Bên cạnh chính sách đặc thù của Trung ương về phát triển dược liệu, Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum cũng đã ban hành chính sách đặc thù để thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và hộ gia đình trong, ngoài tỉnh đầu tư phát triển dược liệu.
Cụ thể về hỗ trợ giống phát triển một số loài dược liệu chủ lực như: Sâm Ngọc Linh Kon Tum, Đảng sâm Kon Tum và Đương quy Kon Tum:
Đối với Sâm Ngọc Linh Kon Tum: Hỗ trợ một phần chi phí cho Nhà đầu tư (có vườn giống gốc được tỉnh công nhận) sản xuất giống sâm Ngọc Linh để hỗ trợ lại giống cho hộ gia đình, cá nhân, nhóm hộ, cộng đồng dân cư tham gia liên kết với trồng sâm Ngọc Linh với Nhà đầu tư. Mức hỗ trợ 50.000.000 đồng/ha sâm trồng liên kết; diện tích hỗ trợ không quá 10 ha/01 Nhà đầu tư. Ưu tiên hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân là người dân tộc thiểu số tham gia nhóm hộ, cộng đồng dân cư được giao khoán quản lý bảo vệ rừng trong vùng quy hoạch theo thứ tự: Vùng có chỉ dẫn địa lý, các vùng còn lại.
Đối với Đảng sâm Kon Tum, Đương quy Kon Tum: Hỗ trợ một lần 50% chi phí mua cây giống cho hộ gia đình, cá nhân; đối với hộ nghèo hỗ trợ một lần 100% chi phí mua cây giống, chi phí mua phân bón hữu cơ vi sinh theo định mức cho chu kỳ đầu. Diện tích hỗ trợ mỗi hộ tối đa là 1.000 m2. Đối tượng hỗ trợ là cá nhân, hộ gia đình người dân tộc thiểu số sinh sống tại 3 huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Kon Plông và những vùng khác trên địa bàn tỉnh có điều kiện thích hợp để trồng Đảng sâm Kon Tum hoặc Đương quy Kon Tum. Ưu tiên hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân tham gia nhóm hộ, cộng đồng dân cư quản lý, bảo vệ rừng, tham gia tổ chức đại diện nông dân. Mỗi hộ gia đình chỉ được hỗ trợ chi phí mua giống một trong hai loại dược liệu nêu trên.
Hỗ trợ về đất đai: Miễn lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân sử dụng vào mục đích trồng dược liệu trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị định số 65/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 của Chính phủ về chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu.
|
Sơn Tra, Đinh lăng, sâm dây...
|
Theo Đề án của tỉnh, từ nay đến năm 2020, phát triển khoảng 2.000 ha vùng nuôi trồng dược liệu tập trung đối với một số loài dược liệu có giá trị kinh tế và sức tiêu thụ mạnh trên thị trường (trong đó có ít nhất 1.000 ha Sâm Ngọc Linh) và đến năm 2030, nâng tổng diện tích vùng nuôi trồng dược liệu đạt khoảng 25.000 ha (trong đó có khoảng 10.000 ha Sâm Ngọc Linh); mỗi năm ngành dược liệu đóng góp khoảng 10% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh và phát triển vùng dược liệu tỉnh Kon Tum trở thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia trong thời gian tới./.
Bài, ảnh: Dương Nương