Thứ hai, Ngày 28/04/2025 -

Bài học kinh nghiệm về sự lãnh đạo của Đảng trong cách mạng tháng Tám
Ngày đăng: 15/08/2014  03:27
Mặc định Cỡ chữ
 

Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta đã từng khẳng định: “Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng: Đảng ta thật là vĩ đại”. Lời khẳng định của Người đã được chứng minh bằng những chiến công lừng lẫy của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm nên những trang vàng chói lọi trong lịch sử Việt Nam. Đó là: Đảng lãnh đạo nhân dân làm một cuộc cách mạng “long trời, lở đất”, lật đổ chế độ đô hộ kéo dài hơn 80 năm của thực dân Pháp và chế độ phong kiến kéo dài hàng ngàn năm, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc; lãnh đạo nhân dân tiến hành 2 cuộc kháng chiến trường kỳ đánh đuổi sự trở lại xâm lược đất nước ta một lần nữa của thực dân Pháp và Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ; mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc: Kỷ nguyên độc lập, hoà bình, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Sau khi thống nhất đất nước, trước những khó khăn do sự kéo dài cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, Đảng đã kịp thời lãnh đạo nhân dân tiến hành công cuộc đổi mới, vượt qua muôn trùng thách thức, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. 

Những ngày Cách mạng tháng 8 sục sôi tại Hà Nội. Ảnh tư liệu
 
Đạt được những thành tựu vĩ đại đó là do Đảng ta vô cùng sáng suốt, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng đã biết rút ra bài học kinh nghiệm, vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với thực tiễn cách mạng nên đã phát huy sức mạnh trí tuệ của Đảng; động viên tinh thần, vật chất của nhân dân cho sự nghiệp chung của dân tộc.
 
Trong rất nhiều bài học kinh nghiệm về sự lãnh đạo của Đảng, những bài học kinh nghiệm về sự lãnh đạo của Đảng và Bác trong Cách mạng Tháng Tám là vô cùng quý báu. Những bài học đó mãi mãi còn nguyên giá trị lịch sử cho hôm nay và mai sau đối với sự lãnh đạo của Đảng ta.
 
Bài học kinh nghiệm hàng đầu mà Cách mạng Tháng Tám đã để lại đó là trên cơ sở nắm chắc và phân tích đúng tình hình thực tiễn, cần phải đề ra đường lối chiến lược đúng đắn, phù hợp với từng giai đoạn cách mạng cụ thể. Khi cuộc Chiến tranh thế giới II xảy ra, Đảng ta đã kịp thời có sự chuyển hướng chiến lược; từ Hội nghị Trung ương 6 (11-1939) và Hội nghị Trung ương 7(11-1940) Đảng đã có bắt đầu có những điều chỉnh về chiến lược lãnh đạo cách mạng. Đặc biệt, tại Hội nghị Trung ương 8 (5-1941), dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với tư cách là đại diện Quốc tế Cộng sản, trên cơ sở phân tích tình hình, Đảng ta đã hoàn chỉnh sự chuyển hướng chiến lược cách mạng từ mục tiêu đánh đổ thực dân, phong kiến; chống tư sản, địa chủ sang mục tiêu của cách mạng lúc bấy giờ là giải phóng dân tộc, đánh đổ thực dân Pháp và Phát xít Nhật, chống Việt gian. Hội nghi xác định: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Trên cơ sở chiến lược cách mạng, Đảng ta đã xác định lực lượng cách mạng và đề ra phương pháp đầu tranh, tiến hành chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện, chờ đợi và thúc đẩy thời cơ cách mạng chín mùi, lãnh đạo nhân đứng lên đấu tranh vũ trang, khởi nghĩa từng phần, tiến đề Tổng khởi nghĩa 1945. Đây là bài học đầu tiên có tính quyết định để Đảng ta lãnh đạo nhân dân đứng lên làm cách mạng thành công, giành lại độc lập tự do cho đất nước.
 
