Thứ 5, Ngày 15/05/2025 -

Nhiều mô hình, điển hình "Dân vận khéo" mang lại lợi ích thiết thực trong đời sống
Ngày đăng: 30/08/2017  09:25
Mặc định Cỡ chữ
Sau hơn 8 năm triển khai thực hiện Kế hoạch 70-KH/BDVTW, ngày 26-02-2009 của Ban Dân vận Trung ương về phong trào “Dân vận khéo”, công tác dân vận trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Nhiều mô hình, điển hình "Dân vận khéo" của tập thể, cá nhân với nhiều cách làm hay, những việc làm sáng tạo mang lại lợi ích thiết thực trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

 


Đảng viên thôn Kon Rế, xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà họp bàn triển khai công tác "Dân vận khéo" tại thôn
 
Đó là, bước đầu đã có sự đổi mới về phương pháp, cách thức tuyên truyền, vận động theo hướng cụ thể hơn, có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các tổ chức làm công tác dân vận trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước tại địa phương. 
 
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã có những tác động tích cực đến việc thực hiện Quy chế dân chủ gắn với cải cách hành chính; vận động nhân dân tích cực lao động sản  xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng các thành tựu khoa học vào sản xuất, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia, đóng góp hàng chục tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng  cho chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn…
 
Thông qua phong trào thi đua "Dân vận khéo" đã tác động tích cực, làm chuyển biến mạnh mẽ ý thức trách nhiệm và phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở theo hướng sát cơ sở hơn; phương châm " trọng dân, gần dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân" đã và đang thực sự đi vào cuộc sống; góp phần quan trọng trong việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị.
 
Toàn tỉnh đến nay đã xây dựng được 1.016 mô hình "Dân vận khéo" trong các lĩnh vực như: về kinh tế - xã hội 630 mô hình; về giữ gìn an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội 172 mô hình, về xây dựng hệ thống chính trị 214 mô hình. Trong đó, các cơ quan cấp tỉnh xây dựng được 32 mô hình, cấp huyện xây dựng được 110 mô hình, cấp cơ sở xây dựng được 874 mô hình.
 
Qua triển khai thực hiện, một số mô hình bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực, phù hợp với nuyện vọng của các tầng lớp Nhân dân, được Nhân dân nhiệt tình hưởng ứng như: Mô hình vận động Nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới của xã Đắk Mar, huyện Đăk Hà và xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum; Mô hình chăn nuôi đại gia súc có chuồng trại và phân công hợp tác trong chăn dắt trâu của xã Pờ Ê (huyện Kon Plông); mô hình vận động cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang đóng góp xây dựng nhà văn hóa cộng đồng tại xã Rờ Kơi, sân vận động và sân khấu ngoài trời tại xã Mo Ray của Công ty 78, mô hình vận động Nhân dân tham gia "phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới" của đội an ninh Công an huyện Đắk Tô...
 
Kết quả triển khai thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo" hơn 8 năm qua đã có 50 mô hình tập thể và cá nhân tiêu biểu được Trung ương và tỉnh khen thưởng, trong đó có 07 mô hình được giới thiệu báo cáo điển hình tại Hội nghị toàn Quốc tổng kết phong trào thi đua "Dân vận khéo" do Ban Dân vận Trung ương tổ chức và nhiều mô hình được cấp huyện và cơ sở khen thưởng.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào thi đua “Dân vận khéo” thời gian qua còn những tồn tại, hạn chế như một số phong trào chưa đi vào chiều sâu, phạm vi hẹp, số lượng người tham gia còn ít. Một số địa phương còn lúng túng trong công tác triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo”; việc đăng ký mô hình có nơi còn hình thức; công tác kiểm tra, đôn đốc chưa thường xuyên; Việc nhân rộng các mô hình hay, hiệu quả ra diện rộng còn hạn chế; Công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng các phong trào “Dân vận khéo” trên một số lĩnh vực đang có nhiều sự quan tâm của người dân như: vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý bảo vệ rừng, lạm dụng bia rượu trong thanh niên nông thôn, sinh nhiều con ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đạo…chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả còn thấp; Việc xây dựng các mô hình vận động cá biệt chưa được quan tâm chú trọng, hiệu quả còn thấp, nhất là tuyên truyền, vận động giải quyết các tranh chấp ở cơ sở, đền bù giải phóng mặt bằng, khiếu nại, tố cáo…
 
Nguyên nhân chủ yếu là do một số cấp ủy chưa xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện, nhất là ở cơ sở. Chưa có sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy và sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành; chưa tạo thành phong trào rộng khắp, thường xuyên trong cả hệ thống chính trị; Nội dung tuyên truyền, vận động còn dàn trải, một số nơi chưa sát tình hình thực tế tại cơ sở. Phương pháp chậm đổi mới, thiếu tính trực quan sinh động nên thu hút được nhiều người tham gia; Đội ngũ làm công tác dân vận, nhất là ở cơ sở còn hạn chế về chuyên môn, chế độ đãi ngộ thấp nên chưa thật sự tâm huyết với công việc.
 
Ông Nguyễn Thanh Hà – Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: Để đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của phong trò thi đua “Dân vận khéo theo Kế hoạch số 771-KH/BDVTW của Ban Dân vận TW” trong thời gian tới, Ban Dân vận tỉnh tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Chỉ đạo triển khai quán triệt, tổ chức việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với triển khai chương trình, hành động thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03-6-2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”.
 
Ngoài ra, nghiên cứu, tổng hợp và phổ biến những kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo; nhân rộng và duy trì, phát triển bền vững các mô hình “Dân vận khéo” đã có. Đồng thời, xây dựng các mô hình mới, thiết thực, tập trung vào các lĩnh vực mà nhân dân đang quan tâm. Kết hợp vận động tập trung với vận động cá biệt; Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền vận động theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, sát cơ ở, trực quan sinh động; Củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác dân vận ở cơ sở. Tổ chức tập huấn nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ; Tăng cường bố trí kiêm nhiệm các chức danh không chuyên trách ở cấp xã để nâng cao thu nhập; Phát huy trách nhiệm nêu gương, tự giác của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác, trong sinh hoạt để quần chúng Nhân dân tin tưởng và noi theo; Xây dựng và thực hiện phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” và tập trung giải quyết kịp thời những vướng mắc, kiến nghị của Nhân dân ngay từ cơ sở.
Bài, ảnh: Dương Nương