 |
Chuối chín rụt mà vẫn vắng bóng người mua
|
Từng giúp nhiều gia đình thoát nghèo
Trên địa bàn tỉnh cây chuối được trồng hầu hết ở các huyện và thành phố, giống chuối được người dân chọn lựa trồng nhiều nhất vẫn giống chuối mốc. Do thích hợp thổ nhưỡng Kon Tum nên cây chuối cho năng suất cao, quả to tròn, ngon ngọt, có mùi thơm... Cách đây vài năm về trước, nhiều gia đình ở các xã Đoàn Kết, Đăk Rơ Wa, Kroong, Ngọc Bay (thành phố Kon Tum) và nhiều hộ nông dân khác ở các huyện đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là đưa giống cây chuối mốc vào trồng trên các ngọn đồi, quanh vườn nhà, dọc các khe suối… nên cuộc sống đã đổi khác. Cây chuối đã trở thành một trong những cây giúp không ít hộ gia đình nơi đây thoát nghèo khi các thương lái trên địa bàn tỉnh lùng sục khắp đường làng, ngõ xóm, thậm chí qua tới tận một số tỉnh của nước Lào để tìm mua xuất sang Trung Quốc. Nếu như trước đây, chuối được bán nguyên buồng, thì giá cả sẽ phụ thuộc vào nải ít hay nải nhiều, buồng chuối to đẹp, thì giờ đây đa số người đi thu mua giá chuối được tính theo ký. Những tháng đầu năm 2012, giá chuối cứ nhích dần lên từ 2.500 đồng/kg lên đến hơn 5.000đồng/kg nhưng nhiều lúc cũng không còn chuối để cung cấp cho thị trường. Điều này mang lại những nguồn lợi không nhỏ cho người trồng chuối, giảm bớt khó khăn cho người dân trong những ngày giá cả tăng cao.
Được mùa, được giá nhiều gia đình từ chỗ nợ nần, chạy vạy cái ăn, cái mặc hàng ngày, sau vài vụ không chỉ trả hết nợ mà còn vươn lên có của ăn, của để. Trồng khoảng 500 - 600 bụi chuối, mỗi năm cho thu hoạch từ 15 - 20 tấn trái, những năm trước được giá cả ổn định, nhiều hộ gia đình thu về từ 75 đến 110 triệu đồng. Trồng chuối khá đơn giản, không cần tốn công chăm sóc và bón phân nhiều, ít bị sâu bệnh, không như nhiều loại cây trồng khác, chuối là cây chịu nắng tốt nên không phải tưới nước khi gặp hạn hán ngay cả khi ra hoa, kết trái. Trên diện tích đất trồng chuối tạo bóng mát nên rất thích hợp trồng xen kẽ thêm một số loại cây trồng ngắn ngày khác nên mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thương lái im hơi, giá cả chạm đáy
Cứ độ vào khoảng tháng 9, tháng 10 hàng năm là các thương lái ồ ạc đổ xô nhau tranh mua, tranh bán, nhưng năm nay các vựa chuối vẫn phải chất thành đống để chờ thương lái đến thu mua. Bà Lan - người chuyên thu mua chuối ở Trung tâm thương mại Kon Tum cho biết: Trước đây, chuối là loại cây trồng “ăn chơi”, chủ yếu tiêu thụ tại địa phương hoặc đưa đi các tỉnh Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Ngãi… Nhưng giờ đây, chuối, nhất là chuối mốc đã trở thành hàng hóa, chẳng những tiêu thụ nội địa mà còn được xuất khẩu sang Trung Quốc. Cứ sau khoảng thời gian trước rằm tháng Giêng đến khoảng tháng 4 âm lịch và từ tháng 9 đến cuối tháng 11 hàng năm, gần như 100% chuối thu mua được đều được đưa sang Trung Quốc. Khi giá chuối tăng cao, người người tranh nhau mua, nhà nhà gác lại mọi chuyện để lên rẫy chặt chuối về bán, những lúc cao điểm như thế này mỗi ngày thu mua hàng chục tấn cũng không đủ cung cấp, nhưng giờ Trung Quốc tạm dừng nhập chuối nên giá giảm hẳn mà vẫn vắng bóng người mua. Theo bà Lan, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 2 vựa thu gom chuối lớn, chở trực tiếp đi Trung Quốc. Các vựa chuối này thu gom từ những đầu nậu mua chuối từ các hộ trồng chuối khắp nơi trên địa bàn tỉnh, gom lại chất đầy xe container rồi xuất sang Trung Quốc. Phía Trung Quốc ăn chuối theo mùa nên khi họ không ăn nữa thì rất khó tiêu thụ vì các vựa này cũng tạm dừng thu mua. Hiện nay, với số chuối thu mua được bà Lan chủ yếu bán lẻ tại chợ và một số tỉnh lân cận hoặc bán làm chuối kem hoặc chuối khô nên giá bán không cao và số lượng không nhiều.
Ông Trung - người trồng chuối ở xã Đoàn Kết thành phố Kon Tum cho biết, gia đình có khoảng 500 gốc chuối, vài tháng trước giá chuối bán tại vườn sa cạ cũng được gần 5.000 đồng/kg. Thế nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, khoảng 6 tháng nay, phía Trung Quốc không “ăn” chuối nữa, ngay lập tức nông dân trồng chuối gặp điêu đứng. Do giá chuối quá thấp nên không ai muốn lên rẫy chặt về bán, bởi giá bán một quầy chuối không đủ tiền công gùi từ rẫy về điểm thu mua. Hiện giờ giá chuối chưa đến 2.000 đồng/kg mà cũng không có người mua, chỉ chọn lựa chặt những buồn nào to, đẹp đem ra chợ ngồi bán lẻ, số còn lại chịu khó chặt chở về nhà để cho heo, gà, bò ăn hoặc đành để chín trên cây mặc cho chim, thú ăn.
Người dân trồng chuối đang đối mặt với vị "đắng chát” của mùa chuối năm nay. Ánh mắt của người trồng chuối đau đáu nhìn rẫy chuối nhà mình mà lòng vô vọng. Nhìn chuối chín trên cây mà lòng nặng trĩu. Chuối là loại trái cây dễ chín, khó bảo quản, khi vận chuyển đi xa dễ bị dập, hư hỏng. Hơn nữa, việc tiêu thụ chuối chủ yếu dựa vào tiểu thương nên các nhà vườn thường xuyên bị ép giá… Mặc dù từng là cây giúp không ít hộ nông dân xóa đói giảm nghèo, nhưng thời gian qua do chưa có chiến lược đầu tư đúng mức, cây chuối Kon Tum đang mất dần giá trị vốn có của nó. Không riêng cây chuối, mà một số loại cây trồng khác trên địa bàn tỉnh cũng gặp tình trạng tương tự khi phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Thêm một lần nữa, qua câu chuyện cây chuối lại gióng lên hồi chuông về “điệp khúc được mùa mất giá” của người nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Bài toán tiêu thụ nông sản xem ra vẫn chưa có lời giải…
Đắc Vinh