Thứ 5, Ngày 24/04/2025 -

Không nên bỏ ngỏ Dự án phát triển đàn bò lai
Ngày đăng: 16/09/2010  08:21
Mặc định Cỡ chữ
Dự án phát triển đàn bò lai thực hiện theo chương trình giảm nghèo tỉnh đã được tổng kết. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là dự án có thực hiện nữa hay không hiện vẫn đang còn bỏ ngỏ…

Vùng bò lai Sind ở xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum

Dự án phát triển đàn bò lai thực hiện theo chương trình giảm nghèo tỉnh Kon Tum giai đoạn 2006-2010 có số vốn đầu tư 479 tỷ đồng cho các hộ dân vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh mua 75.328 con bò và 8.000 con trâu nhằm thực hiện mục tiêu phát triển đàn bò, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và giảm tỷ lệ hộ nghèo. Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản tỉnh được giao làm chủ đầu tư thực hiện dự án. Đến nay, dự án được tổng kết, đánh giá lại quá trình thực hiện. Tuy nhiên, dự án có tiếp tục triển khai thực hiện nữa hay không vẫn đang còn bỏ ngỏ.
 
Theo Sở NN&PTNT tỉnh, qua gần 5 năm thực hiện, dự án cho 1.849 hộ vay mua được 2.985 con bò, 269 con trâu cái giống; mở được 146 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho trên 6.000 hộ; hỗ trợ 678 tấn giống cỏ voi, 683 con trâu, bò đực giống lai Zê-bu cho 638 hộ; thụ tinh nhân tạo (150 liều tinh) cho đàn bò cái ở các địa phương trong tỉnh. Trong quá trình phát triển chăn nuôi, số lượng bò, trâu từ dự án do các hộ gia đình vay nuôi đã sản sinh ra được 1.863 con bò nghé, trâu nghé (gồm 1.763 con bò nghé và 100 con trâu nghé); số trâu, bò đực giống phối giống sinh ra 3.109 con bò nghé và 706 con trâu nghé... Kết quả, dự án đã góp phần nâng tỷ lệ đàn bò lai toàn tỉnh từ 20% năm 2005 lên 25% năm 2009. Các hộ gia đình được vay vốn phát triển chăn nuôi đã biết nắm bắt, áp dụng kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng bệnh, góp phần thay đổi tập quán, phương thức chăn nuôi của người dân địa phương. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện dự án chậm và chưa đạt được các mục tiêu đã đề ra. Điều đáng nói là số trâu, bò sau khi cung ứng, hỗ trợ cho dân bị chết, mất 839 con, chiếm tỷ lệ 21,31%. Nguyên nhân trong quá trình triển khi thực hiện, Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản tỉnh đã làm phát sinh, lây lan dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) gây thiệt hại nặng cho đàn bò, trâu của dự án và ngoài dự án. Nhiều con trâu, bò của dự án đã bị chết hoặc bị tiêu hủy do dịch bệnh LMLM. Nhiều hộ gia đình đã tự ý bán, trao đổi trâu, bò của dự án. Chính quyền các địa phương và các ngành có liên quan chưa có các biện pháp để giúp người dân phát triển chăn nuôi và kịp thời ngăn chặn người dân tự ý bán, đổi trâu, bò của dự án... 
 
Qua đánh giá lại quá trình triển khai thực hiện, nhiều người cho rằng hiệu quả thực hiện dự án không cao và nên cho ngừng dự án. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, nên khảo sát lại thực trạng phát triển chăn nuôi, xem xét lại phương thức quản lý thực hiện dự án, chuyển sang một hình thức khác phù hợp hơn, trong đó chú trọng đầu tư phát triển chăn nuôi trâu, bò ở những vùng thuận lợi và không nhất thiết phải tăng cơ học (nhập bò, trâu giống từ các tỉnh khác) đàn trâu, bò vì ít phù hợp với khí hậu của địa phương. Không nên bỏ ngỏ dự án, bởi nguồn vốn đầu tư của dự án còn khá lớn và dựa trên nguyện vọng của người dân, chúng tôi nghiêng về ý kiến thứ hai. Hơn nữa tỉnh ta có tài nguyên rừng và đất rừng phong phú, có nhiều trảng cỏ rất thuận lợi để phát triển chăn nuôi. Việc chăn nuôi trâu, bò không phải bây giờ mới phát triển mà từ lâu người dân đã phát triển. Theo số liệu thống kê, tổng đàn trâu tỉnh hiện có đàn trâu 20.847 con và đàn bò 73.238 con. Thực tế ở nhiều địa phương, có nhiều hộ gia đình phát triển đàn trâu, bò lên đến hàng chục con, thậm chí hàng trăm con. Con trâu, con bò ngoài việc cung cấp sức kéo, phân bón, còn giúp cho nhiều hộ gia đình có cuộc sống ổn định và khá giả.
 
Việc dự án triển khai không có hiệu quả là do phương thức tổ chức triển khai, điều hành và thiếu sự sự quan tâm vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, các ngành chứ không phải việc phát triển chăn nuôi trâu, bò ở tỉnh không hiệu quả. Chừng nào việc cơ giới hóa ở nông thôn chưa phát triển mạnh, con trâu, con bò vẫn là “đầu cơ nghiệp của người nông dân”, nhất là đối với người nghèo. Chính vì vậy, theo thiển ý của chúng tôi, dự án đàn bò lai thực hiện chương trình giảm nghèo ở tỉnh cần tiếp tục triển khai thực hiện. Khi triển khai, chủ dự án nên rút kinh nghiệm, không nên đưa bò lai lên những vùng lạnh ở vùng đông Trường Sơn (vùng này nên đưa giống bò đã thích nghi với khí hậu ở địa phương); khi nhập bò chủ dự án phải tuân thủ các quy định phòng chống dịch bệnh theo quy định của pháp luật trước khi cung ứng cho dân, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng gây thiệt hại nặng cho người chăn nuôi. Không nên bỏ ngõ dự án.
Bài và ảnh: Văn Nhiên