Thứ 7, Ngày 26/04/2025 -

Để Kon Tum nhanh chóng trở thành vùng trồng, chế biến dược liệu tập trung của quốc gia
Ngày đăng: 26/10/2018  01:21
Mặc định Cỡ chữ
Tỉnh Kon Tum là địa bàn có tiềm năng to lớn về phát triển dược liệu, vì vậy tại Hội nghị đầu tư và phát triển Sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác vừa được tỉnh Kon Tum phối hợp với Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT tổ chức trong tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu tỉnh Kon Tum cần chủ động, tập trung chỉ đạo để Kon Tum nhanh chóng trở thành vùng trồng, chế biến dược liệu tập trung của quốc gia, coi đó thực sự là một lĩnh vực mũi nhọn chiến lược cần đặc biệt ưu tiên phát triển.

 


Thủ tướng trồng sâm Ngọc Linh tại vườn sâm của Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum 
 
Với diện tích đất nông nghiệp và đất chưa sử dụng chiếm 94% tổng diện tích tự nhiên, khoảng gần 900.000 ha, độ che phủ rừng tự nhiên của tỉnh trên 62%, Kon Tum có tiềm năng, thế mạnh về rừng, đất lâm nghiệp và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp cho việc phát triển các loài dược liệu tự nhiên với hơn 835 loài dược liệu phân bố ở trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó có nhiều loài quý, hiếm được sử dụng để tạo ra các sản phẩm thuốc, sử dụng nhiều trong các cơ sở khám chữa bệnh và có giá trị kinh tế cao như: sâm Ngọc Linh, Đảng Sâm, Đương Quy, Nghệ vàng, Ngũ Vị Tử...
 
Quán triệt tinh thần Quyết định số 1976 và kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam, trên cơ sở kết quả điều tra, khảo sát, tỉnh Kon Tum đã phê duyệt Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 để tổ chức triển khai thực hiện.
 
Đến nay, tỉnh đã thu hút được 17 dự án đầu tư phát triển dược liệu với tổng vốn đầu tư 11.229 tỷ đồng trên quy mô 7.800 ha. Trong đó có một số dự án chiến lược của các nhà đầu tư lớn, kỳ vọng sẽ đưa các sản phẩm có chất lượng và sức cạnh tranh tiêu thụ thị trường trong nước và xuất khẩu: Dự án phát triển cây dược liệu kết hợp chăn nuôi dê sữa công nghệ cao gắn với quản lý bảo vệ rừng, kinh doanh du lịch tại huyện Kon Plông, quy mô 1.530 ha, tổng vốn đăng ký 5.100 tỷ đồng; Dự án Đầu tư quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, kết hợp bảo vệ và phát triển cây dược liệu (Sâm Ngọc Linh) dưới tán rừng tại huyện Tu Mơ Rông, quy mô 4.966 ha, tổng vốn đăng ký 4.933 tỷ đồng; Cụm nhà máy chế biến thực phẩm và dược liệu công nghệ cao Nam Kon Tum, quy mô 88,8 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 5.000 tỷ đồng...
 
Riêng đối với sâm Ngọc Linh, năm 2013, tỉnh Kon Tum đã phê duyệt Quy hoạch phát triển Sâm Ngọc Linh tỉnh Kon Tum giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025 với tổng diện tích quy hoạch phát triển Sâm Ngọc Linh là 31.742 ha, trong đó vùng lõi trồng Sâm Ngọc Linh có độ cao từ 1.500m trở lên là 16.988 ha, vùng đệm bảo vệ vùng lõi, bảo vệ môi trường, sinh thái và ổn định khí hậu tạo điều kiện thích nghi để phát triển Sâm là 14.754 ha (độ cao từ 1.200m - 1.500m).
 
