30 năm là thời gian tuy không dài, nhưng ngoảnh lại lớp người mở đất xây dựng vùng đất Đăk Uy, Hà Mòn ngày nào nay đã luống tuổi. Có người đã nghỉ hưu, cũng có người đi vào cõi vĩnh hằng. Sự hy sinh và những đóng góp của thế hệ đi trước cùng với sự tiếp nối năng động của thế hệ trẻ ngày nay không chỉ đưa Công ty phát triển bền vững, mà còn góp phần làm nên một xã Hà Mòn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh, một Đăk Hà anh hùng trong thời kỳ đổi mới…
 |
Cà phê của Công ty đang sai quả
|
Cách đây 30 năm (ngày 17/11/1984), Nông trường Cà phê Đăk Uy I được thành lập (trực thuộc Liên hiệp Xí nghiệp Cà phê Việt Nam), nay là Công ty Cà phê Đăk Uy (thuộc Tổng công ty Cà phê Việt Nam). Ngày đầu mới thành lập, những cán bộ, chiến sỹ từ Đoàn 331 (Quân khu V) được Nhà nước giao quản lý 1.500 ha đất tự nhiên, trong đó có 173 ha cà phê được Nông trường Đăk Uy II bàn giao sang. Thời gian và trải qua thăng trầm, nhưng những cán bộ, công nhân Công ty vẫn vững vàng đi lên cùng với cây cà phê.
Theo giám đốc Công ty Vũ Thanh Huyền, sự phát triển Công ty có được như ngày hôm nay gắn liền với những người lính đi mở đất và những lao động từ các tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Nghệ An, Hà Tỉnh, Quảng Bình cùng một số địa phương khác ở đồng bằng chỉ quen với nghề trồng lúa nước, chài lưới …đến vùng đất Hà Mòn với hai bàn tay trắng. Cuộc “khai sơn phá thạch” ở vùng đất bị ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh này là một thử thách lớn đối với người lao động, không ít người đã ra đi vì nước độc, vì sốt rét rừng. Tuy nhiên, với bản lĩnh anh bộ đội cụ Hồ trong “cuộc chiến” mới, họ từng bước khắc phục và gắn bó với cây cà phê. Thế nhưng khi cây cà phê đang bắt đầu cho quả, thì Hiệp định hợp tác quốc tế giữa Việt Nam với các nước trong phe xã hội chủ nghĩa (XHCN) như Liên Xô, Tiệp Khắc, Bungari… hết hiệu lực do hệ thống XHCN ở Đông Âu tan rã. Trong “cái khó ló cái khôn”, Nghị quyết X của Bộ Chính trị đã được lãnh đạo Nông trường kịp thời áp dụng khoán vườn cây cho người lao động. Tuy nhiên, lúc này cơ chế khoán mới còn manh nha, quyền lợi và trách nhiệm của người lao động chưa rõ ràng, chất lượng vườn cây thấp. Xuất phát từ thực tế, Đảng ủy, Ban giám đốc Nông trường lúc đó đã mở các hội nghị lấy ý kiến người lao động, áp dụng cơ chế khoán sản phẩm cuối cùng đến người lao động. Với cơ chế khoán này, tiềm năng và sức lao động sáng tạo của người lao động được phát huy. Đến cuối năm 1989, diện tích cà phê Nông trường chăm sóc ổn định 434 ha.
