Thứ 7, Ngày 26/04/2025 -

Dự báo tình hình thời tiết tháng 8 ở Kon Tum
Ngày đăng: 06/08/2014  02:58
Mặc định Cỡ chữ
 

Tháng 8 nằm trong thời kỳ ảnh hưởng gián tiếp nhưng khá mạnh của các cơn bão hoăc áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông và ở các vùng biển nước ta kết hợp gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh và ổn định nhất trong mùa mưa nên thời tiết ở Kon Tum thường có nhiều biến động, có khi gây ra những tai biến thiên tai có hại đối với đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân trong tỉnh.

Ảnh minh hoạ
 
Rõ nét nhất là tình hình mưa, ẩm. Tháng 8 được xác định là thời kỳ ẩm ướt nhất trong năm với hầu hết các ngày trong tháng bầu trời ở trong trạng thái âm u; độ ẩm không khí phổ biến ở mức trên 85%; một số ngày có có độ ẩm trên 95%. Tổng lượng mưa tháng 8 trung bình nhiều năm ở các vùng trong tỉnh đạt từ 350 – 450mm; năm ít mưa cũng đạt từ 250 – 350mm; năm mưa nhiều có thể đạt từ 450 – 600mm. số ngày có mưa trong tháng đạt từ 20 – 25 ngày; riêng khu vực núi cao thuộc các huyện Ngọc Hồi, Sa Thầy, Tu Mơ Rông hầu như ngày nào cũng có mưa, thậm chí có một số ngày có mưa liên tục không ngớt ảnh hưởng rất lớn tới đời sống sinh hoạt của Nhân dân, làm cho cây trồng chậm phát triển và giao thông đi lại rất khó khăn.
 
Tháng 8 có điều kiện nhiệt độ khá ôn hòa tạo ra kiểu thời tiết mát mẻ với nhiệt độ trung bình ngày từ 23 – 25oC ở các vùng trũng thấp; từ 21 – 23oC ở những khu vực cao hơn; nhiệt độ cao nhất tháng thường không vượt quá 32oC và thấp nhất không dưới 18oC. Chênh lêch nhiệt độ cao nhất, thấp nhất trong tháng và biên độ nhiệt hàng ngày cũng ở mức thấp, có ảnh hưởng tốt tới sức khỏe hơn so với các tháng khác trong năm.
 
Tháng 8 bước sang thời kỳ mùa lũ chính vụ trên toàn bộ hệ thống các sông suối ở Kon Tum. Là thời kỳ mưa nhiều, mặt đất luôn ở trạng thái no nước nên rất dễ xảy ra lũ, lụt, lũ quét, sạt lở đất khi có mưa to. Đối với các sông suối thuộc lưu vực sông Pô Kô, Đắk Tờ Kan, Đắk Psi tháng 8 nằm trong khoảng thời gian có nhiều khả năng xuất hiện lũ lớn nhất năm, gây ngập lụt ở các vùng trũng thấp, nhất là khi có gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh lên bột phát kết hợp với các các nhiễu động mạnh ngoài biển Đông như bão, áp thấp nhiệt đới thiết lập nên dải hội tụ nhiệt đới có trục đi ngang qua Trung bộ.
 
Tháng 8 năm 2014, xu thế diễn biến thời tiết, thủy văn ở Kon Tum được dự báo là tương đối phù hợp với quy luật nhiều năm. Thời kỳ đầu tháng Trời nhiều mây, có lúc có mưa, có ngày có mưa vừa (lượng mưa đạt từ 25 – 50mm/ngày); lượng mưa trong thời kỳ đầu tháng ở các vùng trong tỉnh đạt từ 100 - 150mm; riêng khu vực các huyện Ngọc Hồi, Tu Mơ Rông và Nam Đăk Glei có mưa từ 150 – 220mm; nhiệt độ không khí trung bình phổ biến từ 22 – 25oC, cao nhất từ  28,0 - 31,00C; thấp nhất từ : 17,0 - 20,00C.
 
