TNGT là một vấn đề rất nóng trong xã hội hiện nay. Hậu quả mà xã hội phải gánh chịu do TNGT rất lớn, đòi hỏi sự vào cuộc của toàn xã hội để giảm thiểu vấn nạn này. Vì vậy, hạn chế TNGT thì trách nhiệm toàn xã hội của tất cả mọi người chứ không chỉ riêng ai. Mỗi người hãy nêu cao ý thức chấp hành, ứng xử có văn hoá thì ắt tai nạn sẽ giảm.
 |
Hãy nêu cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ
|
“An toàn giao thông là trách nhiệm của mọi người, mọi nhà và cả xã hội”, “Hãy ứng xử văn hoá khi tham gia giao thông”…là thông điệp trên những tấm panô tuyên truyền trên các tuyến đường phố không chỉ ở tỉnh ta mà trong cả nước và đó cũng là thông điệp mà Chính phủ, Uỷ Ban ATGT quốc gia thường xuyên chỉ đạo đến các địa phương nhằm hạn chế TNGT. Điều đó đòi hỏi tất cả chúng ta hãy nhận thức sâu sắc và đúng về vấn đề ATGT và bằng việc làm của mình trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Mỗi lời nói gắn với việc làm của mỗi người, tuy rất nhỏ nhưng có ý nghĩa vô cùng lớn đối với bản thân, gia đình và xã hội. Chấp hành đúng pháp luật về ATGT để đem lại hạnh phúc cho mình, cho mọi người, mọi nhà và cho toàn xã hội.
Chỉ cần mỗi chúng ta ứng xử thiếu văn hoá, thiếu ý thức chấp hành thì để lại hậu quả to lớn. Đã có hàng nghìn người con mất cha, vợ mất chồng, gia đình mất đi người thân và hậu quả của nó để lại cho xã hội thật to lớn. Những trẻ em mất cha, mất mẹ trở thành mồ côi không nơi nương tựa; những người bố, người mẹ quặn đau tiễn đưa những người con mà bao năm nuôi dưỡng chăm sóc trưởng thành. Và càng đau lòng hơn khi hàng nghìn, hàng trăm nghìn người bị thương tật suốt đời gia đình, xã hội phải chăm lo, nuôi dưỡng vì TNGT. Tất cả đều do tai nạn giao thông mang lại bởi người điều khiển phương tiện thiếu ý chức chấp hành Luật Giao thông đường bộ; do lạng lách, đánh võng, do máu “anh hùng rơm” của những thanh niên thiếu ý thức học tập, rèn luyện, chỉ biết ăn chơi, hưởng thụ đã tụ tập đua xe; do sự vội vã của những người khi tham gia giao thông… Chính bởi những lý do đó mà hàng năm Chính phủ, Uỷ Ban ATGT quốc gia lấy làm năm an toàn giao thông nhằm xây dựng một xã hội giao thông văn minh để không còn những nỗi đau, những mất mát, những người con phải mất cha, người vợ mất chồng, người mẹ mất con…
Một vấn đề nổi cộm hiện nay là giáo dục an toàn giao thông trong nhà trường gần như năm nào lực lượng chức năng cũng tổ chức tuyên truyền ngay từ đầu năm học; nhà trường cũng có quy định, cam kết với học sinh, gia đình nhưng trên thực tế không chỉ ở tỉnh ta mà trong cả nước tình trạng học sinh vi phạm quy định TTATGT vẫn khá nhiều, đặc biệt là tại các trường trung học phổ thông. Vẫn còn nhiều trường hợp học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe máy, không có bằng lái xe, vượt đèn đỏ, lạng lách đánh võng, đi hàng ba, hàng bốn trước cổng trường và trên những tuyến đường. Bên cạnh đó, không chỉ có học sinh, ngay cả phụ huynh vô tư đứng đón con tràn lề đường gây khó khăn cho người và phương tiện qua lại.
Một vấn đề nữa là hiện nay, một số cơ quan, đơn vị, địa phương cấp uỷ, chính quyền vẫn có tư tưởng giao khoán cho lực lượng chuyên trách trong việc tổ chức thực thi pháp luật về trật tự ATGT; chưa chú trọng công tác kiểm tra, đôn đốc; chưa thực hiện trách nhiệm và vai trò lãnh đạo trong công tác bảo đảm trật tự ATGT.
Trách nhiệm ở đây không chỉ có lực lượng chức năng mà đòi hỏi cần có sự vào cuộc của toàn xã hội mà trước tiên là trách nhiệm cuả người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị, cấp uỷ, chính quyền địa phương và mỗi cán bộ công chức, đảng viên phải là người gương mẫu đi đầu chấp hành đúng quy định của pháp luật về ATGT...
Vì vậy, để hạn chế TNGT, mỗi người tham gia giao thông cần phải học tập và hiểu rõ Luật Giao thông đường bộ, đồng thời cần học cách ứng xử khi tham gia giao thông. Không chỉ là nhường nhịn nhau khi tham gia giao thông mà còn cần tích cực cứu giúp những người gặp tai nạn giao thông... Đó là cách ứng xử văn hoá và là trách nhiệm của mỗi chúng ta.
Phúc Nguyên