Thứ sáu, Ngày 25/04/2025 -

Bệnh phấn trắng “phủ kín” vườn cao su
Ngày đăng: 12/03/2013  03:50
Mặc định Cỡ chữ
Chỉ trong vòng 2 tuần, bệnh phấn trắng đã lây lan với cấp số nhân và nhanh chóng phủ kín 9.200 ha cao su trên địa bàn toàn tỉnh. Sẽ dễ nhận thấy tính chất nghiêm trọng của con số thống kê này nếu biết rằng nó tương đương với toàn bộ diện tích cao su đang kinh doanh của Công ty TNHH MTV cao su Kon Tum (Công ty cao su Kon Tum). Bị bệnh phấn trắng tấn công, sau mùa rụng lá theo chu kỳ (sau thu hoạch), hàng loạt diện tích cao su tiếp tục rụng lần 2 và chưa có dấu hiệu dừng, báo hiệu một mùa cạo thất bát…

 

Căn bệnh “di căn”…
 
Phun thuốc diệt bệnh
Đây không phải là lần đầu diện tích cao su trên địa bàn tỉnh bị bệnh phấn trắng. Trong 2 mùa cạo trước, bệnh phấn trắng đã hoành hành trên nhiều vườn cây. Riêng ở Công ty cao su Kon Tum, vì bệnh phấn trắng mà mùa cạo vừa qua đã thất thu hàng chục tỷ đồng do năng suất mủ giảm, thời gian cạo chậm. Những nỗ lực của người trồng cao su để trị căn bệnh quái ác này trong mùa trước tưởng rằng đã có thể đem lại bình yên cho vườn cây , nhưng như đã “di căn”, năm nay, căn bệnh này lại tiếp tục bùng phát với tốc độ cấp số nhân.
 
Đây là loại bệnh thường gặp ở cây cao su, nhưng thời điểm “hoành hành” mạnh nhất là giai đoạn cây cao su ra lá mới hàng năm. Khác với một số bệnh thường gặp trên cây cao su như bệnh héo đen đầu lá (chỉ hại nặng vào thòi kỳ cây con và giai đoạn cao su kiến thiết cơ bản, các vườn cao su kinh doanh cũng bị bệnh nhưng mức độ nhẹ hơn), bệnh phấn trắng có khả năng gây hại cho cây cao su ở mọi lứa tuổi, từ vườn nhân, ươm, kiến thiết cơ bản đến vườn cao su khai thác.
 
Bệnh phấn trắng gây rụng lá, làm chậm thời gian khai thác dẫn đến giảm sản lượng mủ ở vườn cao su kinh doanh và làm chậm tốc độ sinh trưởng, thậm chí có thể gây chết cây ở những vườn cao su kiến thiết cũng như ở vườn nhân và vườn ươm. Bệnh tấn công chủ yếu lá non, làm lá rụng hàng loạt nếu gặp thời tiết lạnh và có sương mù. Sau giai đoạn này, lá không bị rụng nữa mà để lại các vết bệnh có nhiều dạng loang lổ khác nhau, thậm chí toàn bộ phiến lá bị biến dạng và chuyển qua màu vàng nhạt, trên các vết bệnh sinh ra lớp bột màu trắng như phấn, cây sinh trưởng kém, hoa bị bệnh thì nhỏ hoặc thối rụng.
 
Hiện tại, ở nhiều vườn cây, lá non rụng đồng loạt khiến công tác phòng chống bệnh thêm khó khăn và bị động. Theo ông Nguyễn Văn Mân - Phó Tổng Giám đốc Công ty cao su Kon Tum, mặc dù đơn vị cũng đã đề phòng trường hợp bệnh nấm trắng tái xuất hiện nhưng vẫn bất ngờ vì tốc độ phát triển của bệnh nhanh, lá rụng cùng thời điểm, thời gian rụng giữa các vườn cây chỉ chênh lệch 7-10 ngày (các năm gần 20 ngày).
 
Theo khảo sát của PV Báo Kon Tum, các vườn cây ở Ia Chim, Dục Nông, Đắk Ring… lá cao su rụng phủ kín mặt đất. Trên cành cây, những bộ lá còn trụ lại thì cũng lốm đốm những bào tử nấm phủ trên mặt. Sau khi bị nhiễm bệnh, nấm bắt đầu ăn dần vào biểu bì làm lá rụng trước, sau đó là cuống. Những chồi non vừa hé cũng lần lượt gục ngã trước sức tấn công của bệnh.
 
Theo Giám đốc Nông trường Ia Chim Nguyễn Hữu Lợi, bệnh bắt đầu xuất hiện trong dịp tết. Mới đầu chỉ lác đác ở một vài cây. Nhưng chỉ sau vài ba ngày đã bùng phát nhanh chóng và lan rộng. Chỉ cần thời tiết chuyển, về đêm có sương mù lạnh buốt, trưa nắng nóng, chênh lệch nhiệt độ cao là bệnh phát mạnh, trong một đêm vườn cây có thể rụng hết lá, trơ cành. Những ngày qua có gió mạnh cũng đã góp phần đưa bào tử nấm lây lan rất nhanh trong môi trường.
 
Trước tốc độ phát triển của bệnh, Công ty cao su Kon Tum đã huy động toàn bộ 37 máy phun thuốc cao áp (trong đó có 28 máy mới được mua cấp tốc, bình quân mỗi máy có giá 400-500 triệu đồng) để làm nhiệm vụ “chữa bệnh hơn cứu hoả” này. Ngoài ra, các nông trường còn hợp đồng thuê thêm 10 máy bơm của tư nhân nữa nhằm tăng cường khả năng chữa bệnh. Tuy nhiên, với diện tích cao su nhiễm bệnh lớn; cây cao su đã đưa vào khai thác nên khó phun thuốc trong khi bệnh vẫn lay lan nhanh thì số lượng máy trên cũng chẳng thấm tháp gì. Dù đã hoạt động hết công suất nhưng toàn bộ số máy bơm nói trên cũng chỉ phun chưa được 1.000 ha/ngày; trong khi theo quy trình điều trị, mỗi vườn cây phải phun thuốc từ 3-4 đợt mới mong cứu vãn được.
 
