Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược, từng bước thiết lập chế độ thống trị tàn bạo, phản động trên đất nước ta. Nhân dân ta không hề khuất phục, lớp lớp đứng lên chống xâm lược với tinh thần yêu nước nồng nàn; song tất cả các phong trào đấu tranh đều thất bại vì chưa tìm ra được con đường cứu nước đúng đắn. Đứng trước vận nước gian nan, dân tộc ta đã sinh ra một con người vĩ đại - Hồ Chí Minh - người gánh vác sứ mệnh giải phóng dân tộc.
Hồ Chí Minh sinh ra trong gia đình nhà nho nghèo, gần gũi với nông dân, được thừa hưởng truyền thống tốt đẹp của dân tộc, quê hương và gia đình, sớm có tinh thần yêu nước, thương dân. Nhìn cảnh đất nước lầm than, Người căm thù sâu sắc bọn cướp nước và lũ bán nước, muốn cứu dân tộc, cứu nhân dân khỏi cảnh nô lệ. Với tư chất thông minh, tư duy độc lập, sáng tạo, tính ham hiểu biết và nhạy bén với cái mới, Người rất khâm phục tinh thần yêu nước, nhưng không tán thành con đường cứu nước của các vị tiền bối; quyết chí tìm con đường cứu nước mới cho dân tộc Việt Nam.
Ngày 05-6-1911, từ bến cảng Nhà Rồng, Người rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước. Trong quá trình bôn ba nước ngoài vừa lao động, vừa quan sát, nghiên cứu lý luận và hoạt động thực tiễn cách mạng, Người đã từng bước rút ra nhiều bài học quý báu cho sự lựa chọn con đường cách mạng của mình. Chứng kiến nỗi thống khổ của nhân dân lao động và sự tàn bạo của chủ nghĩa thực dân ở khắp mọi nơi, Người khẳng định: Kẻ gây ra mọi khổ đau cho nhân loại là giai cấp tư sản; nhân dân lao động tất cả các nước đều là anh em, là bạn bè, là người cùng khổ. “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có 2 giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột”. Với nhận thức đó, Người đã mở rộng tình yêu nước thương dân thành tình yêu thương nhân loại cần lao. Khi nghiên cứu các cuộc cách mạng tư sản ở Pháp và Mỹ, Người rất coi trọng bài học, nhưng không lựa chọn con đường đó vì “Cách mạng Pháp cũng như cách mạng Mỹ, nghĩa là cách mạng tư bản, cách mạng không đến nơi, tiếng là cộng hòa dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước đoạt công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”, nó không thực sự giải phóng nhân dân lao động, các khẩu hiệu tự do, bình đẳng, bác ái chỉ là giả dối. Năm 1918, Người gia nhập Đảng Xã hội Pháp, chuyển lập trường chính trị từ yêu nước truyền thống lên tầm cao mới-yêu nước trên lập trường của giai cấp công nhân. Trong thời kỳ ở Pháp, Người được tiếp thu ảnh hưởng của Cách mạng tháng 10 Nga, cuộc cách mạng lần đầu tiên đưa nhân dân lao động lên địa vị làm chủ đất nước. Người rất khâm phục Lênin và có những hoạt động hướng theo cách mạng tháng 10 như: tham gia phong trào công nhân phản đối thực dân Pháp can thiệp vào nước Nga Xô viết; vận động nhân dân Pháp quyên góp ủng hộ cách mạng tháng 10. Năm 1919, các nước đế quốc thắng trận họp ở Véc Xây, lấy tên là Nguyễn Ái Quốc, Người gửi đến Hội nghị bản yêu sách tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân, đòi quyền con người. Bản yêu sách không được chấp nhận nhưng đã gây một tiếng vang lớn - lần đầu tiên thế giới biết đến Việt Nam và biết đến Nguyễn Ái Quốc, một con người đang đấu tranh giành độc lập cho dân tộc mình.
Tháng 7-1920, Người được đọc sơ thảo Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, tìm thấy con đường giải phóng dân tộc đúng đắn mà nhiều năm khao khát kiếm tìm. Người nói: “Vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng cho chúng ta”. Từ đó Người hoàn toàn tin theo Lênin và con đường cách mạng tháng 10 Nga. Tháng 12-1920, tại Đại hội Tua, Người đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế Cộng sản và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Đây là bước chuyển quyết định trong tư tưởng và lập trường chính trị của Người - từ tư tưởng, lập trường của người yêu nước chuyển sang tư tưởng, lập trường của người Cộng sản - đến đây, Người đã đưa dân tộc Việt Nam bắt gặp luồng gió thời đại, đó là: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác là con đường cách mạng vô sản”.
