Hòa chung niềm vui của gia cấp công nhân và tổ chức Công đoàn cả nước ra sức thi đua lập thành tích cao nhất chào mừng kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929- 28/7/2014). Trong niềm hân hoan ấy, chúng ta cùng ôn lại lịch sử phong trào công nhân viên chức, lao động và hoạt động Công đoàn tỉnh Kon Tum trong suốt chặng đường kể từ ngày thành lập tỉnh đến nay.
 |
Trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Công đoàn cho các cá nhân |
Lịch sử phong trào công nhân viên chức, lao động ở Kon Tum
Nằm ở cực Bắc Tây Nguyên, Kon Tum trở thành một vùng chiến lược quan trọng bậc nhất tại Tây Nguyên nói riêng và cả chiến trường Đông Dương (Việt Nam- Lào- Campuchia) nói chung. Chính yếu tố đó cùng với nguồn tài nguyên phong phú, sau khi xâm lược Việt Nam, năm 1884 thực dân Pháp tiến hành đánh chiếm Tây Nguyên, nhằm thực hiện âm mưu thống trị, khai thác thuộc địa toàn Việt Nam. Đến tháng 2 năm 1887 kế hoạch đánh chiếm Kon Tum của thực dân Pháp cơ bản hoàn thành, chúng sử dụng nhiều âm mưu, thủ đoạn để thống trị và khai thác thuộc địa.
Khác với nhiều địa phương, đội ngũ công nhân, lao động ở Kon Tum hình thành muộn hơn, bởi đây là miền núi, đất rộng, người thưa, xa trung tâm, công nghiệp phát triển chậm, địa hình hiểm trở nên việc đặt hệ thống cai trị đối với Kon Tum rất khó khăn. Trong những năm thực dân Pháp chiếm đóng, ở Kon Tum không có một cơ sở công nghiệp nào, số lượng công nhân, lao động rất ít chủ yếu hình thành từ công nhân đồn điền, công nhân làm đường giao thông và một số viên chức của bộ máy hành chính, trường học, cơ sở y tế.
Cách mạng Tháng 8 thành công, chính quyền công- nông được thành lập trên cả nước. Song, một lần nữa cả dân tộc bước vào một cuộc chiến mới với thực hiện Pháp. Tại Kon Tum, lực lượng cách mạng mỏng, cơ sở sản xuất công nghiệp không có, số công nhân giao thông sau cách mạng đã trở về với gia đình. Vì vậy, phong trào cách mạng ở Kon Tum lúc bấy giờ chủ yếu dựa vào công chức trong bộ máy nhà nước, người làm công trong các công sở, đồn điền nhỏ, đời sống công nhân lao động gặp nhiều khó khăn.
Theo yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong điều kiện đã có chính quyền, lực lượng công nhân viên chức, lao động phát triển mạnh, nhiệm vụ của Đảng là phải tập hợp họ lại, đưa họ vào trong một tổ chức để xây dựng và bảo vệ chính quyền. Đầu tháng 10 năm 1945, ở Kon Tum đã cử ông Hồ Phương và ông Trần Bá thay mặt công nhân lao động dự Hội nghị Công nhân cứu quốc ở Trung bộ ông Hồ Tùng Mậu chủ trì để chuẩn bị cho Đại hội công nhân cứu quốc ở các miền tiến tới thống nhất tổ chức Công đoàn trong cả nước.
Với tinh thần đó, công nhân lao động Kon Tum như được tiếp thêm sức mạnh, tự hào được đứng trong hàng ngũ của một tổ chức quần chúng mà tôn chỉ, mục đích là bảo vệ quyền lợi, đời sống, việc làm cho người lao động, động viên họ đóng góp công sức vào sự nghiệp chung. Cuối tháng 10 năm 1945 tổ chức công nhân cứu quốc (tiền thân của tổ chức Công đoàn) ở Kon Tum được thành lập.
Ngày 20/6/1946, Hội nghị cán bộ công nhân cứu quốc đã quyết định đổi tên Hội công nhân cứu quốc thành Công đoàn và thành lập Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Với ảnh hưởng đó, công nhân lao động Kon Tum dưới sự chỉ đạo của Ủy ban cách mạng, Tỉnh ủy, Công hội đã nhanh chóng nắm bắt tình hình, triển khai nhiệm vụ cách mạng.
Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc xâm lược, đội ngũ công nhân viên chức, lao động tỉnh Kon Tum luôn sát cánh cùng với nhân dân cả nước trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Năm 1976 tỉnh Gia Lai và Kon Tum sáp nhập. Cuối năm 1977, đội ngũ CNVCLĐ Gia Lai - Kon Tum đã trưởng thành nhanh chóng về số lượng và chất lượng với tổng số trên 27 ngàn người.
Công đoàn tỉnh Kon Tum trong suốt chặng đường kể từ ngày thành lập tỉnh đến nay
Ngày 19/9/1991, đánh dấu một bước mới của tổ chức Công đoàn tỉnh Kon Tum, Ban Thư ký Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định tách Ban Chấp hành Công đoàn tỉnh Gia Lai- Kon Tum thành Ban Chấp hành Công đoàn tỉnh Gia Lai và tỉnh Kon Tum sau khi tỉnh được chia tách. Cũng thời gian đó, về tổ chức và phương thức hoạt động công đoàn từng bước được đổi mới.
Tại thời điểm đó, toàn tỉnh có 4 LĐLĐ huyện, thị xã; 3 Công đoàn ngành và 4 công đoàn cấp cơ sở. Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh có 6 đồng chí; đồng chí Đinh Văn Bích được chỉ định làm Chủ tịch LĐLĐ tỉnh. Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh ngày 25/10/1991 bầu bổ sung 7 đồng chí vào Ban Chấp hành và 2 đồng chí vào Ban Thường vụ để ổn định tổ chức, đi vào hoạt động.
Trải qua 9 kỳ Đại hội cùng chặng đường lịch sử với những đóng góp vẻ vang, từ ngày thành lập đến nay, tổ chức Công đoàn, CNVCLĐ tỉnh Kon Tum không ngừng lớn mạnh cả số lượng và chất lượng. Đến nay, toàn tỉnh có 40.431 CNVCLĐ (nữ 17.907 người, DTTS 5.370 người, đảng viên 11.055 người, đoàn viên công đoàn 33.728 người); trong đó: khu vực Nhà nước 30.852 người, khu vực ngoài nhà nước 2.876 người. Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn có 955 đơn vị (CĐCS khu vực nhà nước 859 đơn vị; khu vực ngoài nhà nước 96 đơn vị). Đội ngũ cán bộ Công đoàn chuyên trách trong toàn tỉnh có 82 người.
Với phương châm “Hướng về cơ sở, sát cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu, lấy CNVCLĐ làm đối tượng vận động” gắn với đổi mới nội dung, phương thực hoạt động Công đoàn, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng người lao động xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh. Trải qua các kỳ đại hội, Công đoàn tỉnh Kon Tum đã có những thay đổi lớn về nhận thức và hành động hướng đến mục tiêu “Dân chủ, đoàn kết, trí tuệ, đổi mới vì quyền lợi của đoàn viên và người lao động, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, góp phần xây dựng tỉnh Kon Tum phát triển”.
Thành quả của chặng đường ấy là những đổi thay, hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn ngày càng chứng tỏ được vai trò của tổ chức Công đoàn trong xu thế phát triển chung của đất nước. Người lao động gắn bó mật thiết, có trách nhiệm hơn với tổ chức Công đoàn; đội ngũ CNVCLĐ không ngừng phát triển, hoạt động Công đoàn hiệu quả hơn.
Ghi nhận những đóng góp ấy, Công đoàn tỉnh Kon Tum đã vinh dự được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 1998, hạng Nhì năm 2004 và hạng Nhất năm 2009; cùng nhiều Cờ thi đua, bằng khen của Chính phủ. Tổng LĐLĐ Việt Nam, Đảng bộ tỉnh Kon Tum, UBND tỉnh Kon Tum tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý vì đã có nhiều đóng góp to lớn trong phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn đối với công cuộc xây dựng đất nước.
Tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được thời gian quan, tin tưởng rằng đội ngũ CNVCLĐ tỉnh Kon Tum không ngừng trưởng thành, cán bộ Công đoàn sẽ phát huy truyền thống vẻ vang xây dựng tổ chức Công đoàn Kon Tum vững mạnh, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ với người lao động, vì mục tiêu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, thực hiện thắng lợi công cuộc CNH-HĐH đất nước./.
Bài, ảnh: Dương Nương