Thứ hai, Ngày 29/04/2024 -

Xử lý chất thải chăn nuôi bằng bể biogas composite: Lợi ích nhiều bề
Ngày đăng: 12/11/2014  03:24
Mặc định Cỡ chữ
 

Ở nhiều xã, phường thành phố Kon Tum nhiều người phát triển chăn nuôi heo. Tuy nhiên, việc xử lý chất thải chăn nuôi bằng biogas composite để giảm thiểu ô nhiễm môi trường ít hộ quan tâm và chú ý đến. Vì vậy, Trung tâm Khuyến nông-khuyến ngư tỉnh đã triển khai mô hình xử lý chất thải chăn nuôi heo bằng bể biogas composite cho một số hộ ở phường Trần Hưng Đạo và xã Đăk Blà… để làm cơ sở cho việc nhân rộng mô hình.

Tận dụng ga từ bể biogas để đun nấu
 
Bàn về việc xử lý thất thải chăn nuôi heo bằng bể biogas composite, anh Đỗ Đình Tân - Tổ 6 phường Trần Hưng Đạo cho biết, gia đình tôi phát triển chăn nuôi heo thường làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, nhất là viêc học tập các cháu ở lớp mẫu giáo gần nhà. Sau khi Trung tâm Khuyến nông-khuyến ngư tỉnh tổ chức hỗ trợ triển khai mô hình, gia đình ông đã đăng ký và cán bộ đến hưỡng dẫn kỹ thuật lắp ráp hệ thống xử lý chất thải bằng bể biogas composite. Tổng chi phí lắp đặt 1 bể biogas composite có giá trị 16 triệu đồng, trong đó Trung tâm hỗ trợ 12 triệu đồng, còn lại gia đình bỏ ra đối ứng 4 triệu đồng. Từ ngày có bể, việc phát triển chăn nuôi heo của gia đình ông không còn mùi hôi làm ảnh hưởng đến môi trường như trước.
 
Vừa trao đổi, anh Tân vừa dẫn tôi ra thăm chuồng heo. Đàn heo lứa trong chuồng của gia đình anh khoảng 15 con (mỗi con khoảng 60 kg) nhưng tuyệt nhiên không nghe mùi hôi. Hàng ngày anh thường xuyên dùng vòi nước dọn vệ sinh trong chuồng. Phân heo và nước bẩn theo đường ống dẫn ra bể biogas đặt sau chuồng heo. Khí ga được hình thành từ sự phân hủy của phân heo được dẫn vào hệ thống bếp, đèn để đun nấu và thắp sáng. Thực hiện mô hình, việc chăn nuôi không chỉ đảm bảo môi trường mà gia đình anh còn giảm được một khoản chi phí mua củi, gas nhờ vào sử dụng gas từ bể biogas. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn được anh rất vui là từ ngày ứng dụng mô hình, không ai còn ai ý kiến về nuôi heo gây hôi nữa.
 
Ở một hộ khác trong phường Trần Hưng Đạo cũng mới được Trung tâm hỗ trợ là ông Hồ Lệ, tổ 6. Khi chúng tôi đến tham quan mô hình, đàn heo trong chuồng của nhà ông có trên 30 con heo lứa và heo nái, nhưng cũng không nghe mùi hôi. Ông bảo việc tham gia ứng dụng mô hình, gia đình chỉ bỏ ra 25% vốn đối ứng so chi phí lắp đặt 1 bể biogas. Toàn bộ chi phí bể biogas composite (gồm: hệ thống ống dẫn phân, ống dẫn gas, các van, bếp ga, 1 đèn… ) đều do đơn vị đến lắp đặt và hướng dẫn cho gia đình sử dụng. “Việc xử lý chất thải trong chăn nuôi bằng bể biogas composite không chỉ bảo đảm môi trường và rất có lợi cho người chăn nuôi”, ông Lệ quả quyết.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Quốc Cường - Phó Chủ tịch UBND phường Trần Hưng Đạo rất vui: Đây là lần đầu tiên phường được Trung tâm Khuyến nông-khuyến ngư tỉnh hỗ trợ thực hiện mô hình xử lý thất thải chăn nuôi heo bằng bể biogas composite ở địa phương. Mô hình đang phát huy hiệu quả, giảm thiểu ô nhiễm trường và giảm chi phí khí đốt cho hộ chăn nuôi. Trên thực tế, ngoài việc Trung tâm hỗ trợ, UBND phường cũng đã hỗ trợ cho một số hộ gia đình chính sách xử lý chất thải chăn nuôi bằng bể Biogas. Hiên tại, UBND phường đã hỗ trợ cho 3 hộ gia chính sách thực hiện mô hình.
 
Theo Trung tâm Khuyến nông-khuyến ngư, năm nay Trung tâm đã hỗ trợ cho 15 hộ ở xã Đăk Blà và phường Trần Hưng Đạo thực hiện mô hình xử lý chất thải chăn nuôi heo bằng bể biogas composite. Thấy được lợi ích nhiều mặt từ việc xử lý chất thải, trong điều kiện ngân sách Nhà nước và số hộ được hỗ trợ có hạn, nhiều hộ chăn nuôi ở địa phương đang tự bỏ vốn nhân rộng mô hình này.
 
Bài, ảnh: Văn Nhiên