Theo cùng với sự đổi mới của đất nước, khó khăn ngày nào rồi cũng qua đi, nhất là trong năm 1994, cà phê được mùa, được giá, người lao động được dịp mở mày mở mặt. Theo đó, năng suất cà phê từ 346 kg nhân/ha ( năm 1988) lên 2,2 tấn nhân/ha (năm 1994), 3 tấn nhân/ha (năm 1997)… Để đáp ứng yêu cầu đặt ra, ngày 1/8/1998, Nông trường chuyển đổi thành Công ty Cà phê Đăk Uy. Trong giai đoạn này, Công ty không chỉ đầu tư xây dựng nhiều công trình quốc kế dân sinh (trụ sở làm việc khang trang, đường giao thông đến các khu sản xuất, hồ chứa nước, nhà máy chế biến, đường điện trung-hạ thế phục vụ yêu cầu sản xuất và nhu cầu đời sống dân cư, sân phơi…) mà còn đóng góp nhiều cho công tác an sinh xã hội và sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp thường chịu tác động mạnh quy luật cung cầu của thị trường. Từ năm 1999-2006, cà phê liên tục rớt giá, giá bán thấp hơn giá thành, doanh nghiệp nợ đọng và thua lỗ. Đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, thực hiện sự chỉ đạo của Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Công ty Cà phê Đăk Uy đã xây dựng kế hoạch hạ giá thành sản phẩm và chuyển đổi một số diện tích cà phê kém quả sang trồng cao su. Từ năm 2007 đến nay, giá cà phê tương đối ổn định, cao su được giá (2008-2011), Công ty không chỉ làm ăn có lãi, đời sống của người lao động được nâng cao mà còn trả được các khoản nợ ngân hàng tồn đọng từ những năm trước để lại và tiếp tục đóng góp nhiều cho công tác an sinh xã hội ở địa phương.
Theo đánh giá, Công ty hiện có 365 ha cà phê, 92 ha cao su và 430 hộ nhận khoán. Mặc dù cây cà phê được trồng trước đây phần nhiều đã hết chu kỳ kinh doanh, nhưng nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh và “trẻ hóa” vườn cây, cà phê của Công ty vẫn cho năng suất bình quân đạt 3,5 tấn nhân/ha/năm; còn cao su đạt 5 tấn mủ nước/ha/năm. Bình quân hàng năm, Công ty đạt doanh thu trên 50 tỷ đồng, lợi nhuận trên 5,5 tỷ đồng, nộp ngân sách 1,5 tỷ đồng, thu nhập của người lao động 60 triệu đồng/người... 100 cán bộ, công nhân lao động có nhà xây, 26% hộ giàu, 60% hộ khá, 14% hộ trung bình, không còn hộ nghèo.
Trao đổi về quá trình lập nghiệp, anh Nguyễn Duy Thuần (công nhân Đội 2), quê gốc Thái Bình cho biết: Là người lính xuất ngũ, tôi vào đây lập nghiệp đã 21 năm. Từ đôi bàn tay trắng không có công ăn việc làm ở quê, nghe theo tiếng gọi của Nông trường, tôi vào nhận khoán 1 ha cà phê. Từ vườn cà phê nhận khoán, đến nay, gia đình tôi phát triển thêm được 3 ha cà phê rẫy. Bình quân mỗi năm thu gần 20 tấn cà phê nhân, doanh thu 600 triệu đồng và lãi ròng gần 400 triệu đồng. Từ cây cà phê, gia đình sắm được xe công nông, máy tưới, máy phun thuốc phục vụ sản xuất. Không có Nông trường, không có Công ty, tôi không thể có cuộc sống như hôm nay.
Còn anh Đào Xuân Sơn (công nhân Đội 3) khẳng định: Tuy không phải là lớp người đi khai hoang, mở đất, vào đây mới 13 năm, nhận khoán 1 ha cà phê, nhưng gia đình tôi có tất cả. Nhà cửa, con cái ổn định, tiện nghi sinh hoạt đầy đủ. Ngoài sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C, gia đình còn mở rộng chăn nuôi gà, vịt, buôn bán. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình tôi còn lãi trên 100 triệu đồng.
30 năm là thời gian tuy không dài, nhưng ngoảnh lại lớp người mở đất xây dựng vùng đất Đăk Uy, Hà Mòn ngày nào nay đã luống tuổi. Có người đã nghỉ hưu, cũng có người đi vào cõi vĩnh hằng. Sự hy sinh và những đóng góp của thế hệ đi trước cùng với sự tiếp nối năng động của thế hệ trẻ ngày nay không chỉ đưa Công ty phát triển bền vững, mà còn góp phần làm nên một xã Hà Mòn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh, một Đăk Hà anh hùng trong thời kỳ đổi mới.
Mặc dù còn nhiều việc phải làm, phải tiếp tục đổi mới trong sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế hội nhập, nhưng các thế hệ gắn bó với cây cà phê ở đây có quyền tự hào về những gì mình đã đóng góp cho vùng đất mới, có quyền tự hào về việc Công ty được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng nhì năm 2014.
Văn Nhiên