
Trong lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Bác khẳng định lại quyết tâm:
"Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ".Nghe theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, từ thành thị đến nông thôn, từ miền Bắc đến miền Nam, cả dân tộc ta lại lên đường chống thực dân Pháp, bảo vệ nền độc lập. Mặt khác, lúc này Đảng chỉ có gần 5000 đảng viên. Sau cách mạng, yêu cầu số lượng đảng viên sẽ nhiều hơn. Vì thế, Đảng đã có chủ trương kết nạp một lớp đảng viên mới, sau này gọi là lớp "đảng viên tháng 8". Những đảng viên này là những người con ưu tú, xuất thân từ công nhân, nông dân, binh lính và các tầng lớp xã hội khác, mặc dầu tinh thần yêu nước rất cao, nhưng kinh nghiệm hoạt động chính trị chưa nhiều, đặc biệt là nhận thức về Đảng. Điều đó đặt ra cần phải giáo dục, rèn luyện, Bác đề nghị phải tỉnh táo sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm để giữ vững được đường lối toàn dân, toàn diện, tự lực cánh sinh, tạo được niềm tin của nhân dân để kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công. Thế nhưng trong quá trình thực hiện đường lối đó, Bác Hồ thấy rằng ở nhiều tổ chức cơ sở đảng bắt đầu bộc lộ một số khuyết điểm, tựu chung lại là những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân không được ngăn chặn, thậm chí có nơi còn trầm trọng, gay gắt hơn. Do vậy, Bác muốn rằng, việc khắc phục những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân trở thành đợt học tập chính trị sâu rộng trong toàn Đảng trước hết là ở tổ chức cơ sở đảng. Đối tượng mà Bác hướng tới là đội ngũ cán bộ, đảng viên, Như vậy, việc Bác viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” là có chủ đích và hướng vào đối tượng cụ thể, chủ yếu là cán bộ đảng viên. "Sửa đổi lối làm việc" có thể hiểu là: Sửa là sửa chữa, khắc phục; Đổi là đổi mới, là canh tân; Lối là phương pháp, cách thức, phương thức; làm ở đây là hoạt động của Đảng, là sự lãnh đạo của Đảng. Qua bài viết này chúng ta thấy, khi nào đề cập đến những căn bệnh trong Đảng, vấn đề bức xúc của Đảng thì Bác Hồ lại tập trung vào chủ đề cần phải giải quyết là xây dựng Đảng. Nhưng không phải tất cả mọi vấn đề, mà chủ yếu nói xây dựng đảng trên phương diện tư tưởng, đạo đức, công tác cán bộ đảng viên, quan hệ giữa Đảng và quần chúng và về phương thức, phương pháp lãnh đạo của Đảng. Bác cho rằng trong quá trình tồn tại, phát triển và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta phải thường xuyên tự chỉnh đốn, tự đổi mới, tự sửa đổi lối làm việc của mình. Khi nói về tái thiết đất nước sau chiến tranh, Người đề cập
“Việc trước tiên cần phải làm là chỉnh đốn lại Đảng”. Như vậy, Người coi chỉnh đốn Đảng là tiền đề để phát triển đất nước? Đến năm 1992 từ “chỉnh đốn Đảng” mới chính thức được viết trong một văn kiện của Đảng. Thực ra từ năm 1947, trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" Bác dùng từ này rồi. Bác còn nói rằng chỉnh đốn sẽ làm cho Đảng đúng đắn, trong sạch, không chệch choạc... Sau hơn hai mươi lăm năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đất nước ta đã thu được những thành tựu to lớn. Đặc biệt, từ sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết TW3 (khóa VII) "Về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng; "Nghị quyết TW6 (lần 2) khóa VIII và
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư khoá XI đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW, Ngày 16-01-2012 về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay".
Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nhiều nơi TCCSĐ và chính quyền ở cơ sở hiện nay hoạt động kém hiệu quả, bộc lộ những yếu kém và bất cập trong công tác lãnh đạo, quản lý và vận động quần chúng như không xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của mình. Do đó, dẫn tới tình trạng hoặc là bao biện, làm thay, hoặc là buông lỏng vai trò lãnh đạo, trong sinh hoạt Đảng thiếu duy trì nền nếp, ba tính chất trong sinh hoạt Đảng (tính Đảng, tính giáo dục và tính chiến đấu) chưa cao. Cá biệt, có nơi nội bộ mất đoàn kết, vai trò tiên phong gương mẫu ở một số đảng viên giảm sút đáng lo ngại. Trong các văn kiện của Đảng cũng cho thấy rằng trước đây là “một bộ phận đảng viên” đến “một bộ phận không nhỏ”; từ “thoái hóa, biến chất” đến “trầm trọng”, thậm chí là “sống còn đối với sự tồn vong của chế độ”. Chính vì thế, Nghị quyết TW4- Khóa XI về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" xác định mục đích của Nghị quyết nhằm phát huy dân chủ trong Đảng, giúp cho mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên tự giác, trung thực, xem xét, nhìn lại mình để phát huy ưu điểm, tự thấy rõ khuyết điểm và tự mình sửa chữa; trọng tâm là ngăn chặn, đẩy lùi, khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Thực tế cho thấy, đấu tranh tự phê bình và phê bình là việc rất khó, nhưng không phải không làm được. Chúng ta cần ghi nhớ lời Di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ. Vì vậy, phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người”. (Hồ Chí Minh toàn tập. NXBCTQG. Hà Nội 2002, tập 5, tr. 232).
Quán triệt sâu sắc lời chỉ dẫn và căn dặn của Bác sẽ tạo ra không khí chính trị mới, nhằm xây dựng chỉnh đốn Đảng ta từ Trung ương đến cơ sở ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng của thời kỳ mới. Trước hết là TCCSĐ và từng cán bộ đảng viên phải quyết tâm cao, biện pháp quyết liệt tạo ra sự đổi mới toàn diện; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đổi mới công tác tổ chức và cán bộ nhằm phát huy quyền làm chủ thật sự của nhân dân, tăng cường sự lãnh đạo, phát huy vai trò hạt nhân chính trị của Đảng là những mục tiêu cơ bản đang được đặt ra cho cả hệ thống chính trị hiện nay.
Cẩm Lệ