gồm: Xơ đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ -Triêng, Brâu, Rơ Măm và Hre (Hrê); có 02 dân tộc rất ít người (có số dân dưới 10.000 người) là Brâu, Rơ Măm.
 
Trong những năm qua công tác giáo dục đào tạo luôn được các cấp, ngành hết sức quan tâm. Cơ sở vật chất, trường, lớp học ngày càng được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu dạy và học của các cơ sở giáo dục, góp phần nâng tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến trường. Mạng lưới trường lớp bậc mầm non, cấp tiểu học, THCS được mở rộng, cơ sở vật chất được chú trọng đầu tư, cơ bản đáp đáp ứng nhu cầu học tập của con em các dân tộc trên địa bàn (toàn tỉnh có 139 trường mầm non (22 trường Tư thục) với 1.583 lớp, 40.231 trẻ; 148 trường tiểu học với 2.556 lớp, 59.244 học sinh; 111 trường THCS với 1.212 lớp, 37.809 học sinh; 55 trường PTDTBT (34 trường PT DTBT cấp THCS, 21 trường PTDTBT cấp tiểu học); 08 trường PT DTNT có học sinh cấp THCS); trong đó hệ thống trường chuyên biệt dành cho học sinh DTTS ngày càng được củng cố và hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu tạo nguồn đào tạo cán bộ và nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS của tỉnh.
 
Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên các bậc, cấp học ngày càng được nâng lên đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục và từng bước thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên, đặc biệt giáo dục đối với học sinh DTTS. Năm học 2017 - 2018, bậc mầm non đảm bảo 100% trẻ trong trường, lớp mầm non được khám sức khỏe định kỳ 02 lần/năm học và được theo dõi sự phát triển bằng biểu đồ tăng trưởng. Tỷ lệ trẻ DTTS suy dinh dưỡng cuối năm học ở thể nhẹ cân: Trẻ nhà trẻ 3,8%, trẻ mẫu giáo 6,5%; ở thể thấp còi: Trẻ nhà trẻ 5,4%, trẻ mẫu giáo 8,9%; Cấp tiểu học có 95,13% hoàn thảnh chương trình lớp học, 98,83% hoàn thành chương trình tiểu học; Cấp THCS tỷ lệ học sinh DTTS hạnh kiểm tốt, khá chiếm 92,2%; Học lực khá, giỏi chiếm 18,7%. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT học sinh DTTS năm 2018 là 90,32%, trong đó giáo dục phổ thông đạt 98,08%, giáo dục thường xuyên đạt 48,89%.
 
Công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách về giáo dục trẻ em DTTS, DTTS RIN luôn được ngành quan tâm triển khai bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng; phổ biến cho học sinh, cha mẹ học sinh thông qua các buổi họp phụ huynh; thông qua cấp ủy chính quyền địa phương... Ngành GD-ĐT đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục trẻ em DTTS, DTTS RIN cụ thể hóa thành chương trình cụ thể  và kịp thời chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai tổ chức thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng, có hiệu quả.
 
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các chính sách về giáo dục được tăng cường, nhờ vậy những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai được kịp thời giải quyết, những hạn chế, yếu kém được kịp thời phát hiện, khắc phục.
 
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở GD-ĐT và các đơn vị có liên quan đã kiến nghị, đề xuất với Đoàn một số nội dung: (1). Đối với Quốc hội, tiếp tục kế thừa và phát triển các quy định về mặt pháp luật những ưu tiên hỗ trợ phát triển giáo dục và đào tạo vùng DTTS, miền núi nói chung, hỗ trợ giáo dục trẻ em DTTS nói riêng, để thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng miền; (2). Đối với Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, cần rà soát, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục và đào tạo vùng DTTS, miền núi nói chung, hỗ trợ giáo dục trẻ em DTTS nói riêng theo pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, với thực tế của từng đối tượng; có hướng dẫn cụ thể để các địa phương triển khai thực hiện, chú trọng hướng dẫn công tác thanh tra, kiểm tra, phát huy vai trò giám sát của các tổ chức, đoàn thể ở địa phương và nhân dân để nâng cao hiệu quả việc thực hiện các chính sách hỗ trợ.
 

Đồng chí Đinh Thị Phương Lan - Ủy viên Thường trực HĐDT Quốc hội phát biểu
 
Phát biểu tại buổi làm việc đồng chí Đinh Thị Phương Lan đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Kon Tum trong việc thực hiện công tác tổ chức, chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách về giáo dục trẻ em DTTS, trẻ em DTTSRIN. Đồng chí đề nghị ngành GD-ĐT, các địa phương, đơn vị liên quan tiếp tục bám sát các chế độ, chính sách về giáo dục trẻ em DTTS, trẻ em DTTSRIN để triển khai thực hiện. Những nỗ lực của ngành GD-ĐT tỉnh Kon Tum rất đáng được ghi nhận. Đối với các kiến nghị, đề xuất của Ngành, đoàn khảo sát ghi nhận và tổng hợp, báo cáo Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan để có những điều chỉnh kịp thời./.
 
Ngọc Định