Thứ 3, Ngày 29/04/2025 -

Kỷ niệm 141 năm ngày sinh Lênin (22/4/1870 - 22/4/2011): Tư tưởng của Lênin về xây dựng chủ nghĩa xã hội và cách mạng Việt Nam
Ngày đăng: 15/04/2011  02:10
Mặc định Cỡ chữ
 

V.I.Lênin, vị lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, người lãnh đạo thành công công cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đầu tiên, mở ra thời đại mới trong lịch sử loài người - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Công lao to lớn của Lênin là đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác để giải quyết những nhiệm vụ của cách mạng vô sản trong thời đại chủ nghĩa đế quốc và bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội; trong quá trình đó Lênin đã có những đóng góp quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác. Với những cống hiến to lớn đó, tên tuổi của Lênin đã gắn liền với chủ nghĩa Mác, đánh dấu bước phát triển toàn diện của chủ nghĩa Mác và trở thành chủ nghĩa Mác-Lênin.

Trước hết, Lênin tiếp thu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác trên tinh thần cách mạng và sáng tạo, rất xa lạ với chủ nghĩa giáo điều. Người rất trung thành với những nguyên lý của Mác và Ăngghen về xây dựng chủ nghĩa cộng sản, song xuất phát từ điều kiện cụ thể nước Nga và thế giới đầu thế kỷ XX, Người đã có luận đoán thiên tài: Cách mạng vô sản không thể nổ ra đồng loạt ở các nước tư bản phát triển, nhưng có thể nổ ra và thành công ở một nước tư bản riêng lẻ, không nhất thiết là nước phát triển cao. Từ luận điểm đó, Người đã cùng với những người cộng sản lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga làm cuộc Cách mạng tháng Mười thành công, đưa nhân dân lao động lên địa vị làm chủ.
 
Ngay sau Cách mạng tháng Mười, Lênin bắt tay vào việc vạch ra đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở một nước tư bản phát triển trung bình, còn lạc hậu về kinh tế, đơn độc trong vòng vây của chủ nghĩa tư bản thế giới. Lênin đã suy nghĩ vấn đề quá độ lên chủ nghĩa xã hội thông qua chủ nghĩa tư bản nhà nước từ năm 1918. Nhưng chiến tranh đã bắt buộc Người phải áp dụng những biện pháp kinh tế thời chiến. Chính sách cộng sản thời chiến một mặt bảo đảm chiến thắng thù trong, giặc ngoài, nhưng mặt khác lại dẫn nền kinh tế nước Nga xô-viết tới bờ vực thẳm. Nạn đói, nạn đầu cơ, sự đình đốn sản xuất trở thành thách thức nghiêm trọng đối với chế độ xô-viết non trẻ. Trong bối cảnh đó, Lênin đã lãnh đạo “thay đổi một cách căn bản quan điểm về xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Trở lại những suy nghĩ đúng đắn năm 1918, Lênin đã đưa ra một hệ thống các quan điểm mới về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của một nước đa số là nông dân, nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Người yêu cầu phải kiên quyết từ bỏ con đường, phương pháp tấn công chính diện, phải tìm con đường khác, có thể là “đường vòng” để đi đến mục tiêu xã hội chủ nghĩa. Trực tiếp và cấp bách nhất là thay chế độ trưng thu lương thực thừa bằng chính sách thuế lương thực, thừa nhận việc trao đổi hàng hoá, trao đổi sản phẩm giữa nông dân và công nhân trên quan hệ thương mại. Trao đổi hàng hoá, tự do mua bán trở thành đòn xeo chủ yếu để vừa phát triển sức sản xuất trong nông nghiệp, vừa thiết lập quan hệ đúng đắn giữa công nghiệp với nông nghiệp, giữa thành thị với nông thôn. Điều cốt yếu trong chính sách này là thừa nhận và quan tâm giải quyết thoả đáng lợi ích cá nhân thiết thân của người lao động. Đó là nguyên tắc bởi nếu không làm như thế thì không thể khơi dậy động lực bên trong của nền kinh tế, không thể tạo ra nhiều lương thực cho xã hội và cho công nghiệp, không tạo ra được sự liên kết kinh tế giữa hàng chục triệu nông dân lại để dẫn dắt họ đi lên giai đoạn cao hơn trên con đường phát triển kinh tế-xã hội. Theo Lênin đây là một “Bước lùi chiến lược” để tạo lập mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân và công nhân, củng cố khối liên minh công nông – cơ sở của chính quyền xô-viết, cái bảo đảm thắng lợi chắc chắn cho chủ nghĩa xã hội.
 