Giữa tháng có xu thế giảm mưa, nắng nhiều hơn, thời tiết thuận lợi cho chăm sóc cây trồng. Thời kỳ cuối tháng thời tiết xấu hơn khi gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh trở lại đồng thời với sự ảnh hưởng gián tiếp của 1 - 2 cơn bão gây ra 2 - 3 đợt mưa vừa, mưa to; tổng lượng mưa trong thời kỳ cuối tháng có khả năng đạt từ 120 – 180mm, vùng thượng nguồn các lưu vực sông Pô Kô, Đắk PSi, Đăk Tờ Kan lượng mưa có thể đạt > 250mm. Nhiệt độ không khí trong thời kỳ cuối tháng có xu thế thấp hơn thời kỳ đầu và giữa tháng từ 0,40,8 độ C; trong khi độ ẩm không khí trung bình ngày phổ biến ở mức xấp xỉ 90% gây ra tình trạng ẩm ướt kéo dài trong nhiều ngày liên tục.
 
Tháng 8/2014, mực nước trên các sông suối có biến động mạnh và khả năng có 3 - 4 đợt lũ nhỏ đến trung bình. Các trận lũ nhỏ xảy ra trong thời kỳ đầu tháng với mực nước đỉnh lũ đạt xấp xỉ và cao hơn mức báo động cấp 1. Các trận lũ này chủ yếu xuất hiện ở các sông, suối thuộc lưu vực sông Pô Kô. Trong thời kỳ đầu tháng, khu vực các huyện Đăk Glei, Ngọc Hồi, Đăk Tô, Tu Mơ Rông cần chú ý đề phòng nguy cơ xảy ra sạt lở ở ven bờ sông suối và lũ quét ở các khe suối nhỏ. Cuối tháng, khả năng xảy ra đợt lũ lớn hơn với mực nước đỉnh lũ đạt xấp xỉ mức báo động cấp 2, xuất hiện trên các sông, suối thuộc lưu vực sông Pô Kô và thượng nguồn sông Đắk Bla, gây ngập lụt cục bộ các vùng trũng thấp. Thời kỳ này cũng có nguy cơ xảy ra hiện tượng lũ lên nhanh, lũ quét, xuất hiện ở các suối nhỏ; sạt lở đất ở các khu vực xung yếu, đất dốc.  
 
Để chủ động ứng phó với diễn biến thời tiết, hạn chế thiệt hại do thời tiết ẩm ướt và mưa lũ gây ra trong tháng 8, các địa phương cần bố trí người trực, theo dõi các bản tin dự báo khí tượng thủy văn; chuẩn bị phương tiện, lực lượng, địa điểm để có thể triển khai hỗ trợ nhân dân khi thiên tai xảy ra. Đặc biệt quan tâm đến việc tuyên truyền, vận động nhân dân tự làm tốt một số công việc như:
 
Tăng cường vệ sinh nhà cửa, đồ dùng gia đình, cá nhân, không ăn thức ăn sống; không uống nước chưa đun sôi để tránh các dịch bệnh về mùa mưa;
 
Vệ sinh chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm; không thả rông gia súc, gia cầm khi có mưa liên tục để tránh phát sinh và lây lan dịch bệnh do thời tiết ẩm ướt gây ra;
 
Tích cực làm cỏ, chăm bón cho cây trồng; thường xuyên thăm và phát hiện sớm sự xuất hiện của sâu bệnh để thực hiện các biện pháp diệt trừ;
 
Các gia đình ở vùng có nguy cơ ảnh hưởng thiên tai cần chuẩn bị sẵn lương thực và nước uống sạch đủ dùng trong khoảng 3 ngày để phòng khi thiên tai xảy ra phải sơ tán thì mang theo.
 
Nếu thiên tai xảy ra thì mọi người dân cần tuân thủ nghiêm hiệu lệnh của chính quyền địa phương để thực hiện các biện pháp phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa, bão, lũ, sạt lở đất gây ra.
 
Nguyễn Văn Huy
Trung tâm KTTV tỉnh Kon Tum