Khu vực phía Nam Sa Thầy có 3 xã mới được thành lập theo Nghị quyết 126/NQ-CP ngày 20/12/2013 của Chính phủ. Do đây là một vùng đất mới nên điều kiện kinh tế-xã hội (KTXH), thiết chế hạ tầng cơ sở còn nhiều khó khăn, giao thông đi lại cách trở, dân cư sống rải rác (trong đó xã Ia Tơi có 293 hộ 851 nhân khẩu, xã Ia Đal có 805 hộ 2.310 nhân khẩu, xã Ia Dom có 348 hộ 2.303 nhân khẩu). Thế mạnh về kinh tế ở vùng đất này là cây cao su của các doanh nghiệp với tổng diện tích lên tới 17.216 ha. Đây cũng là “điểm nhấn” để thúc đẩy phát triển KTXH của các xã trong tương lai.
 |
Cây cao su-thế mạnh phát triển kinh tế của vùng Nam Sa Thầy
trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai
|
Từ xuất phát điểm thấp nêu trên, ngay từ bây giờ, các xã cần phải bàn bạc, nghiên cứu, điều tra, khảo sát điều kiện đất đai, khí hậu, đời sống dân cư; từ đó hoạch định chiến lược, mục tiêu, kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2015-2020, đặc biệt là quy hoạch chi tiết xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở đó, đưa các mục tiêu và giải pháp phát triển KTXH vào nghị quyết đại hội chi bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020 để tổ chức thực hiện.
Sau khi đã xác định được định hướng, mục tiêu phát triển KTXH, vấn đề đầu tiên các xã cần phải làm là lồng ghép các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và doanh nghiệp để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống cho nhân dân trong vùng như đường giao thông, điện, thủy lợi, trường học, trạm xá, trụ sở làm việc, hệ thống cung cấp nước sinh hoạt, thông tin liên lạc, nhà văn hóa cộng đồng, khu vui chơi thể thao, chợ nông thôn, cửa hàng thương mại...
Về kinh tế, bên cạnh diện tích cây cao su của các doanh nghiệp, cần khuyến khích nhân dân mở rộng thêm một số loại cây trồng khác như lúa nước, mỳ, bắp, cây ăn quả, rau màu, phát triển chăn nuôi gia súc và gia cầm. Đối với các hộ nghèo, cần hỗ trợ nhân dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH để họ có điều kiện phát triển kinh tế; trong đó cần quan tâm đến công tác đào tạo nghề, mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi.
Về văn hóa-xã hội, hàng năm cần huy động trẻ em trong độ tuổi ra lớp, từng bước đưa hoạt động giáo dục đi vào nề nếp, quy củ. Tuyển dụng và đưa đi đào tạo đội ngũ y tế thôn để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn. Phát triển các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT trong các tầng lớp nhân dân. Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Tăng cường sự giao lưu VH-TT giữa các cộng đồng dân cư với nhau nhằm tạo mối đoàn kết chặt chẽ, góp phần vì sự nghiệp phát triển chung của địa phương.
Thực hiện việc quy hoạch, bố trí, sắp xếp các khu dân cư một cách hợp lý, hài hòa; trong đó chú trọng mối liên kết bền vững giữa các khu dân cư là công nhân quốc phòng, công nhân các doanh nghiệp nhà nước và cư dân bản địa. Việc sắp xếp dân cư phải gắn liền công tác đảm bảo tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia. Đặc biệt phải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về an ninh, quốc phòng khu vực biên giới.
Có thể nói khu vực Nam Sa Thầy (bao gồm 3 xã mới thành lập và các xã Mô Rai, Rờ Kơi...) có tiềm năng kinh tế rất lớn. Đồng thời cũng là một địa bàn có tầm quan trọng về an ninh, quốc phòng. Việc xây dựng quy hoạch, định hướng chiến lược phát triển KTXH cho cả vùng là một việc làm cần thiết, cấp bách của các cấp, các ngành trong thời điểm hiện nay. Việc làm này nhằm “dọn cỗ”, tạo điều kiện về mặt pháp lý để Chính phủ, Quốc hội cho phép thành lập một đơn vị hành chính cấp huyện mới trên địa bàn này trong vòng 1-2 năm tới.
Bài, ảnh: Quang Định