Lênin chủ trương tìm mọi cách có thể được để mở rộng quan hệ làm ăn với tư bản nước ngoài trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi, buôn bán trao đổi văn minh; Người đề xuất cả chính sách tô nhượng để hợp tác làm ăn với tư bản nước ngoài; xuyên qua chủ nghĩa tư bản nhà nước để xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cơ sở giữ vững sự lãnh đạo của đảng cộng sản, sự quản lý của chính quyền công nông và nhà nước vô sản phải nắm chắc trong tay các vị trí yết hầu, chỉ huy nền kinh tế.
 
Lênin nhấn mạnh muốn đi lên chủ nghĩa xã hội thì phải tạo ra bước nhảy vọt lớn về lực lượng sản xuất, về năng suất lao động trên quy mô xã hội. Muốn thế phải xây dựng cho được một nền đại công nghiệp hùng mạnh. Người viết: “Cơ sở thực sự và duy nhất để làm tăng các nguồn dự trữ của chúng ta, để xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa chỉ có thể là đại công nghiệp”. Công thức nổi tiếng của Người là: “Chủ nghĩa cộng sản = chính quyền xô-viết + điện khí hoá toàn quốc”.
 
Một nội dung cực kỳ quan trọng trong đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội của Lênin là cách mạng văn hoá. Người ý thức sâu sắc một trong những khó khăn lớn nhất đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga là thiếu tri thức khoa học kỹ thuật và quản lý, trình độ văn hoá của nhân dân còn thấp kém, những tập quán cũ còn nặng nề. Người nói: người mù chữ đứng ngoài chính trị, và cũng không thể công nghiệp hoá với những người dân mù chữ; không có những yếu tố về kiến thức, học vấn, giáo dục thì không thể xây dựng chủ nghĩa xã hội. Người yêu cầu các cơ quan xô-viết dành sự đầu tư ưu tiên cao nhất có thể được cho việc nghiên cứu khoa học cơ bản và nghiên cứu triển khai; phải sử dụng các chuyên gia xã hội cũ để lại, kể cả việc thuê chuyên gia tư sản nước ngoài với mức lương cao. Lênin cũng đích thân giải quyết những vướng mắc, chăm sóc đoàn kết làm việc của đội ngũ trí thức.
 
Chuyển sang chính sách kinh tế mới là tiếp tục cuộc đấu tranh giai cấp dưới hình thức mới không kém phần gay go, phức tạp. Trong điều kiện có nhiều thành phần kinh tế, có tự do buôn bán, có tư bản nước ngoài hoạt động thì vấn đề đặt ra là: “Ai sẽ thắng? Ai sẽ được lợi trước nhất?”. Lênin viết: Hoặc là bọn tư bản sẽ tổ chức nhau được trước, chúng sẽ đuổi những người cộng sản đi, và như thế thì còn nói gì nữa… Liệu chính quyền nhà nước vô sản dựa vào nông dân, có sẽ tỏ ra có khả năng khống chế được các ngài tư bản một cách thích đáng, để hướng chủ nghĩa tư bản đi theo phương hướng mà nhà nước đã vạch ra và tạo ra một thứ chủ nghĩa tư bản phục tùng nhà nước không? - Toàn bộ vấn đề là ở chỗ ai sẽ vượt ai? Trong hoàn cảnh đó, chính quyền xô-viết phải được củng cố đặc biệt vững mạnh để tổ chức xây dựng xã hội mới về mọi mặt để chuyên chính với bọn phản cách mạng và bọn phá hoại. Nhà nước phải là nhà nước kiểu mới của nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản, phải đủ sức kiểm soát toàn bộ các hoạt động kinh tế, quản lý hữu hiệu toàn bộ đời sống xã hội. Nhà nước phải thu hút đông đảo nhân dân tham gia vào công việc quản lý, giám sát hoạt động của chính quyền từ trung ương đến cơ sở; Nhà nước phải là “chế độ dân chủ ở mức cao nhất cho công nhân và nông dân”.
 
