|
Một tấm gương học sinh khuyết tật ở TP Kon Tum |
Trước đấy, thông tin về Nick đến Việt Nam đã “rộn ràng” trên các trang mạng xã hội và một vài tờ báo trong nước, nhưng thú thật tôi cũng chỉ xem qua. Thế rồi, Chương trình “Nick chào Việt Nam - Hãy sống cho điều ý nghĩa hơn” được Đài Truyền hình Việt Nam truyền hình trực tiếp vào 18 giờ ngày 22-5 đã gây cho tôi nhiều cung bậc cảm xúc khó tả. Nick đã thật sự truyền nguồn cảm hứng bất tận cho những người đến xem và cả những người xem qua màn ảnh nhỏ về sức mạnh của nghị lực vượt lên trên số phận với khát vọng và tình yêu cuộc sống vô bờ bến. Tôi tin rằng không chỉ những người khuyết tật (trong đó có bản thân tôi) mà cả những người bình thường, những lúc gặp phải khó khăn, thất bại trong cuộc sống thì chính cuộc đời Nick sẽ là điểm tựa, là nguồn động lực giúp họ đứng lên, mỉm cười và bước tiếp.
Điều gì đã làm nên sự kỳ diệu đó? phải chăng những điều Nick nói trong một giờ thuyết giảng đó là phi phàm với những tri thức uyên thâm với tài hùng biện hơn người? Tôi nghĩ hoàn toàn không phải vậy. Những điều Nick nói không có gì mới và đâu đó trong kho tàng tri thức của nhân loại mọi người đã được đọc, được nghe, được học. Và, Nick cũng không phải là người giỏi về thuật hùng biện. Song, chính sự giản dị trong phong cách, sự tự tin, hóm hỉnh và những câu chuyện tâm tình về chính cuộc đời Nick được đúc kết lại, được trình chiếu lên màn ảnh đã cho thấy Nick chính là một trong những người phi thường nhất trong những người phi thường vượt lên những khuyết tật để thắp lên những ngọn lửa khát vọng sống và hiến dâng trọn vẹn cho cuộc đời. Đúng như lời Nick nói: Sự khuyết tật không đến chỉ từ hình dáng bên ngoài mà sự lo nghĩ, sợ hải và than vãn cho hoàn cảnh không may của mình cũng chính là khiếm khuyết rồi. Thay vì nhìn vào khiếm khuyết của bản thân mà ao ước sự hoàn chỉnh thì hãy biến những điều mình đang có, cả những khuyết tật, thành thế mạnh riêng mình, tạo nên nội lực bên trong để hoàn thành những ước mơ, khát vọng; cuộc sống là không giới hạn. Thông điệp của Nick gửi đến cho người nghe là hãy biết ước mơ, khát vọng và bằng chính nghị lực, sự kiên trì của mình, mọi người sẽ đạt được điều mong muốn, không có gì là giới hạn với tiềm năng của con người.
Chính Nick cũng đã mang đến thông điệp: Dù thế nào đi nữa thì hãy yêu thương cuộc sống này, “nếu cuộc sống không có phép mầu thì chính bạn hãy trở thành phép mầu”, “nếu cuộc sống không có điều kỳ diệu thì chính bạn hãy làm nên điều kỳ diệu đó!”. Điều tốt đẹp trong cuộc sống là giúp được người khác, mọi người hãy mở lòng ra mà chia sẻ khó khăn, tương trợ cộng đồng, nhất là với những hoàn cảnh đặc biệt, tạo cơ hội cho chính họ vươn lên trong cuộc sống; cả với người khuyết tật một khi hướng về cộng đồng, hoà nhập cộng đồng với tình thương yêu thật sự thì mỗi người hoàn toàn có thể trở thành phép mầu với người khác...
Khi tôi viết bài này thì trên mạng xã hội đã có ý kiến cho rằng số tiền 32 tỷ đồng mà Tập đoàn Tôn hoa sen bỏ ra để mời Nick sang Việt Nam (thực tế thì chi phí đã là 36 tỷ đồng, tăng cao hơn so với dự tính ban đầu) là lãng phí thay vì đem số tiền đó tài trợ cho những người khuyết tật Việt Nam sẽ có ý nghĩa hơn; người khuyết tật Việt Nam không thiếu những tấm gương phi thường vượt lên số phận như thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng, vận động viên khuyết tật Phạm Thị Thu, nhà văn- dịch giả Nguyễn Bích Lan... họ không thua gì Nick nhưng không mấy ai quan tâm...
Tôi không tán đồng ý kiến trên. Bởi, hiện nay xã hội đã và đang hỗ trợ cho người khuyết tật để họ vươn lên trong cuộc sống. Song, hơn 6 triệu người khuyết tật Việt Nam (và cả những người bình thường khác đã, đang và sẽ gặp thất bại trong cuộc sống) không chỉ cần đến tiền mà điểm tựa tinh thần tiếp thêm sức mạnh niềm tin, khát vọng tự vươn lên trong cuộc sống cũng rất cần với họ. Với ý nghĩa đó, số tiền 32 tỷ đồng mà Tập đoàn Tôn hoa sen bỏ ra mời Nick đến Việt Nam không hề lãng phí. Đúng là ở Việt Nam có không ít những người khuyết tật có nghị lực phi thường vượt lên số phận đóng góp cho xã hội, là tấm gương cho mọi người noi theo. Là một người khuyết tật, tôi đã từng đọc tự truyện “Tôi đi học” của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký và rưng rưng xúc động và coi đó là tấm gương để mình phấn đấu để trở thành một công dân có ích đối với xã hội. Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng với Nick - chàng trai không chân không tay, nhưng bằng nghị lực và khát vọng vươn lên cống hiến cho cuộc đời, anh đã làm được những việc và ngay cả những người bình thường cũng phải khâm phục; anh đã là một trong những người phi thường nhất trong những người phi thường, với sức ảnh hưởng, lan toả của mình, tôi nghĩ anh hoàn toàn xứng đáng là người khơi dậy ngọn lửa khát vọng sống trong mỗi người, truyền cảm hứng để người khuyết tật vượt lên trên những éo le cuộc đời. Nick chính là sứ giả của nghị lực, khát vọng và tình yêu thương với những người khuyết tật trên giới này, anh đã thổi bùng lên niềm tin cuộc sống cho mọi người.
Đảng và Nhà nước ta đã chăm lo cho người khuyết tật với những chính sách cụ thể. Tuy nhiên, đâu đó vẫn thấy xã hội chưa dành những điều kiện tốt nhất để người khuyết tật Việt Nam hoà nhập cộng đồng, khẳng định mình, vươn lên trong cuộc sống, đóng góp cho xã hội. Hy vọng, sức lan toả của Nick sẽ là cú hích để cộng đồng chung tay hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam bằng những hành động thiết thực, được như thế thì chắc chắn chúng ta sẽ có những Nick của Việt Nam.
Từ Dạ Linh