 |
Trồng sâm dây (Hồng Đẳng Sâm) ở Kon Plông |
Huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông và Đăk Glei là 3/10 huyện, thành phố của tỉnh có diện tích rừng và đất rừng lớn với trên 335 ngàn ha đất lâm nghiệp; khí hậu mát mẻ quanh năm, có rất nhiều loài cây dược liệu tự nhiên sinh trưởng tốt, phù hợp với điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng, là điều thuận lợi cho việc tiếp nhận, áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào thử nghiệm, sản xuất một số loại cây dược liệu có năng suất, chất lượng, giá trị cao.
Ngoài khí hậu ưu đãi, đất ở Kon Tum cũng có những đặc trưng riêng. Kon Tum có 17 loại đất chính cùng cấu trúc địa chất có hàng loạt các loại khoáng chất như: sắt, crôm, vàng, nguyên liệu chịu lửa, đá quý, bán quý, kim loại phóng xạ, đất hiếm… Vì vậy, dược liệu trồng tại Kon Tum hơn hẳn dược liệu cùng loại trồng nơi khác như: Nghệ vàng, Địa liền, Sa nhân, Gừng,…và cả các cây tinh dầu đang có nhu cầu cao trên thị trường như: Hương nhu trắng, Sả, Trà tiên… Đặc biệt là Sâm Ngọc Linh, Bảy lá một hoa, Đảng sâm (Sâm dây), Lan Kim tuyến (Cỏ nhung), Lan Một lá.
Theo kết quả điều tra của Viện Dược liệu - Bộ Y tế cùng với Sở Khoa học và Công nghệ và Sở Y tế: Trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 853 loài cây thuốc và nấm làm thuốc, 30/853 loài cây thuốc có nhu cầu lớn cho thị trường và khoảng 25 loài cây thuốc được trồng, sử dụng nhiều trong các cơ sở khám chữa bệnh, có giá trị chữa bệnh và kinh tế cao như: Cây Sâm Ngọc Linh, Đảng sâm (Hồng Đảng sâm), Đương quy, Ngũ vị tử và một số loài khác, đặc biệt có một số cây thuốc mang tính đặc trưng riêng của người bản địa Kon Tum như Prác, Tà liền chuông, Gừng lúa… Ngoài ra, còn nhiều loại cây được nhân dân sử dụng trị bệnh chưa được định danh.
Thời gian qua, tỉnh Kon Tum luôn quan tâm và đã có nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành công tác bảo tồn và phát triển cây thuốc; có cơ chế, chính sách ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân tham gia trồng và phát triển cây thuốc như: Miễn tiền thuê đất, cho vay vốn ưu đãi, hỗ trợ giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng cây thuốc; đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn dược liệu; việc phối kết hợp giữa lực lượng kiểm lâm với các lực lượng Quân đội, Công an, dân quân tự vệ ngày càng chặt chẽ hơn; cơ chế chính sách thu hút các tổ chức cá nhân nuôi trồng dược liệu luôn được quan tâm. Năm 2012, đưa Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh vào hoạt động, đồng thời phát triểnkhoa y học cổ truyền của các trung tâm y tế huyện.
Ngoài ra, UBND tỉnh đã tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp, người dân triển khai các dự án, đề án, đề tài nghiên cứu trồng cây thuốc. Hiện nay, Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum đã trồng được khoảng 300 ha Sâm Ngọc Linh; hiện tại Công ty đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng phát triển cây Sâm Ngọc Linh dự kiến đến năm 2020 đạt khoảng 500 ha; ngoài ra Công ty đang tiếp tục đầu tư khu chế biến Sâm Ngọc Linh tại huyện Đăk Tô. Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô trồng được 13,1 ha Sâm Ngọc Linh, đồng thời Công ty đã xây dựng Trung tâm Bảo tồn phát triển nguồn gen Sâm Ngọc Linh nhằm cung cấp giống Sâm Ngọc Linh để mở rộng diện tích trồng trong thời gian tới; Công ty còn phối hợp với người dân tại các xã Măng Ri, Ngọc Lây, Ngọc Yêu huyện Tu Mơ Rông mở rộng diện tích trồng Sâm Ngọc Linh nhằm phát triển kinh tế vùng. Công ty TNHH Thái Hòa đã được UBND tỉnh cấp trên 100 ha; trong đó, trên 40 ha đã trồng cây thuốc tại xã Măng Ri, Ngọc Lây huyện Tu Mơ Rông và xã Đăk Long, Măng Cành, huyện Kon Plông gồm: Sâm Ngọc Linh, Đảng sâm, Đương quy, Nghệ vàng, Gừng, Ngũ vị tử, Kan Khương, Giảo cổ lam...
Ngoài ra các hộ gia đình tại các xã Măng Ri, Ngọc Yêu, Ngọc Lây, Đăk Na huyện Tu Mơ Rông đã được UBND huyện hỗ trợ giống, kỹ thuật trồng Sâm Ngọc Linh, Đảng sâm, Đương quy, Ngũ vị tử cũng đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tuy nhiên, việc phát triển vùng trồng dược liệu ở tỉnh còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ; việc nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất giống; xây dựng tiêu chuẩn chất lượng giống chưa được quan tâm đúng mức, kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc và chế biến sau thu hoạch chưa được chuẩn hóa, ít có sự tham gia của nhà khoa học mà mới chỉ dừng lại ở kinh nghiệm cá nhân.
Ngoài ra, tình hình khai thác, buôn bán dược liệu chưa quan tâm đến việc tái sinh, bảo tồn nên một loài cây thuốc quý bị suy giảm nhanh như Sâm Ngọc Linh; khai thác, thu mua và vận chuyển dược liệu chưa được kiểm soát dẫn đến sự suy giảm dược liệu tự nhiên do diện tích rừng tự nhiên ngày càng thu hẹp làm thay đổi hệ sinh thái, hậu quả là nhiều cây thuốc không còn tồn tại.
Chưa có sự liên kết vùng trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ dược liệu, đặc biệt tiêu thụ dược liệu đã qua chế biến cho nhu cầu khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế do thiếu công nghệ sản xuất, chế biến. Công tác quản lý, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng cũng như giá cả dược liệu chưa được thực hiện tốt.
Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược liệu đóng trên địa bàn ít quan tâm đầu tư các cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ chế biến và bảo quản nên khả năng cạnh tranh tiêu thụ dược liệu rất hạn chế. Mặt khác dược liệu trồng, thu hái tại địa bàn tỉnh chưa có hồ sơ chứng minh nguồn gốc, chất lượng, bảo đảm về trồng trọt và thu hái đạt tiêu chuẩn GACP, do đó khi tham gia dự thầu không đảm bảo các điều kiện trúng thầu để cung cấp dược liệu cho các cơ sở khám chữa bệnh.
Để phát huy tiềm năng, lợi thế, trong thời gian tới, tỉnh sẽ xây dựng Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Đồng thời, xây dựng một số vùng trồng các loài cây thuốc đang có nhu cầu lớn theo điều kiện sinh thái và địa lý phù hợp và triển khai trồng các loài cây thuốc theo tiêu chuẩn GAP; xây dựng Bộ dược liệu chuẩn về chất lượng; tổ chức đào tạo, tập huấn cho các doanh nghiệp, các hộ nông dân về kỹ thuật trồng, thu hái, chế biến bảo quản nhằm đảm bảo chất lượng dược liệu; có cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển dược liệu, như: Hỗ trợ đầu tư về vốn, cơ sở vật chất, miễn giảm thuế, hỗ trợ giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra đánh giá nguồn gốc, chất lượng dược liệu./.
Bài, ảnh: Dương Nương