Lênin chỉ ra rằng, nạn ăn cắp, hối lộ, tham nhũng, tệ quan liêu, đặc quyền, đặc lợi là kẻ thù của chủ nghĩa xã hội. Những năm tháng cuối đời, Người trăn trở rất nhiều việc về cải tổ bộ máy nhà nước. Người yêu cầu bộ máy nhà nước phải thực hành tiết kiệm tột mức, phải trong sạch tột mức, giảm đến mức tối đa tất cả những cái không tuyệt đối cần thiết; phải kiên quyết tinh giản bộ máy, cắt bỏ những bộ phận thừa theo quy tắc “thà ít mà tốt”; khắc phục tình trạng bộ máy nhà nước “thừa” những con người không biết làm gì, nhưng lại thiếu những người thành thạo công việc quản lý; phải tăng sức sống cho bộ máy nhà nước bằng cách đưa vào đó “trước hết, những công nhân tiên tiến, và sau nữa, những phần tử thật sự có học thức mà người ta có thể tin chắc rằng họ sẽ không tin một lời nào, không nói lời nào trái với lương tâm họ”; phải học cách quản lý nhà nước, kể cả những cái hay trong khoa học quản lý nhà nước của các nước tư bản tiên tiến.
 
Lênin rất quan tâm chăm lo xây dựng đảng về mọi mặt. Người đòi hỏi phải phát huy tính tiền phong của đảng, phải giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình; đảng phải xứng đáng là lãnh tụ chính trị, vững tay chèo lái con thuyền cách mạng qua những khúc quanh đầy thử thách; người cộng sản phải luôn đề cao và không ngừng rèn luyện tính tổ chức kỷ luật của đảng cộng sản, tự giải thoát mình khỏi ảnh hưởng của những tập quán tiểu tư hữu và hệ tư tưởng tư sản. Lênin đòi hỏi đảng cộng sản phải liên hệ mật thiết với đông đảo quần chúng nhân dân; theo Người, có 3 kẻ thù chính mà người cộng sản của đảng cầm quyền phải kiên quyết đấu tranh là: “tính kiêu ngạo cộng sản, nạn mù chữ và nạn hối lộ”; đảng mà tách rời quần chúng, dù nguyên nhân là chủ nghĩa quan liêu hay nguyên nhân là bệnh tả khuynh ấu trĩ, bệnh kiêu ngạo cộng sản đều là mối nguy cơ lớn không thể lường được đối với đảng cầm quyền.
 
Chúng ta kỷ niệm 141 năm ngày sinh Lênin trong lúc Đảng ta vừa tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI; có bước phát triển lớn về tư duy lý luận với việc thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011); Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020. Tưởng nhớ Lênin, chúng ta càng cảm nhận sâu sắc những tư tưởng cách mạng và khoa học của Người, sự chỉ đạo chiến lược tài tình của Người trước những bước ngoặt của cách mạng, nhất là những tư tưởng của Người về xây dựng chủ nghĩa xã hội với Chính sách kinh tế mới ở nước Nga mặc dù cách đây đã hơn 90 năm, nhưng vẫn đang là những vấn đề mang tính thời sự sâu sắc, là kim chỉ nam cho công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay.

Mạnh Hồng