Thứ 7, Ngày 03/05/2025 -

Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản: Vấn đề đang đặt ra
Ngày đăng: 31/05/2011  03:05
Mặc định Cỡ chữ
 
Mặc dù không có diện tích ao hồ lớn do thiên nhiên ban tặng, nhưng trong những năm qua, bằng sự đầu tư của Nhà nước xây dựng các công trình thủy điện, thủy lợi đã tạo cho tỉnh có diện tích mặt hồ rộng gần 20.000 ha (lòng hồ Ya Ly 6.400 ha, Plei Krông 6.450 ha, Đăk Uy 3.500 ha, Đăk Yên 1.061 ha, Đăk Hniêng 300 ha…). Đây là nơi có thể phát triển mạnh nghề nuôi trồng thủy sản và du lịch sinh thái lý tưởng trong tương lai...
 
 
Dùng rớ đánh bắt cá lòng hồ.
 
Theo Sở NN&PTNT tỉnh, nguồn lợi thuỷ sản từ các lòng hồ thuỷ lợi, thuỷ điện ở tỉnh khá phong phú và đa dạng. Thấy được tiềm năng này, tỉnh đã và đang đầu tư quy hoạch, phát triền nghề nuôi trồng thủy sản để giúp cho một phận người dân khu vực lòng hồ xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống. Tuy nhiên, những hoạt động đầu tư này chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. Điều đáng nói là phần lớn các hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản lòng hồ từ trước đến nay là do tự phát, ít có sự quan tâm đầu tư của Nhà nước; hơn nữa chúng ta chưa kiểm soát được các hoạt động khai thác, dẫn đến nhiều người dung xung điện đánh bắt, tận diệt thủy sản…
 
Theo điều tra của Sở NN&PTNT tỉnh, hiện nay có khoảng 1.500 người sống dựa vào các hồ chứa lớn, trong đó có khoảng 200 người chuyên đánh bắt thủy sản chuyên nghiệp. Phương tiện khai thác, đánh bắt còn thô sơ, quy mô nhỏ. Bà con chủ yếu dùng thuyền nhỏ (700 cái), rớ đèn (150 cái), lưới, đăng…và khoảng 50 xung điện. Các loại cá bà con thường đánh bắt được là cá trắm, chép, rô, thát lát, mương…
 
Việc khai thác, đánh bắt thủy sản mạnh ai nấy làm; việc tái tạo, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản chưa được chú ý. Từ đó, người dân không có ý thức bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản. Trong một chuyến khảo sát tại lòng hồ Ya Ly, Phó chủ tịch UBND Ia Ly (Sa Thầy) Nguyễn Văn Hân cho biết: “Mấy năm trước, trên dịa bàn xã có khoảng 100 hộ sống dựa vào lòng hồ, trong đó có khoảng 50 hộ từ các tỉnh Bình Đình, Quảng Ngãi, Thánh Hóa, Thái Bình…đến tạm trú đánh bắt thủy sản. Hoạt động đánh bắt thường diễn ra từ 5 giờ chiều đến 7 giờ sáng ngày hôm sau. Bà con dùng rớ, lưới... thả xuống hồ và đèn để nhử cá đến và kéo lưới, rớ. Một số hộ dùng xung điện để đánh bắt. UBND xã đã nhiều lần họp các đối tượng đánh bắt thủy sản và vận động họ không được dùng dùng xung điện, chất nổ để đánh bắt, hủy diệt thủy sản. Tuy nhiên, lòng hồ rộng, bà con chủ yếu hoạt động vào ban đêm nên rất khó quản lý.  Năm 2008, UBND xã đã tổ chức truy quét, tịch thu được 20 xung điện và phạt tiền các đối tượng vi phạm”. Tuy nhiên, các hoạt động ngăn chặn các đối tượng đánh bắt thủy sản bằng xung điện không thường xuyên nên các đối tượng vẫn lén lút sử dụng trái phép. 
 
Người dân chỉ khai thác, đánh bắt thủy sản tự nhiên trong lòng hồ mà không có các hoạt động nuôi trồng. Tại bến cá làng Chừ, xã Ia Ly, ngư dân Trần Văn Thay (quê Bình Định) nói thật lòng: “Vợ chồng tôi lên đây đánh cá đã hơn 10 năm. Gia đình tôi có 5 rớ, 3 thuyền và khoảng 40 tay lưới. Những năm trước, nước nhiều, cá nhiều, bình quân mỗi ngày thu trên 1 tạ cá. Nhưng hai năm trở lại đây, nước khô cạn hơn, cá ít, bình quân mỗi ngày chỉ thu được khoảng 40-50 kg cá (30-40 kg cá mương và khoảng 10 kg cá chép, cá trắm…). Lúc nước lên, bến cá này có khoảng 100 thuyền với khoảng hơn 100 người đánh bắt cá”. Đánh bắt cá được đồng nào, vợ chồng Thay gửi về quê cho ông bà nuôi các cháu ăn học. Cuộc sống của vợ chồng Thay ở bến cá này rất tạm bợ. Đêm đến thì sống trên mặt nước. Ban ngày ở thì ở cái bạt rách nát ngay tại bến cá. Nói dại, gặp trời mưa to, lũ quét, tính mạng vợ chồng Thay thật khó lường. Thay cũng như những người chuyên đánh bắt cá ở đây nói rằng, mình không sử dụng xung điện, chỉ đánh bắt bằng rớ, lưới. Tuy nhiên, họ có thật lòng hay không thì chúng tôi không rõ, vì khó có điều kiện để kiểm chứng.
 
Trước những vấn đề cuộc sống đòi hỏi, chúng tôi được biết hiện nay Sở NN&PTNT tỉnh đang có kế hoạch đầu tư phát triển thủy sản lòng hồ. Theo anh Đới Văn Cương-Cán bộ Phòng thủy sản (Sở NN&PTNT), để phát triển nghề nuôi trồng, khai thác thuỷ sản bền vững, Sở NN&PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng chương trình phát triển thủy sản giai đoạn 2001-2015; quy hoạch và phát triển nghề cá hồ chứa lớn giai đoạn 2011-2020; xây dựng Trung tâm Giống thủy sản chuyên cung cấp cá giống; đang lập hai vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại lòng hồ thủy điện Ya Ly và Plei Krông, kết hợp với du lịch sinh thái. Đồng thời Sở NN&PTNT đã đề nghị Bộ NN&PTNT giúp địa phương xây dựng bến cá cho các làng đồng bào dân tộc sống ven các hồ chứa. 
 
Bài và ảnh: Văn Nhiên