Bài học kinh nghiệm thứ hai mà cuộc Cách mạng Tháng Tám để lại cho chúng ta, đó là: Đảng đã biết tập hợp, đoàn kết mọi lực lượng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vào mục tiêu chung của cách mạng. Tại Hội nghị Trung ương 8 (5-1945) Đảng đã đề ra chủ trương thành lập Việt Nam độc lập đồng minh hội (tức Mặt trận Việt Minh) để tập hợp, đoàn kết mọi giai cấp, thành phần xã hội vào Mặt trận Việt Minh (với các tổ chức trực thuộc là Hội Cứu quốc như: Hội Nông dân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc…). Tháng 6-1941 Nguyễn Ái Quốc đã gửi thư cho toàn quốc nhằm kêu gọi nhân dân đoàn kết tham gia cách mạng. Người viết: “Trong lúc quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy, chúng ta phải đoàn kết lại để đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sâu, lửa nóng…Việc cứu quốc là việc chung, ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm…”. Ngày 25-10-1941, Mặt trận Việt Minh chính thức ra đời và không ngừng lớn mạnh, là chỗ dựa vững chắc cho cách mạng. Hoạt động của Mặt trận Việt Minh đã khơi dậy tinh thần yêu nước của nhân dân, góp phần thúc đẩy thời cơ cách mạng mau chín mùi.
 
Song, trước sự lớn mạnh của lực lượng cách mạng, sự chuyển biến mau lẹ của tình hình, hoạt động của Mặt trận Việt Minh vẫn chưa đủ sức để đoàn kết rộng rãi hơn mọi thành phần đảng phái chính trị người Việt Nam trong và ngoài nước vào cuộc đấu tranh giành độc lập. Nhận thấy điều này, năm 1943, Đảng ta đã quyết định mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất với chủ trương liên minh với tất cả các đảng phái, các nhóm yêu nước trong và ngoài nước chưa gia nhập Việt Minh, đẩy mạnh công tác vận động các giai tầng xã hội (công nhân, nông dân, trí thức, tư sản, đại chủ yêu nước) tham gia. Chính vì vậy, Đảng ta đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc trong cao trào kháng Nhật cứu nước và trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám.
 
Bên cạnh việc đề ra chiến lược cách mạng phù hợp với tình hình (chuyển hướng chiến lược kịp thời) và tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc tham gia vào mục tiêu chung thì việc chớp thời cơ cách mạng, lãnh đạo nhân dân đứng lên làm cuộc cách mạng “long trời, lở đất” cũng là bài học kinh nghiệm lớn Cách mạng Tháng Tám để lại cho Đảng và nhân dân ta.
 
Chỉ 3 ngày sau khi Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), ngày 12-3-1945, Đảng ta ra Chỉ thị “Nhật- Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” để hiệu triệu toàn thể dân tộc đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Cao trào kháng Nhật cứu nước vì thế đã phát triển mạnh mẽ, tạo tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa trong toàn quốc. Ngày 16-4-1945, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị tổ chức Uỷ ban dân tộc giải phóng; tháng 5-1945, Hồ Chí Minh về Tân Trào – khu giải phóng được thành lập; 16-8-1945, Quốc dân đại hội Tân Trào diễn ra và tại Đại hội này Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam được lập ra, do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch; Uỷ ban khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1… Mệnh lệnh Tổng khởi nghĩa được phát ra với một khí thế quyết tâm ngút trời, điều đó được Bác thể hiện trong thư gửi đồng bào toàn quốc: “(…) giờ quyết định vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta”.
 
Những hoạt động lãnh đạo dồn dập, quyết liệt của Đảng trước những diễn biến của tình hình lúc bấy giờ đã nói lên Đảng ta coi thời cơ cách mạng là hết sức quan trọng và kịp thời chớp lấy khi thời cơ đến, lãnh đạo nhân dân đứng lên Tổng khởi nghĩa Tháng Tám. Trong quá trình chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, Bác cũng đã bảo: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù phải hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Với sự chớp lấy thời cơ cách mạng, Đảng đã lãnh đạo nhân dân đứng lên giành chính quyền, chỉ trong vòng 15 ngày Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám đã giành thắng lợi hoàn toàn. Ngày 2-9-1945, tại vườn hoa Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà- Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
 
69 năm đã trôi qua, song thời khắc hào hùng đó đã in sâu trong trái tim, khối óc của mọi người Việt Nam. Và, những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám mãi mãi ngời sáng trong kho tàng giá trị quý báu của Đảng ta  trong quá trình lãnh đạo cách mạng với mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” .
 
Từ Dạ Linh