Thứ hai, Ngày 28/04/2025 -

Chủ động phòng chống tác hại của mưa đá trong thời kỳ cuối mùa khô ở Kon Tum
Ngày đăng: 26/03/2013  02:55
Mặc định Cỡ chữ
Chỉ trong vòng hơn 10 ngày qua, khi thời tiết chuyển sang thời kỳ nóng, khô của cuối mùa khô thì đã có bốn trận mưa dông mạnh kèm theo mưa đá xuất hiện. Đây là một hiện tượng thời tiết khá đặc biệt ở Kon Tum.

 

Mưa đá là một hiện tượng thiên nhiên ít xảy ra nhưng lại có tác động không nhỏ tới sản xuất, có khi trở thành thiên tai nguy hiểm gây thiệt hại đáng kể cho một vùng, một địa phương nào đó. Mưa đá được xác định là giáng thủy ở thể cứng dưới dạng hòn, cục hay tinh thể băng rơi xuống mặt đệm (mặt đất, mặt nước , thảm thực vật,...) từ những khối mây tích vũ hay mây cốc vũ đồ sộ. Trong thực tế mưa đá thường chỉ xảy ra trong các cơn dông tố mạnh và đi kèm với mưa rào cường độ lớn trong khoảng thời gian tương đối ngắn. Hình dạng, kích thước của viên nước đóng băng trong mưa đá thường rất khác nhau, hay gặp nhất là hình cầu, nón, thấu kính lồi, khối đa diện và một vài hình thù dị dạng khác; đường kính từ khoảng 0,5mm tới vài ba chục mm; trọng lượng từ vài gam đến vài trăm gam. Mưa đá thường chỉ xảy ra khi có dông, song không phải trong cơn dông nào cũng có mưa đá. Tần suất xuất hiện mưa đá trong cơn dông chỉ vào khoảng 10%.
 
Mưa đá rơi trong khí quyển với vận tốc rất lớn. Vận tốc rơi tăng tỷ lệ với kích thước, trọng lượng của viên đá và dao động trong khoảng 30 – 60m/s, cá biệt có thể tới 90m/s. Với vận tốc như vậy, các cục băng rơi xuống các đồ vật hay thảm thực vật có thể để lại những dấu vết và gây ra nhưng tiếng ồn tương đương với tiếng tầu hỏa hay xe tải nặng, hoặc xe bánh xích đi qua cầu. Mưa đá là hiện tượng thời tiết nguy hiểm. Những trận mưa đá kéo dài từ vài phút trở lên có thể hủy hoại đáng kể cây trồng, làm mất mùa một phần hoặc toàn phần, ảnh hưởng đến các công trình kiến trúc, nhà cửa, phương tiện giao thông gây thương tích hoặc có làm chết gia súc, gia cầm và có khi là cả con người.
 
Kon Tum nằm trong vùng có nhiều mưa đá. Những năm gần đây, hầu như năm nào cũng xảy ra mưa đá. Mưa đá ở Kon Tum thường xuất hiện vào thời kỳ cuối mùa khô, đầu mùa mưa; cũng có khi mưa đá xuất hiện trong thời kỳ cuối mùa mưa nhưng thường những trận mưa đá này không lớn. Thông thường mưa đá ở Kon Tum hay xuất hiện ở những vùng có thời tiết nóng bức như TP Kon Tum, các huyện Kon Rẫy, Đắk Tô, Đắk Hà, Sa Thầy,… Năm nay, trong bốn trận mưa đá vừa xảy ra thì có 2 trận (xảy ra chiều ngày 13/3 và chiều ngày 24/3) lại xuất hiện ở huyện Kon Plong, là khu vực có khí hậu mát mẻ nhất Tỉnh. Đây là một dấu hiệu khá bất thường của thời tiết. Rất may, ba trận mưa đá vừa xảy ra có vùng mưa không lớn, lượng đá rơi ở mức trung bình thấp và xảy ra ở khu vực thưa dân cư, ít có các công trình hay các loại cây trồng dễn bị tổn thương bởi mưa đá nên không gây thiệt hại nhiều.
 
Tuy nhiên, với ba trận mưa đá xảy ra trong thời gian ngắn và kích cơ viên đá rơi khá lớn (từ 1 – 3cm) trong khi mùa mưa dông mới chỉ bắt đầu cho thấy cần có sự nhắc nhở, tuyên truyền để người dân chủ động trong công tác phòng chống tác hại của mưa đá. Không như bão, lũ lụt hay các thiên tai khác, phòng chống, hạn chế tác hại của mưa đá được thực hiện có hiệu quả hay không phụ thuộc nhiều vào sự hiểu biết và nỗ lực của mỗi người dân và gia đình. Với khả năng hiện nay vấn đề dự báo mưa đá, nhất là dự báo chính xác khu vực xảy ra mưa đá trước một khoảng thời gian tương đối là rất khó. Cơ quan Khí tượng Thủy văn mới chỉ có thể dựa vào sự phát triển của các đám mây dông để cảnh báo trước 1- 2 giờ trước khi mưa đá xảy ra. Tuy nhiên, điều đó cũng chỉ thực hiện được ở những nơi có trạm quan trắc Khí tượng hoặc có sóng ra đa thời tiết. Còn ở Kon Tum do chưa có sóng Ra đa thời tiết, cả tỉnh lại chỉ có hai trạm đo Khí tượng nên chỉ có thể cảnh báo sớm khả năng xảy ra mưa đá dựa vào các hình thế thời tiết, ảnh mây và những biến động bất thường của yếu tố thời tiết quan trắc được tại các trạm Khí tượng chứ chưa thể chỉ ra chính xác thời gian và địa điểm xảy ra mưa đá.
 
Để phòng chống tác hại của mưa đá, cần có sự chủ động ngay từ khi mưa đá chưa có khả năng xuất hiện. Ở Kon Tum, từ đầu tháng 3 hàng năm, khi thời tiết nóng dần là lúc cần thực hiện ngay việc che đậy các vật dụng để ngoài trời có thể bị hư hại khi mưa đá xảy ra. Vào mùa mưa đá (từ tháng 3 đến tháng 6 và tháng 10, tháng 11), cần thường xuyên theo dõi thông tin thời tiết để sớm biết có khả năng xảy ra mưa đá và luôn chuẩn bị sẵn các phương án trú, tránh an toàn cho người, vật nuôi và hạn chế tác hại của mưa đá đối với các vật dụng, đồ dùng, máy móc,…nếu nó xảy ra. Khi chưa nhận được tin dự báo mưa đá chúng ta vẫn có thể quan sát bầu trời để tự thực hiện việc phòng tránh: Nếu thấy trời nổi dông gió, mây đen bao phủ bầu trời gần như kín tầm mắt, có dạng như bầu vú, rồi dông gió nổi lên mạnh, tạo ra tiếng "ù ù, ầm ầm" liên tục thì bạn hãy cảnh giác với mưa đá. Nếu tiếp đó lắc rắc vài hạt mưa rào, ta cảm thấy nhiệt độ không khí như lạnh đi rất nhanh là lúc mưa đá đã kéo đến. Mọi người cần tìm ngay cho mình chỗ nấp an toàn.
 
Nguyễn Văn Huy
Trung tâm KTTV tỉnh Kon Tum