Đến nay, tỉnh Kon Tum đã phát triển được khoảng trên 500 ha sâm Ngọc Linh. Sâm Ngọc Linh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận sản phẩm quốc gia, năm 2016 Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm củ của hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Và mới đây, ngày 30/7/2018 Cục Sở hữu trí tuệ đã có Quyết định số 2465/QĐ-SHTT mở rộng vùng chỉ dẫn địa lý cho tất cả 16 xã thuộc 02 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam; trong đó tỉnh Kon Tum có 09 xã thuộc hai huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông. Đây là động lực để tỉnh Kon Tum phấn đấu phát triển thành công sản phẩm Sâm Ngọc Linh trở thành sản phẩm quốc gia, sớm thương mại hoá sản phẩm và đưa thương hiệu Sâm Ngọc Linh Kon Tum ra thị trường trong nước và quốc tế.
 
Tuy nhiên, thực tiễn phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong thời gian qua cho thấy: ngành dược liệu của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, giá trị tạo ra chưa nhiều. Việc đầu tư phát triển, chế biến và sử dụng dược liệu còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, chưa hiệu quả; tình hình khai thác, buôn bán dược liệu tự nhiên chưa được kiểm soát chặt chẽ dẫn đến một số dược liệu quý hiếm có nguy cơ cạn kiệt; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ cho việc phát triển dược liệu còn hạn chế; chưa có chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển ngành dược liệu; chưa có sự liên kết chặt chẽ trong quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ dược liệu; công tác xây dựng và quảng bá thương hiệu dược liệu của tỉnh còn yếu kém.
 
Theo Đề án của tỉnh, từ nay đến năm 2020, phát triển khoảng 2.000 ha vùng nuôi trồng dược liệu tập trung đối với một số loài dược liệu có giá trị kinh tế và sức tiêu thụ mạnh trên thị trường (trong đó có ít nhất 1.000 ha Sâm Ngọc Linh) và đến năm 2030, nâng tổng diện tích vùng nuôi trồng dược liệu đạt khoảng 25.000 ha (trong đó có khoảng 10.000 ha Sâm Ngọc Linh); mỗi năm ngành dược liệu đóng góp khoảng 10% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh và phát triển vùng dược liệu tỉnh Kon Tum trở thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia trong thời gian tới.
 

Vườn sâm giống của Công ty Cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum 
 
Để triển khai hiệu quả Đề án và nhanh chóng đưa KonTum trở thành vùng trồng, chế biến dược liệu tập trung của quốc gia như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, tỉnh Kon Tum đang yêu cầu các ngành, địa phương lập kế hoạch triển khai đồng bộ từ tỉnh đến xã. Xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ hàng đầu, gắn với quảng bá, xúc tiến thương mại. Đẩy mạnh phát triển sản phẩm dược liệu và các tổ chức kinh tế tham gia phát triển dược liệu…
 
Đặc biệt, áp dụng nhiều chính sách thu hút bảo tồn, phát triển Sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác; chú trọng các chính sách khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển ngành dược liệu, phát huy vai trò hạt nhân của các doanh nghiệp, xây dựng các doanh nghiệp chủ lực, thực hiện cơ chế liên kết chặt chẽ với người dân, áp dụng các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến trong nuôi trồng, sản xuất, chế biến, thúc đẩy chế biến sâu.
 
Cùng với đó là quy hoạch, bảo tồn, đầu tư và phát triển các vùng trồng dược liệu tập trung, hình thành các vùng chuyên canh gắn với chế biến và tiêu thụ, trước mắt thực hiện đối với 10 loài dược liệu chủ lực đã được lựa chọn. Thí điểm giao rừng, cho thuê rừng đặc dụng để phát triển sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác không làm ảnh hưởng đến mục tiêu bảo tồn và phát triển rừng; xây dựng Chương trình phát triển sản phẩm và thương hiệu quốc gia cho sản phẩm sâm Ngọc Linh; thúc đẩy sự cộng tác, liên kết, chuyển giao công nghệ giữa Trung tâm và các cơ sở sản xuất, nuôi trồng, chế biến sâm Ngọc Linh; bảo đảm nguồn gen quý, chống sản phẩm giả sâm Ngọc Linh./.
Bài, ảnh: Dương Nương