Đêm trắng trên vườn cây
 
Điều đáng nói là việc điều trị cho vườn cây bị bệnh phụ thuộc rất nhiều yếu tố chỉ có thể biết được từ thực tế, như thời tiết, hướng gió, tốc độ gió... nên con số 1000 ha/ngày chỉ là trên lý thuyết. Đến nay, sau 2 tuần triển khai tổng lực mà Công ty cao su Kon tum mới phun thuốc lần 1 được khoảng 7.000ha; phun lần 3 cho khoảng 2.000 ha. Những ngày qua, thời tiết ở Kon Tum không thuận cho khâu trị bệnh vì gió to, thời tiết nắng nóng. Gió to khiến thuốc không bơm lên được ngọn cây; nắng nóng khiến thuốc bốc hơi nhanh…
 
Chính vì vậy mà những ngày qua, Công ty cao su Kon Tum đã thay đổi chiến lược điều trị bệnh- không làm ban ngày mà chuyển sang ban đêm. Theo đó, các xe chở mủ cao su đã được huy động để chở nước phục vụ pha thuốc ngay tại vườn cây; lực lượng công nhân vận hành máy bơm cũng  ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ. Lịch làm việc bắt đầu từ 15 giờ ngày hôm trước và kết thúc vào 9 giờ ngày hôm sau. Mỗi máy phun thuốc sẽ do ít nhất 3 người đảm nhiệm, thay ca làm việc liên tục suốt đêm, bình quân mỗi người làm 4-5 tiếng đồng hồ.
 
Chúng tôi phải làm đêm vì lúc đó ít gió, không nắng mới hiệu quả - Phó Tổng Giám đốc Ngô Văn Mân Mân cho biết. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc cũng phát sinh nhiều vấn đề từ chính các máy phun. Các máy thuê ngoài đã cũ, hay bị hỏng hóc, lại làm việc trong đêm nên rất khó xử lý. Ngoài ra, nhiều vườn cây có địa hình phúc tạp, không bằng phẳng cũng khiến việc di chuyển máy khó khăn. Khi gặp gió to chúng tôi buộc phải dừng vì có phun thì cũng chẳng lên tới ngọn, thuốc bay phân tán ra ngoài dẫn đến hạn chế hiệu quả, tiến độ phun cũng chậm so bình thường.
 
Sau 2 tuần trắng đêm chống bệnh, ai cũng bơ phờ, mệt mỏi nhưng vẫn làm việc hăng say, cật lực để cứu vườn cây trước mùa cạo mới. Để hỗ trợ cho công nhân, các nông trường đều có tính toán, hỗ trợ hợp lý bằng cách: các buổi làm việc này đều tính ngoài giờ; mọi người được phục vụ ăn uống, nghỉ ngơi tại vườn cây chu đáo. Tất cả các cán bộ- từ cấp tổ đến nông trường đều có mặt ở vườn cây nhằm động viên tinh thần anh em kịp thời…
 
Trước diễn biến phức tạp của bệnh phấn trắng, Công ty cao su Kon Tum đã xác định tăng số đợt phun thuốc cao su từ 3-4 lần; nếu diện tích nào nhiễm bệnh nặng có thể tăng lên thành 5 đợt phun. Ngoài ra, Công ty chỉ đạo các nông trường ưu tiên tập trung ở những diện tích cho năng suất cao (các nông trường Ia Chim, Dục Nông, Đắk Ring, Plei Kần…) để cứu vườn cây nhằm hạn chế thiệt hại.
 
Được biết, một trong những nguyên nhân khiến bệnh phấn trắng bùng phát mạnh trên cây cao su ở Kon Tum trong những năm qua là do giống cây. Theo đó, khi triển khai trồng cao su thì giống PB235 lúc bấy giờ là loại tốt nhất, năng suất cao nhưng mặt hạn chế của loại giống này là rất mẫn cảm với bệnh phấn trắng… 

Cây cao su nhiễm bệnh có các triệu chứng sau: nấm trắng xuất hiện ở hai mặt lá, lá có màu nâu và xanh nhạt là giai đoạn mẫn cảm nhất. Sau khi bị nấm xâm nhiễm từ 7-10 ngày, nhiều bào tử hình thành trên vết bệnh có bột màu trắng hai mặt lá và nhiều ở mặt dưới lá. Lá rụng từng chiếc một để trơ cuống, sau đó những cuống này cũng bị rụng.
 
Ngành NN&PTNT khuyến cáo, đối phó với bệnh phấn trắng, cần xác định “phòng hơn chữa”. Theo đó, người trồng cao su cần tăng lượng phân đạm và kali vào giai đoạn cao su bắt đầu ra lá mới để giúp tầng lá sớm ổn định. Nên sử dụng các giống dòng vô tính kháng bệnh. Vệ sinh vườn cây trong thời điểm rụng lá và sau khi rụng lá để hạn chế lây lan mầm bệnh. Thăm vườn cao su thường xuyên để phát hiện bệnh sớm. Đối với các vườn cây có nguy cơ nhiễm bệnh cao hoặc những vườn cây năm trước đã nhiễm bệnh, nhất thiết phải chọn thời điểm ra lá mới để xử lý bằng cách phun thuốc trực tiếp 3-6 lần, với chu kỳ 7-10 ngày /lần.

Lê Hải