Trở thành người Cộng sản, Người tích cực hoạt động trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, vận động phong trào cách mạng thuộc địa; qua các báo “Người cùng khổ”, “Nhân đạo”, “Đời sống công nhân”, tác phẩm “Bản án chế độ Thực dân Pháp”... Người tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam. Năm 1924, Người sang Liên Xô và học tập và tháng 12-1924, Người về Quảng Châu (Trung Quốc) trực tiếp truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, đào tạo, huấn luyện những thanh niên Việt Nam yêu nước, chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong quá trình nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh không chỉ vận dụng, mà từ thực tiễn cách mạng, Người đã có đóng góp quan trọng vào việc phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin; có những kiến giải sâu sắc về sức mạnh dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc, trong đó, một số điểm nổi bật như:
Về vai trò của chủ nghĩa dân tộc: Đầu thế kỷ XX, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế còn nhận thức mơ hồ về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Một số nhà lãnh đạo trong Quốc tế Cộng sản và các Đảng cộng sản trên thế giới né tránh việc giải quyết vấn đề này vì cho rằng chủ nghĩa dân tộc tất yếu dẫn đến 2 khuynh hướng sô vanh nước lớn và vị kỷ, hẹp hòi, có hại cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Lênin là người đầu tiên nhận thức và giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc và thuộc địa; chỉ ra những nguyên tắc chỉ đạo trong việc giải quyết vấn đề dân tộc là: Thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc; Thực hiện quyền dân tộc tự quyết; Liên hiệp giữa các dân tộc. Tuy nhiên, do chưa có điều kiện nghiên cứu sâu thực tiễn thuộc địa, nên Lênin chưa thấy hết được động lực to lớn của cách mạng ở các dân tộc thuộc địa. Hồ Chí Minh là người dân thuộc địa, lại trực tiếp hoạt động thực tiễn trong các dân tộc thuộc địa nên có hiểu biết rất sâu sắc, phát hiện ra chính sách áp bức của chủ nghĩa thực dân đối với thuộc địa hết sức nặng nề so với áp bức của giai cấp tư sản đối với người lao động ở các nước tư bản; chính sự áp bức tàn bạo của chủ nghĩa thực dân đã tạo ra trong lòng các nước thuộc địa lòng căm thù cao độ của toàn dân tộc và sẵn sàng bùng lên thành sức mạnh hết sức to lớn khi thời cơ đến. Nếu biết khai thác yếu tố đó để tập hợp, đoàn kết toàn dân tộc thì tạo ra động lực rất to lớn cho phong trào giải phóng dân tộc. Từ đó, Người khẳng định: Chủ nghĩa dân tộc chân chính là động lực lớn của đất nước; sự khẳng định đó đã vượt lên trên tầm nhìn của các nhà tư tưởng cách mạng trên thế giới.
Về mối quan hệ của cách mạng thế giới: Lênin đã chỉ ra mối quan hệ khăng khít giữa cách mạng ở thuộc địa với cách mạng vô sản ở các nước tư bản; với khẩu hiệu “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại”, đã khẳng định vị trí của cách mạng giải phóng dân tộc trong phong trào cách mạng thế giới. Mặc dù vậy, Lênin cũng chưa đặt đúng tầm vị trí của thuộc địa và cách mạng ở thuộc địa, cho rằng cách mạng thuộc địa chỉ là “hậu bị quân”, chỉ có thể nổ ra và thắng lợi khi cách mạng vô sản chính quốc thành công. Tiếp thu và phát triển luận điểm của Lênin, Hồ Chí Minh cho rằng: Chủ nghĩa đế quốc như con đỉa 2 vòi, một vòi hút máu nhân dân lao động ở chính quốc, một vòi hút máu nhân dân các dân tộc thuộc địa, muốn tiêu diệt nó phải đồng thời cắt cả 2 vòi, tức là vừa phải đánh nó ở chính quốc, vừa phải đánh nó ở thuộc địa, cách mạng ở chính quốc và cách mạng ở thuộc địa phải liên hệ chặt chẽ với nhau như 2 cánh của con chim thì mới đi đến thắng lợi. Với luận điểm đó, Người đã đặt cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa ngang hàng với cách mạng vô sản ở chính quốc. Nếu Lênin cho rằng cách mạng thuộc địa là “hậu bị quân” thì Hồ Chí Minh khẳng định cách mạng giải phóng dân tộc hoàn toàn mang tính chủ động với tinh thần tự lực tự cường, đem sức ta giải phóng cho ta và trong điều kiện nhất định có thể nổ ra và thắng lợi trước cách mạng ở chính quốc. Cuộc cách mạng tháng tám năm 1945 của nhân dân Việt Nam thành công là thực tiễn sinh động chứng minh tính chủ động, tự lực tự cường của cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa. Từ nhận thức đúng đắn về vấn đề dân tộc và thuộc địa, Người chỉ ra rằng: Chỉ có giải phóng dân tộc bằng con đường cách mạng vô sản thì mới giành được thắng lợi triệt để, cách mạng giải phóng dân tộc phải nằm trong quỹ đạo của cách mạng vô sản, độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Từ một người yêu nước đến với chủ nghĩa Mác-Lênin trở thành người cộng sản, Hồ Chí Minh đã chỉ ra cho dân tộc ta con đường cách mạng đúng đắn, làm cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân và tiến lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Tư tưởng của Người về dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc là một mẫu mực của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn các nước thuộc địa. Nó chẳng những đem lại cho dân tộc Việt Nam độc lập tự do, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, đi lên chủ nghĩa xã hội, đem lại hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam mà còn góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc, vào cuộc đấu tranh xóa bỏ áp bức bóc lột của chủ nghĩa thực dân trên thế giới.
Mạnh Hồng