 |
Cây cà phê bị bọ cánh cứng ăn trụi lá |
Bọ cánh cứng nhỏ và có màu đen, nhìn rất giống hạt đậu đen. Chúng gây hại cho cây cà phê bằng cách ăn trụi lá non và ngọn cây. Tầm bay của chúng thấp, vì vậy những cây cà phê bị chúng hại chủ yếu là mới trồng hoặc vài năm tuổi nên thấp và nhiều lá non. Chúng gây hại vào ban đêm, còn ban ngày thì chui xuống đất sát gốc cây cà phê để trú ngụ.
Bắt đầu xuất hiện cách đây gần 4 tháng và tính đến giữa tháng 8, bọ cánh cứng đã gây hại trên 23 ha cây cà phê ở giai đoạn trồng mới và kiến thiết cơ bản tại huyện Đăk Hà, trong đó chủ yếu là diện tích của Công ty TNHH MTV Cà phê 704 - 18 ha; còn lại tập trung ở thị trấn Đăk Hà 3 ha, xã Đăk Mar 1 ha, xã Hà Mòn 1 ha, tỷ lệ hại 50%, mật độ khoảng 10 con/gốc.
Bọ cánh cứng có khả năng sinh sản mạnh và di chuyển nhanh nên có thể gây hại lại sau chu kỳ 10-15 ngày. Bọ cánh cứng đang có xu hướng tăng mật độ (mật độ khoảng 20 con/m2) và khả năng gây hại (tỷ lệ gây hại trên 50%). Hiện đã có khoảng 2 ha cà phê của Công ty TNHH MTV Cà phê 704 bị bọ cánh cứng ăn trụi lá non, các hộ nông dân cưa gốc nuôi chồi tái sinh mới.
Công ty TNHH MTV Cà phê 704 đã tổ chức triển khai phun và rải thuốc bảo vệ thực vật nhiều lần. Qua kiểm tra thực tế cho thấy hiệu quả phòng trừ đạt trên 90-95%. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 10 ngày thì đến nay bọ cánh cứng lại xuất hiện nhiều trở lại và tiếp tục gây hại thêm nhiều diện tích cà phê ở huyện Đăk Hà, nhiều nhất vẫn là diện tích của Công ty TNHH MTV Cà phê 704.
Trước diễn biến phát sinh gây hại của dịch bọ cánh cứng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật phối hợp với Công ty TNHH MTV 704, chính quyền, người nông dân các xã, thị trấn có diện tích cà phê bị thiệt hại do bọ cánh cứng tổ chức kiểm tra thực tế, hướng dẫn biện pháp phòng trừ dịch bọ cánh cứng.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã triển khai thực hiện việc hướng dẫn các biện pháp phòng trừ bọ cánh cứng trên cây cà phê và phối hợp với UBND các huyện, thành phố; các tổ chức, doanh nghiệp trồng cà phê; các cơ quan thông tin đại chúng hướng dẫn, tuyên truyền đến người trồng cà phê các biện pháp phòng trừ hiệu quả.
Ngoài phun thuốc, nông dân còn đi bắt bọ cánh cứng để tiêu hủy
Để hạn chế tối đa thiệt hại do loài bọ cánh cứng này gây ra và tránh lây lan sang các vùng khác, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hướng dẫn bà con các biện pháp phòng trừ như tiếp tục sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phun kép mỗi đợt cách nhau 7-10 ngày theo khuyến cáo thời gian cách ly trên nhãn thuốc; nên sử dụng thay đổi các loại thuốc chứa các hoạt chất khác nhau để tránh hiện tượng kháng thuốc.
Ngoài ra, để đạt hiệu quả cao cần tiến hành xử lý đồng loạt và trên cả diện tích lân cận; thời điểm xử lý thuốc vào chiều tối lúc bọ cánh cứng gây hại chui từ dưới đất lên và bắt đầu bay đi ăn lá non. Trường hợp thời điểm phòng trừ gặp trời mưa, cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật kết hợp với chất bám dính để tăng khả năng bám dính cho thuốc giúp tăng hiệu quả phòng trừ.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh cũng đã ban hành văn bản 2232/UBND-NNTN yêu cầu UBND các huyện, thành phố và Công ty TNHH MTV cà phê 704 chỉ đạo các đơn vị chuyên môn chủ động thực hiện các biện pháp phòng trừ bọ cánh cứng trên cây cà phê theo hướng dẫn của Sở NN&PTNT.
Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng trừ bọ cánh cứng cho người dân trên các địa bàn có trồng cà phê biết, phòng trừ; Tiếp tục rà soát, thống kê diện tích bị bọ cánh cứng gây hại, mức độ thiệt hại, báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật) để theo dõi, chỉ đạo kịp thời.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cử cán bộ bám sát địa bàn, theo dõi và kịp thời hướng dẫn các địa phương, đơn vị và người dân các biện pháp phòng trừ bọ cánh cứng theo đúng quy trình kỹ thuật và khuyến cáo của nhà sản xuất sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật.
Bài, ảnh: Dương Nương